- Việc thi hành án đối với vụ án xảy ra ở tập đoàn Vinashin đang gặp rất nhiều khó khăn do không có tài sản đảm bảo.


Sáng 26/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo công tác tư pháp quý 2 năm 2013. Tại cuộc họp báo này, thông tin về việc thi hành án đối với vụ án Vinashin được chú ý hơn cả.

Giá trị thi hành án: 1.200 tỷ đồng

Trước câu hỏi của phóng viên về tiến độ thi hành án đối với vụ án trên, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Hoàng Sỹ Thành cho biết: Đây là vụ án lớn, phức tạp, được đông đảo xã hội quan tâm. Giá trị thi hành án khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó án chủ động là 1 tỷ 9; án theo đơn yêu cầu khoảng 1.100 tỷ đồng.

Ngay sau khi tuyên án, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục thi hành án dân sự chủ động nắm tình hình, chủ động chỉ đạo Cục thi hành án Hải Phòng thực hiện thi hành án, nhất là đối với án chủ động (1 tỷ 9, gồm án phí hình sự, án phí dân sự…).

{keywords}
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Hoàng Sỹ Thành. Ảnh: Cẩm Quyên

Tuy nhiên, gần 1 năm sau phiên phúc thẩm (ngày 30/8/2012 tại Hải Phòng), ông Thành cho biết kết quả thi hành án “chưa được bao nhiêu”, vì 3 lý do.

Thứ nhất: Khi xét xử, tòa án TP Hải Phòng không áp dụng biện pháp đảm bảo trong thi hành dân sự đối với người phải thi hành án nên tất cả các tài sản không thấy đâu. Toàn bộ giá trị thi hành án là 1.200 tỷ đồng nhưng không có bất cứ một biện pháp đảm bảo nên đến khi thi hành án thì không có tài sản nào cả, kể cả 1 tỷ 9 án chủ động đến nay thi hành cũng được không đáng kể.

Thứ hai: Đối với án theo đơn yêu cầu (giá trị thi hành án khoảng 1.100 tỷ đồng), Bộ GTVT đã có chỉ đạo nhưng các doanh nghiệp được thi hành án đều là công ty con của công ty mẹ thuộc tập đoàn Vinashin nên họ không có đơn yêu cầu (ngoài công ty Nam Triệu).

Theo ông Thành, nguyên lý trong thi hành án dân sự là đối với án theo đơn thì doanh nghiệp phải có đơn mới tổ chức thi hành án được, nếu họ không có đơn thì không thể thực hiện.

Thứ ba: Khi xác minh tài sản của 9 cá nhân trong vụ án này để thi hành án thì kết quả cho thấy tài sản của họ có rất ít, có người có tài sản nhưng đã thế chấp ngân hàng rồi nên đảm bảo tài sản để thi hành án bây giờ cực kỳ khó khăn. Có người có biệt thự 15 tỷ đồng ở Hà Nội đã thế chấp vay ngân hàng rồi, có người ở Nam Định tài sản chỉ có 120 triệu đồng!

“Chắc chắn phải báo cáo”

Trước tình hình khó khăn như vậy, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp mời các bộ, ngành liên quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, KHĐT, Tài chính, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao tới để họp bàn biện pháp chỉ đạo giải quyết.

Trên cơ sở cuộc họp đó, Bộ Tư pháp có báo cáo gửi Thủ tướng, báo cáo lại tình hình tổ chức thi hành án đối với vụ án này, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thi hành án và Thủ tướng cũng đã đồng tình với đề xuất của Bộ Tư pháp.

“Về phía Tổng cục thi hành án dân sự, chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, nắm tình hình, yêu cầu tổ này hàng tháng có báo cáo tiến độ thi hành án đối với vụ việc này”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng nhấn mạnh quan điểm của Bộ Tư pháp và Tổng cục là kiên quyết, tiếp tục đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo các cơ quan thi hành án. Những tài sản nào qua xác minh mà có được thì phải kê biên để phát mãi theo đúng quy định của pháp luật.

“Cá nhân tôi nghĩ rằng việc thi hành án đối với vụ án này chắc chắn phải báo cáo với Thủ tướng vì với kết quả xác minh trong thời gian vừa qua, khả năng thi hành án là rất khó khăn”, ông Thành cho hay.

Khi được hỏi về quan điểm của mình trước việc toàn án TP Hải Phòng khi xét xử đã không áp dụng biện pháp bảo đảm, ông Thành từ chối trả lời.

Cẩm Quyên