Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Hồ sơ mời đấu giá băng tần 2.6 GHz để các doanh nghiệp viễn thông triển khai cung cấp 4G thương mại. Dự kiến việc đấu giá băng tần này sẽ thực hiện vào cuối năm nay.

{keywords}

Thông tin này vừa được chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết đánh giá 5 năm thi hành Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện tại Hà Nội sáng nay, 18/3.

Hình thức đấu giá này sẽ buộc các doanh nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng đến hiệu quả kinh doanh khi phải bỏ ra một số tiền lớn để có được giấy phép sử dụng tần số, Cục Tần số vô tuyến điện nhấn mạnh trong Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Tần số vô tuyến điện.

Cả Cục Tần số và Cục Viễn thông đều xác định, việc chuẩn bị tổ chức đấu giá băng tần 2.6 GHz là nhiệm vụ trọng tâm, cần dồn lực triển khai thành công trong năm 2016. Sau khi các doanh nghiệp trúng tuyển tần số, Cục viễn thông sẽ tiến hành cấp phép 4G để doanh nghiệp triển khai kinh doanh.

Hiện tại, khâu thử nghiệm 4G cũng đã được nhiều nhà mạng triển khai sau khi nhận được giấy phép thử nghiệm từ Bộ TT&TT. Trong đó, Viettel triển khai từ giữa tháng 12 tại Vũng Tàu và VNPT VinaPhone thử nghiệm tại TP.HCM cùng Phú Quốc từ 19/1. Riêng MobiFone sẽ thử nghiệm 4G tại ba thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng vào cuối tháng 4. Ngoài 3 nhà mạng lớn thì một số doanh nghiệp khác cũng nộp hồ sơ xin được thử nghiệm 4G như FPT Telecom.

Hành lang pháp lý quan trọng

Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009, có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý hoạt động và phát triển ngành vô tuyến điện, hoàn thiện hành lang pháp lý cho một lĩnh vực rất quan trọng.

Luật đã khắc phục được những hạn chế của các quy phạm trước đây, kế thừa và pháp điển hoá các quy định còn phù hợp với thực tiễn, đồng thời bổ sung một số nội dung mới để giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý và đáp ứng yêu cầu hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai.

Chẳng hạn như Luật đã phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, Cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc quản lý tần số vô tuyến điện; xác định vị trí của Thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến điện nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện và phù hợp với cam kết của Việt Nam gia nhập WTO về việc minh bạch chính sách quản lý và thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành. Đồng thời Luật cũng quy định việc quản lý tần số trong an ninh, quốc phòng thông qua cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm thống nhất quản lý việc sử dụng tần số của hai Bộ và tạo thuận lợi cho việc phối hợp giữa các Bộ ngành.

Sau 5 năm áp dụng, Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số, đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện ở VN.

Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật tần số vô tuyến điện đã đánh giá những mục tiêu, kết quả đã đạt được, cũng như chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, bất cập cần điều chỉnh.

Các quy định mới về quy hoạch tần số, nguyên tắc cấp phép sử dụng tần số nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho việc ứng dụng các công nghệ vô tuyến mới có hiệu quả sử dụng tần số cao hơn, dành băng tần cho các công nghệ và dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế xã hội nhiều hơn cho cộng đồng, đồng thời cũng sẽ hạn chế việc sử dụng băng tần quý hiếm cho các công nghệ lạc hậu kéo dài gây lãng phí tần nguồn tài nguyên tần số.

Đặc biệt, Luật bổ sung hình thức cấp phép theo cơ chế thị trường thông qua việc thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng trong trường hợp cấp phép bằng phương thức đấu giá. Những quy định mới này nhằm mục đích lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực thực sự, cung cấp dịch vụ tốt nhất, sử dụng hiệu quả tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện. Tính minh bạch trong cấp phép các băng tần quý hiếm cao hơn. Thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến điện trở nên lành mạnh và có tính cạnh tranh thực sự.  Quyết định của Thủ tướng chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các băng tần đấu giá là cơ sở quan trọng để triển khai đấu giá các băng 2.3 GHz, 2.6 GHz trong thời gian tới.

Triển khai thực hiện luật, Bộ TT&TT đã ban hành 2 Nghị định, 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 46 Thông tư, Quyết định cấp Bộ trưởng (Phụ lục I). Trong đó, có một số văn bản quan trọng góp phần cụ thể hóa các nội dung, quy định của Luật, là công cụ thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả phổ tần như Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia (được Thủ tướng ký ban hành năm 2013); Quy hoạch băng tần cho phép doanh nghệp triển khai thông tin di động băng rộng IMT (3G,4G) trên băng tần 800/900/1800 MHz; Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất băng tần UHF(470-806)MHz đến năm 2020....

T.C