Đêm Giao thừa năm ấy trời sao rét thế. Đã mặc đến mấy cái áo, thêm chiếc áo khoác quân phục như chiếc chăn bông mỏng mà Đại tá Phạm Mạnh Thường, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang vẫn cảm thấy cái rét luồn vào từng thớ thịt.

Buông điện thoại, anh vẫn bâng khuâng với cuộc nói chuyện của người vợ. Giọng chị đã cố cứng rắn nhưng anh vẫn nhận thấy sự thảng thốt đầy nước mắt: “Anh không về đón Giao thừa với cả nhà thật à? Anh ở xa thế đón Tết với ai?”. Cố động viên vợ nhưng anh vẫn không khỏi chạnh lòng…

1.Bao năm làm Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Hà Nam rồi Cục Cảnh sát hình sự), anh cũng rất ít được đón nhận thời khắc Giao thừa với cả nhà nhưng vẫn còn được ở gần gia đình và cảm nhận sự ấm cúng của Giao thừa chứ không phải một khoảng không gian xa xôi như năm ấy…

Tiếng đồng hồ điểm 20h, còn vài tiếng nữa là bước sang năm mới. Đại tá Phạm Mạnh Thường sốc lại cổ áo rồi bước nhanh ra khỏi phòng làm việc. Anh và đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang cùng đoàn công tác sẽ vào chúc Tết các phạm nhân tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

{keywords}

Đại tá Phạm Mạnh Thường, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang thăm, tặng quà, động viên phạm nhân, đối tượng bị tạm giữ tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang đêm Giao thừa 2016.

Theo báo cáo của Ban Giám thị trại, cứ đến dịp Tết, nhất là đêm Giao thừa, tâm lý phạm nhân, đặc biệt là các tử tù bị xáo trộn. Họ rất dễ bị kích động, sẵn sàng phá phách…

Vì thế, vào dịp Tết, giám thị và các cán bộ Trại tạm giam rất vất vả đảm bảo an toàn nơi giam giữ và các bị can. Những buồng giam đầu tiên mà Đại tá Phạm Mạnh Thường và đoàn vào thăm là buồng giam của các tử tù.

Tiếng cửa sắt ken két vang lên. Tử tù Nguyễn Tiến Dũng (trú tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy) luống cuống đứng lên “Chào các cán bộ!”.

Dũng cùng với người tình Lưu Thị Thuần cầm đầu đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia với số lượng 223 bánh heroin. Bình thường Dũng lầm lì ít nói, chỉ duy nhất hôm ra Tòa xét xử, khi HĐXX tuyên Dũng và Thuần cùng án tử hình, đôi mắt anh ta mới nhìn người tình rơm rớm.

Và hôm nay, một lần nữa, Dũng cứ cúi xuống vân vê tà áo để giấu đi sự xúc động của mình khi được Giám đốc Công an tỉnh và đoàn công tác đến thăm, tặng quà Tết trong đêm Giao thừa. Quà tặng của tử tù cũng được nhiều hơn các phạm nhân khác: 2 cái bánh chưng, khoanh giò.

Ngày thường, Dũng luôn mồm kêu muốn chết, hôm đó, khi Đại tá Phạm Mạnh Thường hỏi vui: “Còn muốn xin chết nữa không?”, Dũng cười nói nhỏ nhẹ: “Thôi, được Giám đốc Công an tỉnh cho quà Tết thì em không đòi chết nữa”. Sau buồng giam của Dũng, đoàn công tác tiếp tục đến thăm, tặng quà các tử tù và các can, phạm nhân khác. 

“Vì anh em phạm tội nên phải trả giá, Tết đến xuân về không được đoàn tụ cùng gia đình. Chúng tôi cũng vì các anh mà giờ này vẫn phải có mặt làm nhiệm vụ. Thôi đã phải vào đến đây, các anh đang bị điều tra thì phải thành khẩn khai báo để lập công chuộc tội. Những ai đã có án thì phải cải tạo thật tốt để được sớm được khoan hồng, trở về làm người lương thiện”…

Trong thời khắc trời đất giao hòa ấy, những lời nói của Đại tá Thường như thấm vào tận sâu con tim đã có lúc chai sần của những con người từng gây ra các vụ án bức xúc dư luận.

Một số phạm nhân lặng lẽ quay đi, có người lén chùi nước mắt… Tết năm đó, theo báo cáo của Giám thị Trại tạm giam, anh em cán bộ của trại được ăn một cái Tết nhàn hơn, không có trường hợp phạm nhân nào phá phách, gây rối…

2. Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, Đại tá Phạm Mạnh Thường là Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự và trước đó là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam. Anh chị em phóng viên từng được nghe về những chiến công của Đại tá Thường và đồng đội từ nhiều năm trước.

Đó là vụ xóa sổ băng cướp tiệm vàng Thịnh Vượng ở số 250 Hoàng Văn Thụ. Ngày ấy, anh đang công tác tại Đội Cảnh sát điều tra Công an TP Nam Định. Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, lúc đó là Phó Trưởng Công an TP.

Đầu năm 1991, qua công tác nắm tình hình, anh Thường và đồng đội nắm được thông tin một nhóm cướp sẽ dùng súng và lựu đạn từ Thái Bình sang Nam Định cướp tiệm vàng. Nhóm này gồm các đối tượng Phạm Thanh Quang, Nguyễn Mạnh Cường, Trương Văn Bình, Trần Sỹ Chương.

Ngày 10-3-1991, nhóm cướp đã sang Nam Định thám thính để gây án. Chúng dự kiến 21h ngày 13-3 sẽ tiến hành cướp tiệm vàng Thịnh Vượng.

Với quyết tâm bắt giữ bọn cướp manh động, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tổ công tác của Công an TP Nam Định do đồng chí Phan Văn Vĩnh trực tiếp chỉ huy đã tổ chức mật phục ngay trong tiệm vàng.

Khoảng 21h, nhóm cướp áp sát cửa tiệm vàng. Khi tên Quang vào nhà, hắn đã bị đồng chí Bùi Quang Đài đánh văng khẩu súng. Bị bất ngờ, Quang ngã ngửa rồi vùng dậy bỏ chạy ra cửa; các đối tượng Chương, Bình, Cường thấy vậy cũng bỏ chạy tán loạn.

Tổ công tác đồng loạt đuổi theo. Khi họ khống chế được Quang thì bất ngờ đồng bọn của hắn là Cường đã tung quả lựu đạn ngược lại để sát hại tổ công tác và cả đồng bọn.

Lựu đạn nổ, đồng chí Vĩnh, Đài, Thịnh và Thường đều bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu. Tên Quang ngay sau đó đã bị tiêu diệt, còn các đối tượng Cường, Chương, Bình bị bắt 2 ngày sau.

Người dân thành Nam đã lặng đi trước sự hy sinh của những chiến sỹ Công an quả cảm. Ngày tiễn các anh lên tuyến trên điều trị, hàng trăm cán bộ của Công an tỉnh Nam Định đã khóc vì họ lo lắng có thể sẽ không bao giờ được gặp các anh trở về.

Nhưng rồi với sự chăm sóc tận tình của các y bác sỹ và nghị lực phi thường đã giúp các anh bình phục, nhưng sức khoẻ bị giảm sút rất nhiều, nhất là mỗi khi trái gió trở trời.

Nhưng vượt lên những nỗi đau, cùng với những người anh em của trận đánh tiệm vàng năm xưa, người thương binh Phạm Mạnh Thường quyết tâm rèn luyện sức khỏe, tiếp tục tận tâm tận lực với công việc của người lính hình sự.

Khi là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam và Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, anh đã cùng đồng đội khám phá rất nhiều chuyên án lớn như đường dây mua bán vũ khí quân dụng của Việt “tóc dài” ở Thái Nguyên; chuyên án triệt phá băng nhóm giang hồ Tú “khỉ” ở Hưng Yên; triệt phá nhóm cưỡng đoạt tài sản do Nguyễn Thanh Tùng ở Đồng Nai…

3. Tháng 11-2014, Đại tá Phạm Mạnh Thường được lãnh đạo Bộ Công an bổ nhiệm làm Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang. Nhận nhiệm vụ mới ở một đơn vị vừa có nhiều xáo trộn về tổ chức, không thể không lo lắng.

Ngày đầu tiên lên Bắc Giang nhận quyết định Giám đốc Công an tỉnh, thấy công việc tại đơn vị quá bề bộn, trong đó Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT chưa có, anh bắt tay ngay vào việc, ăn nghỉ luôn tại trụ sở cơ quan.

Cuộc làm việc đầu tiên diễn ra với những đơn vị đang có những vấn đề nổi cộm cần khắc phục ngay. Anh đã lắng nghe những vấn đề về công tác cán bộ, tâm tư của anh em cũng như các chuyên án, vụ án lớn…

“Đối thoại, tọa đàm giữa Giám đốc với cán bộ chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ khiến hai bên hiểu nhau hơn. Quan trọng là mình cầu thị, muốn hiểu để phát huy sức mạnh của anh em trong đơn vị”- Đại tá Phạm Mạnh Thường bộc bạch.

Với tố chất của người lính hình sự, Giám đốc Phạm Mạnh Thường đã khẳng định: “Trong 6 tháng, nếu chỉ huy các đơn vị làm không tốt, không hiệu quả thì sẽ điều chuyển.

Ngược lại, nếu Giám đốc điều hành không hiệu quả, không được tín nhiệm thì tôi sẽ từ chức”. Cũng với tố chất ấy, khi xảy ra những vụ việc phức tạp, anh luôn có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo sát sao nhằm phá án được trong thời gian sớm nhất.

Với sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của Đại tá Phạm Mạnh Thường và các đồng chí trong lãnh đạo, chỉ huy, từ năm 2015 đến nay, hiệu quả các mặt công tác của Công an tỉnh Bắc Giang đã tăng lên rõ rệt. Nhiều vụ án lớn về ma túy, hình sự, kinh tế được khám phá, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí…

Quan trọng hơn là đoàn kết nội bộ được củng cố, cán bộ chiến sỹ không có sai phạm. Năm 2015, sau 10 năm, Công an tỉnh Bắc Giang mới vinh dự được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an và được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc. Và năm 2016, Công an tỉnh Bắc Giang vinh dự được trao tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.

Với các thành tích xuất sắc đã đạt được, năm 2011, Đại tá Phạm Mạnh Thường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; năm 2013 được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Anh đã được nhận 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 Bằng khen của Bộ Công an; 1 Bằng khen của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Nam, 6 Bằng khen của UBND tỉnh Hà Nam và nhiều Giấy khen khác. 

Đại tá Phạm Mạnh Thường đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”; năm 2008 và 2014 được Bộ Công an tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng”; năm 2015 được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Năm 2016, Đại tá Phạm Mạnh Thường đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Theo CAND