- Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, việc triển khai số hoá truyền hình là để phục vụ người dân xem truyền hình tốt hơn chứ không gây gián đoạn, hạn chế người dân thu xem chương trình.
Phát biểu kết luận tại Phiên họp lần thứ 10 của Ban chỉ đạo Số hoá truyền hình chiều 1/4, Thứ trưởng Tuấn nhiều lần nhắc lại quan điểm của Đề án với các đơn vị liên quan. Theo ông, đảm bảo tiến độ và lộ trình dự kiến nhưng cũng phải đồng thời đặt lợi ích người dân lên trước.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu kết luận phiên họp. |
Điều này đòi hỏi vùng phủ sóng số mặt đất ở 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP. HCM cùng 19 tỉnh lân cận bị ảnh hưởng khi tắt sóng analog giai đoạn 1 sẽ phải được đảm bảo, cả về diện rộng lẫn chất lượng phủ sóng.
"Đề nghị các địa phương, Cục Tần số và các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng rà soát, kiểm tra lại thật kỹ, khắc phục các vùng lõm để quá trình chuyển đổi không bị gián đoạn, người dân không bị ảnh hưởng nhiều", Thứ trưởng yêu cầu.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền cần được triển khai tới những người dân chịu ảnh hưởng và những khu vực tắt sóng trước thời điểm tắt, giúp người dân nhận thức đúng về lợi ích và ý nghĩa của đề án. "Phải làm sớm để tạo dư luận đồng lòng, tránh mỗi người hiểu một kiểu khác nhau", ông lưu ý.
Xem xét chuyển đổi từ số mặt đất sang số vệ tinh
Một vấn đề lớn nổi lên tại cuộc họp chiều nay là yêu cầu chuyển đổi từ hình thức truyền hình số mặt đất (DTT) sang truyền hình số vệ tinh (DTT) tại một số địa bàn đặc thù.
Trong số các địa phương nhóm II, nhiều tỉnh có địa bàn đồi núi bao gồm Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận. Việc phủ sóng số mặt đất cho các địa bàn này sẽ rất khó khăn và đạt hiệu quả thấp hơn so với truyền hình số vệ tinh.
Tại phiên họp lần 3 của Ban chỉ đạo Đề án số hóa, Ban chỉ đạo đã đồng ý nguyên tắc kết hợp phủ sóng DTT với DTH để đảm bảo tiến độ và hiệu quả phủ sóng đối với địa bàn miền núi, hải đảo.
Trong giai đoạn 2, khi số lượng tỉnh với địa hình trung du, đồi núi, hải đảo chiếm đa số thì việc kết hợp này rất cần được xem xét, Tiểu ban Giúp việc nhấn mạnh, nhất là khi hầu hết các tỉnh đều đã phát sóng quảng bá kênh truyền hình địa phương qua vệ tinh VINASAT.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng đã trao tặng bằng khen thành tích triển khai Số hoá truyền hình cho 2 tập thể, 12 cá nhân |
Phân tích tình hình thực tế, Cục Tần số đề nghị các đơn vị, Doanh nghiệp TDPS khẩn trương triển khai phủ sóng số, đảm bảo diện phủ sóng bao trùm vùng phủ sóng truyền hình analog mặt đất của các Đài phát sóng chính tại địa phương thuộc nhóm II. Đối với các địa bàn vùng núi, vùng lõm có các trạm phát lại ATV, Cục đề xuất tiếp tục duy trì hệ thống phát lại truyền hình tương tự và sẽ hỗ trợ đầu thu truyền hình qua vệ tinh, thực hiện ngừng phát sóng truyền hình analog mặt đất cùng với các địa phương thuộc nhóm 3. Để thuận lợi và tăng tính khả thi, Tiểu ban giúp việc cho rằng nên chuyển một số tỉnh có địa hình phức tạp như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Phú Thọ sang giai đoạn 3 của Đề án. Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình từ Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, khi ông giao Cục Tần số làm việc với các địa phương để đề xuất điều chuyển từ nhóm 2 sang nhóm 3.
Đồng thời, việc nghiên cứu, xác định những vùng chuyển từ số hóa mặt đất sang số hóa vệ tinh cũng rất cần thiết. THứ trưởng cho biết Bộ sẽ gửi văn bàn cho UBND các tỉnh, thành đề nghị báo cáo tình hình hoạt động và hiệu quả các trạm phát lại, từ đó mới đề xuất địa bàn chuyển đổi.
Đẩy nhanh hỗ trợ đầu thu
Theo quy định mới, số lượng hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ đầu thu STB trong giai đoạn 2 sẽ tăng khoảng 20-30% so với tính toán cuối năm 2014. Nói cách khác, số đầu thu cần hỗ trợ trong giai đoạn 2 sẽ lên tới 660.000 - 750.000 đầu thu, thay vì 550.000 như ước tính hiện nay. Do đó, Kinh phí hỗ trợ đầu thu chắc chắn sẽ bị đội lên đáng kể.
Bên cạnh kinh phí thì quy trình hỗ trợ đầu thu cũng đang bị chậm. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phân tích việc tắt sóng analog tại Đà Nẵng phải lùi thời gian, cũng như 4 TP lớn cũng bị điều chỉnh thời hạn nguyên nhân chủ yếu là do công tác hỗ trợ đầu thu bị chậm. Thứ trưởng đề nghị Quỹ viễn thông công ích phối hợp Cục Tần số khẩn trương xây dựng kế hoạch và quy trình các bước tiến hành hỗ trợ đầu thu để đẩy nhanh tiến độ.
Trước đó, đại diện Quỹ Viễn thông công ích cho biết dự kiến việc hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo 4 thành phố sẽ hoàn tất trước ngày 15/5.
Theo kế hoạch, trước ngày 31/12/2016 sẽ ngừng phủ sóng analog tại các tỉnh thuộc nhóm 2. Tuy nhiên, tổng thời gian triển khai công tác chuẩn bị hỗ trợ đầu thu và thời gian triển khai lắp đặt STB cho các hộ nghèo, cận nghèo đòi hỏi từ 6-7 tháng. Vì thế, để đảm bảo thời hạn dự kiến nói trên, các thủ tục liên quan đến việc hỗ trợ STB giai đoạn 2 cần được khởi động ngay trong tháng 6 này.
Trọng Cầm