- Hôm nay, 9/8, tại Đà Nẵng, Việt Nam và Hoa Kỳ khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin từ hóa chất diệt cỏ da cam tại các khu vực của sân bay Đà Nẵng nơi lưu trữ chất da cam trong chiến tranh Việt Nam.
Theo dự án này, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ tiến hành xử lý khoảng 73.000 mét khối đất và trầm tích ô nhiễm.
Khi dự án hoàn thành, dự kiến vào năm 2016, đất và trầm tích đã qua xử lý sẽ an toàn cho sử dụng trong công nghiệp và thương mại theo như các tiêu chuẩn do Chính phủ Việt Nam áp dụng cũng như các tiêu chuẩn của Chính phủ Hoa Kỳ đối với các địa điểm xử lý môi trường tại Mỹ.
Đây là dự án quan trọng trong nỗ lực hợp tác giữa Chính phủ hai nước. Từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ đã cùng hợp tác về các vấn đề liên quan đến chất da cam. USAID, với tư cách cơ quan đầu mối, tham gia phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để phát triển dự án tại Đà Nẵng từ năm 2009.
Nhân sự kiện này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear có bài viết đề cập nỗ lực hợp tác của hai nước trong xử lý dioxin. VietNamNet giới thiệu bạn đọc:
Đây là một ngày lịch sử đối với Hoa Kỳ và Việt Nam. Sáng nay, chúng ta đã cùng nhau khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, một cựu căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, nơi lưu trữ chất da cam. Sân bay Đà Nẵng là một trong ba "điểm nóng" tại Việt Nam nơi mà đất ở một số khu vực còn nhiễm dioxin.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear. Ảnh: Ngọc Thắng |
Chẳng còn bao xa, bắt đầu từ hôm nay, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ cùng nhau thực hiện dự án ước tính khoảng hơn 43 triệu USD để xử lý đất ô nhiễm tại Đà Nẵng bằng việc sử dụng công nghệ hiện đại với hiệu quả đã được chứng minh.
Vào thời điểm chúng tôi hoàn thành việc xử lý vào cuối năm 2016, đất sẽ an toàn để sử dụng trong công nghiệp, thương mại, và dân cư theo các tiêu chuẩn của chính phủ Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn của chính phủ Hoa Kỳ đối với các địa điểm xử lý dioxin tại Hoa Kỳ.
Sự kiện trọng đại của ngày hôm nay là một sự thừa nhận quá khứ đau buồn của chúng ta đồng thời cũng như Ngoại trưởng Clinton đã nói trong chuyến thăm của bà đến Việt Nam tháng 10/2010 rằng "một dấu hiệu của tương lai nhiều hy vọng hơn mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng."
Điều này cho thấy một quỹ đạo hợp tác đáng kinh ngạc mà hai nước đã đạt được kể từ khi bắt đầu quan hệ ngoại giao cách đây mới mười bảy năm.
Không chỉ dừng lại ở đây. Cùng với chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã trợ giúp để tiến hành Đánh giá Môi trường tại “điểm nóng” Biên Hoà nhằm xác định mức độ ô nhiễm dioxin và khuyến cáo các biện pháp thích hợp cho việc tẩy độc dioxin tại khu vực này.
Vào cuối năm nay, USAID sẽ khởi động một chương trình mới về y tế và trợ giúp người khuyết tật trị giá 9 triệu USD trong thời gian 3 năm nhằm cung cấp cho người khuyết tật các dịch vụ chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, giáo dục và đào tạo nghề cần thiết đối với họ. Chương trình mới này sẽ giúp phòng ngừa khuyết tật và dị tật bẩm sinh với sự hỗ trợ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
Khi các nỗ lực này đang đạt tiến bộ, nguồn lực và kinh nghiệm chuyên môn từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò cốt yếu trong việc tăng cường trợ giúp này.
Việc làm của các quỹ tư nhân như Atlantic Philanthropies, Ford Foundation, Gates Foundation, and Rockefeller Foundation đáp lại công việc chúng ta đã làm với các cơ quan Liên hợp quốc và các đối tác chính phủ nước ngoài.
Trong chuyến tới thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Clinton vào tháng trước, bà đã trao đổi về tầm quan trọng của khu vực tư nhân trong việc tăng cường các mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam.
"Tôi khuyến khích doanh nghiệp Hoa Kỳ và các đơn vị giúp đỡ chúng tôi trong sự nghiệp này nhằm thúc đẩy các nỗ lực trên. Đây là một thắng lợi của công ty các bạn, thắng lợi của quan hệ song phương của chúng ta, và cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam".
Thông qua hợp tác và đối thoại chân thật, chúng ta đã đạt được một mức độ tin tưởng vốn là điều không tưởng chỉ cách đây vài năm. Tôi mong đươc phối hợp với nhân dân Mỹ và Việt Nam để làm nhiều hơn nữa và kỷ niệm những mốc lịch sử mới trong thời gian tới.
David Shear - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam