Lo ngại việc tắt sóng analog tại 4 thành phố lớn trực thuộc Trung ương và 19 tỉnh lân cận càng bị kéo dài thì càng ảnh hưởng đến tiến độ đề án số hóa truyền hình nói chung, ông Đoàn Quang Hoan đề xuất Ban chỉ đạo Đề án xem xét lựa chọn thời điểm chính thức tắt sóng analog ở Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP.HCM là ngày 15/8/2016.

Hiện tại, Ban chỉ đạo mới chỉ quyết định thời điểm tắt mềm 7 kênh truyền hình analog không thiết yếu ở Hà Nội, Cần Thơ và TP.HCM là ngày 15/6, còn thời điểm tắt sóng chính thức vẫn chưa được ấn định.

Tuy nhiên, tại phiên họp lần thứ 10 của Ban chỉ đạo số hóa truyền hình chiều nay, 1/4, Tiểu ban giúp việc cho biết, thời điểm hoàn thành dự kiến của công tác hỗ trợ đầu thu STB cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 4 thành phố và 19 tỉnh lân cận là trong tháng 5. Do đó, Tiểu ban giúp việc đề nghị Ban chỉ đạo xem xét, lựa chọn thời điểm chính thức tắt sóng analog tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP.HCM là sau đó tròn 2 tháng.

Ông Đoàn Quang Hoan cũng cho biết, hiện Bộ TT&TT đang phối hợp với UBND 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh và 19 tỉnh lân cận chịu ảnh hưởng khi 4 thành phố lớn tắt sóng analog xác định con số hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ đầu thu STB. Theo ước tính, con số này vào khoảng 454.673 hộ (theo chuẩn Trung ương).

Hiện tại, Bộ đã giao Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích làm chủ đầu tư xây dựng dự án hỗ trợ đầu thu STB. Quỹ đã thực hiện thủ tục triển khai dự án và đang tiến hành lựa chọn nhà thầu. Dự kiến trong tháng 4, Quỹ sẽ triển khai thực hiện việc hỗ trợ và lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo trong vùng bị ảnh hưởng của tắt sóng.

Thế nhưng một số địa phương đang đề nghị được hướng dẫn hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới (Quyết định số 59/2015 của Thủ tướng ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020). Bộ TT&TT sẽ xem xét hỗ trợ bổ sung đầu thu STB cho các hộ đủ điều kiện theo Quyết định 2451 của Thủ tướng trong thời gian tới.

Không bàn lùi

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh rằng giai đoạn này là một giai đoạn bản lề, rất quan trọng trong toàn bộ đề án số hóa truyền hình, do diện tắt sóng rất rộng. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung thảo luận, tháo gỡ các vấn đề, vướng mắc trọng tâm, theo hướng "dứt khoát chỉ bàn tới, không bàn lùi" vì đây là xu hướng tất yếu, tự nhiên của thế giới. Tuy vậy, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc đảm bảo tiến độ triển khai phải song song với việc không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân xem truyền hình.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.

Trước đó, Tiểu ban giúp việc cho biết, khi Hải Phòng tắt sóng, các vùng lõm là Kiến An, Đồ Sơn (phía sau núi Phú Liễn), huyện Thủy Nguyên, Cát Bà, Cát Hải sẽ bắt sóng khó khăn. Tiểu ban Giúp việc đề nghị Công ty Truyền dẫn phát sóng đồng bằng sông Hồng (RTB) sớm báo cáo giải pháp cụ thể để khắc phục những vùng lõm nói trên.

Tương tự, khi VTV ngừng phát VTV2 tại Cần Thơ, phần lớn địa bàn tỉnh Trà Vinh sẽ bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của Sở TT&TT Trà Vinh, do các hộ dân dùng khuếch đại ăng-ten nên vùng ảnh hưởng trên thực tế rất lớn, chiếm gần hết địa bàn tỉnh và đến tận các huyện ven biển. Trong khi đó, sóng truyền hình DVB-T2 của VTV chỉ phủ được một số huyện ở phía Tây Bắc của tỉnh, các huyện ở phía Đông, Đông Nam, đặc biệt là một số địa bàn ven biển chưa được phủ sóng truyền hình số mặt đất. Do vậy, Tiểu ban giúp việc đề nghị VTV xem xét, đề xuất giải cụ thể để đảm bảo vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất tại tỉnh Trà Vinh.

Ngoài ra, để đảm bảo việc thông tin, tuyên truyền cho số hóa truyền hình được liên tục và có hiệu quả tới người dân ở 4 thành phố và 19 tỉnh lân cận, Tiểu ban giúp việc đề nghị Viện Chiến lược phối hợp Cục PTTH & TTĐT cùng các đơn vị liên quan sớm trình Bộ TT&TT ban hành Đề án thông tin, tuyên truyền số hóa truyền hình mặt đất giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở tổng kết kết quả triển khai của giai đoạn 2013-2015. "Phương thức tuyên truyền mới cần cân nhắc điều chỉnh để phù hợp với thực tế tại các địa phương cũng như điều kiện kinh phí hạn hẹn", Tiểu ban giúp việc khuyến nghị.

Một điểm cần lưu ý là Tổng đài tư vấn giải đáp thông tin về số hóa truyền hình chung cho toàn quốc vẫn chưa được thiết lập. Sở TT&TT Đà Nẵng đã gửi công văn đề nghị Bộ TT&TT xem xét sử dụng tổng đài giao tiếp điện tử Đà Nẵng để thiết lập Tổng đài số hóa toàn quốc, tuy nhiên mới đây, cả Công ty cổ phần truyền hình cáp HN và Công ty SDTV cũng bày tỏ mong muốn được tham gia triển khai thiết lập tổng đài hỗ trợ, giải đáp thông tin về số hóa truyền hình cho khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Hiện Trung tâm thông tin Bộ TT&TT đang xây dựng, đề xuất giải pháp thuê ngoài Tổng đài để đảm bảo tiến độ theo như kế hoạch.

Mốc thời gian 15/8 đều nhận được sự đồng tình và ủng hộ từ các địa phương như Hải Phòng, Cần Thơ, TP.HCM. Đại diện các thành phố đều khẳng định điều kiện đã sẵn sàng và chỉ đợi hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo xong là có thể tiến hành tắt sóng.

Uỷ viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn thống nhất việc ngừng phát sóng analog toàn bộ tại 4 TP trực thuộc trung ương và 19 tỉnh lân cận từ 15/8. Tuy nhiên ông nhấn mạnh thời gian còn lại không nhiều nên các bên liên quan cần triển khai đồng bộ, có sự thống nhất cao. Ngoài Trung ương và VTV, Thứ trưởng mong muốn các doanh nghiệp và địa phương "thực sự vào cuộc" để đảm bảo đúng tiến độ. 

Trọng Cầm