- Bà Đặng Ngọc Lan (vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên) vừa khóc vừa nói: “Với một người đầy đủ nhận thức, tôi hiểu đã ký thì phải chịu trách nhiệm, nhưng cũng mong HĐXX xem xét cho tôi. Tôi đã ký với vai trò là người vợ tin tưởng chồng. Nhưng tôi cũng không thể nói đó là trách nhiệm của anh Kiên, vì đó là chồng tôi”.
Làm rõ hành vi trốn thuế ‘bầu’ Kiên bị cáo buộc
Sáng 2/12, phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) và đồng phạm tiếp tục phần thẩm vấn.
HĐXX dành thời gian để Nguyễn Đức Kiên trình bày nội dung kháng cáo của mình ở cáo buộc phạm tội 'Trốn thuế'.
Bà Đặng Ngọc Lan tại tòa sáng 2/12 |
9h25, Tòa cách ly Nguyễn Đức Kiên, tiến hành thẩm vấn bà Đặng Thị Ngọc Lan (vợ Kiên) và bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) để làm rõ hành vi trốn thuế mà Kiên bị cáo buộc.
Đối với hành vi trốn thuế mà Nguyễn Đức Kiên bị cáo buộc, bản án sơ thẩm cho rằng, có cơ sở khẳng định, hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Cty B&B (do Đặng Ngọc Lan ký) và Nguyễn Thúy Hương là không hợp pháp.
Hợp đồng này chỉ là hình thức (hợp đồng khống) nhằm mục đích chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh giá vàng theo hợp đồng ủy thác với Ngân hàng ACB của Cty B&B cho cá nhân Nguyễn Thúy Hương.
Thực chất, người thực hiện và chỉ đạo toàn bộ mọi hoạt động kinh doanh giá vàng trên tài khoản ở nước ngoài và mua bán vàng ghi sổ ở trong nước thông qua Ngân hàng ACB là do Nguyễn Đức Kiên đại diện Cty B&B thực hiện chứ không phải bà Hương, do đó Cty B&B phải có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của Nhà nước nếu có lợi nhuận từ việc kinh doanh này.
HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Đức Kiên phạm tội 'Trốn thuế', với số tiền hơn 25 tỷ đồng.
Theo lời khai của bà Lan tại phiên tòa phúc thẩm, bà thường ký vào giấy tờ khi được chồng mang về nhà đưa cho và chỉ dẫn. Bà không đọc kỹ các hợp đồng, không có sự liên hệ giữa các hợp đồng và cũng không thực hiện các hợp đồng đó.
Bà Lan vừa khóc vừa nói: “Với một người đầy đủ nhận thức, tôi hiểu đã ký thì phải chịu trách nhiệm, nhưng cũng mong HĐXX xem xét cho tôi. Tôi đã ký với vai trò là người vợ tin tưởng chồng. Nhưng tôi cũng không thể nói đó là trách nhiệm của anh Kiên, vì đó là chồng tôi.”
Bà Nguyễn Thúy Hương khai, việc ký hợp đồng với B&B bà Hương đàm phán với Kiên dù người ký hợp đồng là bà Lan.
Được trình bày nội dung kháng cáo về hành vi trốn thuế bị cáo buộc, Nguyễn Đức Kiên khẳng định, cả 5 công ty mà ông ta đại diện đều không vi phạm Luật DN. Bị cáo cho rằng mình không phạm tội 'Trốn thuế'.
Tòa cũng cho triệu tập đại diện Chi cục thuế Đống Đa, Hà Nội, bà Lê Thị Thu Hà (kế toán trưởng của Cty B&B), đại diện cơ quan giám định tài chính (Bộ Tài chính) để làm rõ những vấn đề liên quan.
Kết luận giám định tư pháp - Bộ Tài chính xác định: Thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính ngày 25/8/2008 với Ngân hàng ACB và Cty B&B năm 2009 là hơn 25 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của luật sư, đại diện cơ quan giám định cho biết: Căn cứ vào các hồ sơ tài liệu do cơ quan điều tra cung cấp, giám định viên tìm các căn cứ pháp luật có liên quan để giám định. Giám định viên biết về Thông tư 03/2009 của Bộ Tài chính và Thông tư 228/2009, nhưng thấy nó không liên quan.
Thép Hòa Phát không biết việc cố phiếu đã bị thế chấp
15h25, Tòa tiếp tục thẩm vấn những người liên quan để làm rõ hành vi 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' mà Nguyễn Đức Kiên bị cáo buộc.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa |
Tại tòa, các ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Hòa Phát), Trần Tuấn Dương (Tổng giám đốc Thép Hòa Phát), Kiều Chí Công (Giám đốc Cty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát) cho biết, không hề hay biết về việc cổ phần Cty thép Hòa Phát mà Cty ACBI của Kiên đang sở hữu đã được mang đi thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ khác.
Theo ông Công, sau khi biết việc cổ phiếu bị thế chấp đã có đơn kiến nghị cho cơ quan điều tra yêu cầu làm rõ.
Ông Mai Văn Hà (Giám đốc Cty cổ phần thép Hòa Phát) biết việc cổ phần đã bị mang đi thế chấp nhưng đã không báo cáo.
16h30 tòa nghỉ làm việc.
T.Nhung