Dự kiến sẽ có khoảng 454.600 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương trong diện bị ảnh hưởng khi 4 Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh tắt sóng analog được hỗ trợ đầu thu STB trong thời gian tới.
Con số này được Bộ TT&TT đưa ra chiều nay, 21/1, trong phiên họp lần 9 của Tiểu ban Giúp việc BCĐ Đề án Số hóa truyền hình, sau khi phối hợp xác định với UBND 4 Thành phố và 19 tỉnh lân cận chịu ảnh hưởng.
Đại diện cục tần số nêu báo cáo tình hình triển khai đề án trong năm 2015. |
Hiện tại, Bộ đã giao Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích làm chủ đầu tư, xây dựng dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số. Quỹ đã thực hiện thủ tục triển khai dự án và đăng thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định. Dự kiến trong tháng 4/2016 sẽ hoàn thành dự án đấu thầu này và triển khai hỗ trợ, lắp đặt đầu thu cho 450.000 hộ nói trên.
Theo chuẩn nghèo, cận nghèo mới của Chính phủ, tiêu chí để xác định thu nhập chuẩn nghèo là 700.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Chuẩn cận nghèo quy định 1.000.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Tiêu chí này cao hơn so với tiêu chí áp dụng trong giai đoạn 2011-2015. Ngoài ra, Quyết định của Chính phủ còn bổ sung thêm quy định về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Do đó, số lượng hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước sẽ tăng lên (khoảng 10-30% so với số liệu cuối năm 2014). Chính vì thế, vấn đề bổ sung kinh phí hỗ trợ đầu thu sẽ phải được xem xét đến, Tiểu ban GV phân tích.
Theo lộ trình, ngày 1/3 tới đây sẽ tiến hành tắt sóng 9 kênh truyền hình không thuộc danh mục kênh thiết yếu ở Hà Nội, Cần Thơ và TP.HCM, sau đó tiến tới tắt sóng toàn bộ các kênh analog tại 4 TP lớn từ ngày 1/6. Muốn đảm bảo hai mốc thời gian này, việc hỗ trợ đầu thu cần phải tăng tốc, tuy vậy một vướng mắc lớn là số lượng hộ nghèo, cận nghèo phải hỗ trợ rất lớn, không chỉ thuộc 4 thành phố mà còn ở cả 19 tỉnh lân cận.
Ngoài ra, để đảm bảo việc thông tin, tuyên truyền về Đề án số hóa truyền hình được liên tục, đạt hiệu quả tới người dân tại 4 TP và 19 tỉnh lân cận, Tiểu ban GV đề nghị các đơn vị có liên quan là Cục PTTH & TTĐT, Viện Chiến lược... sớm trình Bộ TT&TT ban hành kế hoạch thông tin tuyên truyền trong thời gian tới. Trước đó, khi tắt sóng thử nghiệm tại Đà Nẵng, nhiều kênh tuyên truyền đã được triển khai cùng lúc như nhắn tin SMS tới các thuê bao di động, phát video clip/audio clip trên đài phát thanh - truyền hình, chạy chữ trong những chương trình truyền hình phát sóng giờ vàng....
Tuy vậy, tại thời điểm này, Tổng đài tư vấn giải đáp thông tin về số hóa truyền hình chung cho cả nước chưa được thiết lập. Đà Nẵng đã đề xuất tận dụng luôn Tổng đài giao tiếp điện tử của thành phố này để thiết lập Tổng đài giải đáp, tư vấn cho tất cả các địa phương còn lại để tối ưu hóa đầu tư, tiết kiệm chi phí, nguồn lực... và giải pháp này đang nhận được nhiều sự ủng hộ. Nhưng mới đây nhất, Công ty cổ phần truyền hình cáp Hà Nội cũng có công văn đề nghị Bộ TT&TT xem xét cho tham gia triển khai thiết lập Tổng đài hỗ trợ, tư vấn cho khu vực Bắc Bộ.
T.C