Cùng với 7 Bộ, ngành khác, Bộ TT&TT sẽ tiến hành liên thông, kết nối phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ (VPCP) qua trục liên thông Chính phủ trước ngày 30/4.

Theo Lịch triển khai dự kiến vừa được VPCP gửi cho các Bộ, ngành, địa phương mới đây, các Bộ TT&TT, Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn, Nội vụ, Kế hoạch & Đầu tư, Công thương, Xây dựng cùng với Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ VN sẽ tiến hành kết nối từ nay đến ngày 30/4.

{keywords}
30 Bộ, ngành, địa phương sẽ liên thông hệ thống quản lý văn bản với VPCP trước 30/4

Cũng trong đợt 1 này (từ 25/3-30/4) còn có 22 địa phương sẽ liên thông hệ thống văn bản điện tử với VPCP, là các tỉnh, thành phố: Bình Định, Quảng Ninh, Tiền Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương, Cà Mau, Long An, Khánh Hòa, Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tây Ninh, Hà Nội, Nam Định, Hà Giang, Bắc Ninh, Đắk Nông.

Trong giai đoạn 2 (từ ngày 1/5 - 30/5), sẽ có thêm 3 Bộ, ngành là Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng 39 tỉnh, thành phố: Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bến Tre, Kiên Giang... cũng kết nối, liên thông với VPCP.

Trước đó, TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước chính thức liên thông hệ thống văn bản điện tử hai chiều qua trục liên thông Chính phủ với VPCP từ hôm 5/4 vừa qua. Theo mô hình liên thông này, văn thư tại VPCP sẽ phát hành văn bản điện tử trên phần mềm. Văn bản sau đó được Trục liên thông tại VPCP tiếp nhận và chuyển tới UBND Thành phố. Phòng Hành chính của UBND Thành phố sẽ tiếp nhận văn bản đến từ Trục liên thông, sau đó chuyển cho cán bộ xử lý.

Thông qua hệ thống, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo VPCP sẽ có thể theo dõi tình trạng xử lý văn bản của UBND thành phố Hồ Chí Minh qua các bước: Tiếp nhận văn bản, trình lãnh đạo; phân công thực hiện; đang xử lý; hoàn thành.

Liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử xuyên suốt trên toàn quốc là một trong 3 nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ điện tử, theo Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà, do nó sẽ góp phần giảm tỷ lệ sử dụng giấy tờ, giảm thời gian xử lý công việc, cung cấp công cụ để kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

T.C