Nhiều ý kiến cho rằng, danh mục kênh chương trình truyền hình thiết yếu quốc gia cần "gọn gàng" và giảm bớt về số lượng để việc phát sóng được khả thi.
Số lượng các kênh truyền hình trong nước thiết yếu là một trong những nội dung "nóng" được các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến trong cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Thông tư quy định danh mục kênh chương trình truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu do Bộ TT&TT chủ trì sáng nay, 9/3.
VTV 1 thuộc nhóm 12 kênh chương trình thiết yếu theo Dự thảo Thông tư |
Theo như Dự thảo Thông tư thì sẽ có tới 12 kênh chương trình thiết yếu, được chia làm 2 loại: Danh mục các kênh chương trình truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia (gọi tắt là loại 1) và Danh mục các kênh chương trình truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương (loại 2).
Các đơn vị cung cấp dịch vụ PTTH có trách nhiệm cung cấp các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu trên các hạ tầng truyền dẫn, phát sóng của mình, theo quy định tại Nghị định 06 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH.
Chẳng hạn như bà Lê Hương Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) nêu quan điểm rằng cần "giảm bớt 1/2 số lượng kênh trong danh mục". Bà Giang cũng cho rằng cần phải có tiêu chí đánh giá về nội dung để xác định một kênh chương trình có đáng là "thiết yếu quốc gia" hay không. Tiêu chí này có thể là tôn chỉ mục đích, tỷ lệ khung chương trình như thế nào (tỷ lệ phim, phóng sự, chuyên đề là bao nhiêu).
"Không nên xét những kênh có tới 50-70% thời lượng phát sóng là phim vì như thế là lãng phí nguồn lực xã hội", bà Giang nhấn mạnh.
Bà Doãn Thị Thuận, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cũng đồng tình với quan điểm này, khi cho rằng cơ quan quản lý không thể "ép" nhà đài truyền dẫn những kênh suốt ngày chiếu phim nước ngoài với lý do đó là kênh truyền hình thiết yếu quốc gia được. Bà cũng nêu bật sự cần thiết của việc rà soát các tiêu chí xác định kênh thiết yếu quốc gia.
Vẫn cần tuân theo quy luật thị trường?
Từ góc độ nhà đài, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam lại đặt ra vấn đề về cơ chế thị trường khi truyền dẫn phát sóng các kênh thiết yếu.
"Các doanh nghiệp truyền hình trả tiền hoạt động theo cơ chế thị trường, theo Luật Doanh nghiệp thì ta không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính, buộc họ phải truyền dẫn miễn phí các kênh thiết yếu được. Với lại nếu không có chế tài thì danh mục đưa ra cũng chỉ mang tính hình thức", vị này phân tích.
Doanh nghiệp thì phải tính toán đến lợi nhuận, chi phí. Nhiều kênh thiết yếu nhưng đông người xem như VTV1 thì dù cơ quan quản lý không yêu cầu, các đài truyền hình trả tiền vẫn tự nguyện phát sóng. Ngược lại, một số kênh như tiếng dân tộc... không phù hợp với đối tượng khán giả chính của truyền hình trả tiền, nếu ép họ phát miễn phí thì sẽ "vênh" với Luật doanh nghiệp, đại diện VTV cho hay.
"Nên chăng các kênh thiết yếu khi phát sóng không nên yêu cầu phát miễn phí mà có thể áp dụng khung giá ở mức chi phí, không phải giá kinh doanh thì doanh nghiệp dễ chấp nhận hơn?", VTV đề xuất.
Trước những ý kiến này, ông Lê Ngọc Đức, Phó Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT, đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư cho biết sẽ tiếp thu và chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo, tập trung vào những vấn đề như Tiêu chí xác định thế nào kênh thiết yếu quốc gia để đưa vào danh mục.
T.C