Một số nhà cung cấp chữ ký số trong nước "tố" nhiều đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, chiết khấu cho đại lý tới 80% và lo ngại việc này nếu kéo dài thì "tất cả sẽ kéo nhau cùng chết".

"Hội nghị định hướng quản lý nhà nước đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng năm 2016" do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) tổ chức vừa diễn ra sáng nay, 28/4, với sự tham gia của 9 nhà cung cấp là Viettel-CA, BKAV-CA, VNPT-CA, FPT-CA, Newtel-CA, Smartsign-CA, Safe-CA, CK-CA và CA2-CA.

{keywords}

"Hội nghị định hướng quản lý nhà nước đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng năm 2016"

Vấn đề nóng nhất tại Hội nghị chính là hoạt động của các đại lý và cộng tác viên trên thị trường chữ ký số (CA) hiện nay, khi rất nhiều bất cập, thậm chí là sai sót đã nảy sinh trong các giao dịch thực tế.

Đại lý bắt chẹt!

Ông Ngô Tuấn Anh, đại diện của BKAV-CA là người "mở màn" khi phản ánh, 2 năm gần đây tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số rất khó khăn. Doanh thu khiêm tốn nhưng lại phải chiết khấu rất cao cho các đại lý, khiến cho phần còn lại dành cho nhà cung cấp không còn bao nhiêu. Đó là chưa kể công tác quản lý cộng tác viên hiện nay chưa có sự đồng nhất giữa các nhà cung cấp: nhiều nơi làm đúng quy định, chỉ cho phép Cộng tác viên hướng dẫn, giới thiệu dịch vụ, sản phẩm với khách hàng, nhưng không ít nhà cung cấp cho CTV quyền tự cấp CA tới người dùng.

"Chữ ký số là một dịch vụ rất đặc thù. Muốn cấp phải có chứng chỉ, phải qua đào tạo bài bản, nhất là dịch vụ có liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin nhạy cảm của khách hàng. Trong khi đó, nhiều CTV không hề được đào tạo gì, có người vẫn là sinh viên đại học, thậm chí học sinh cấp 3. Nếu tự cấp CA cho người dùng thì rất rủi ro", ông Ngô Tuấn Anh cho biết.

Như được "gãi đúng chỗ ngứa", ông Ngô Đình Vạn, đại diện Viettel-CA bức xúc nêu câu hỏi: "Tôi nghe nói có nhà cung cấp chiết khấu tới 80% cho đại lý. Thử hỏi như vậy thì các ông sống kiểu gì? Nếu cứ tiếp tục như vậy thì chỉ cùng nhau chết mà thôi".

Theo ông Vạn, thị trường hiện đã bão hòa, nhu cầu khó mở rộng thêm, cạnh tranh giữa các nhà cung cấp với nhau lại quá sức khốc liệt, thiếu tiếng nói chung. Điều nguy hiểm là các bên chỉ cạnh tranh nhau về giá và chiết khấu mà không cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ để đảm bảo sự bền vững cho thị trường.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Cường, đại diện FPT-CA cho biết tỷ lệ % cho đại lý đang "tăng phi mã": trước đây  chỉ 15 – 20%, giờ có thông tin 70 – 80%. Nếu cứ chiết khấu ngất ngưởng như vậy thì "các CA làm ra bao nhiêu chỉ nuôi đại lý là chính". Viễn cảnh "Tất cả chúng ta cùng kéo nhau chết" một lần nữa được ông Cường cảnh báo.

Cần mở rộng thị trường

Cố gắng giải thích cho việc này, ông Đinh Đức Thụ, đại diện VNPT-CA cho rằng, căn nguyên vấn đề nằm ở thị trường có quy mô nhỏ trong khi số lượng nhà cung cấp quá đông, buộc họ phải cạnh tranh bằng mọi giá. Các đại lý đã lợi dụng thực tế này để ép ngược lại nhà cung cấp, dẫn tới tỷ lệ chiết khấu cuối cùng cao như vậy.

"Nếu hạch toán riêng mảng kinh doanh CA, chúng tôi chắc chắn lỗ. Sau khi tái cơ cấu, VNPT đã phải thay đổi tư duy, tự xây dựng kênh bán hàng để không phải phụ thuộc đại lý như trước nữa, chi phí trung gian ít, lại trực tiếp cung cấp dịch vụ đến tay khách hàng. Nhưng rõ ràng, cạnh tranh về giá là tự chặt tay chặt chân của mình", ông Thụ kết luận.

Phân tích kỹ hơn, ông Ngô Tuấn Anh cho biết, hiện số lượng khách hàng của cả thị trường chữ ký số chỉ khoảng 600-700.000 doanh nghiệp và tổ chức. "Những ai có nhu cầu thì hầu hết đều đã dùng dịch vụ rồi, muốn tăng thêm khách hàng mới là rất khó". Vị đại diện của BKAV-CA kiến nghị cơ quan quản lý có những giải pháp mở rộng thị trường, không chỉ bó hẹp trong doanh nghiệp, tổ chức mà mở rộng ra cả khách hàng cá nhân (sử dụng các dịch vụ như ngân hàng, y tế, bảo hiểm...) để doanh nghiệp có động lực.

Hiến kế với NEAC, ông Lê Đình Cường khẳng định, việc tìm kiếm thị trường mới là bắt buộc. "Bản thân FPT cũng phải tích hợp rất nhiều giải pháp như giao thông, y tế, chính phủ điện tử nhưng kết quả chưa cao", ông thừa nhận, cho biết sở dĩ việc ứng dụng chữ ký số trong thuế, hải quan thành công như vậy là do chính sách của Tổng cục Thuế, quy định muốn khai thuế, hải quan qua mạng thì buộc phải sử dụng chữ ký số. Nếu như các thị trường mới cũng có yêu cầu tương tự thì sẽ tạo ra được cú hích cho thị trường.

Chuyển đổi SHA1-SHA2: Cần có lộ trình

Đại diện CA2-CA đã thẳng thắn nêu ra nhiều khó khăn khi phải chuyển đổi SHA2: Doanh nghiệp phải duy trì song song cả 2 hệ thống cũ và mới, đồng thời phải đầu tư trang thiết bị mới trong điều kiện kinh doanh đang không có lãi, thậm chí còn tăng trưởng thuê bao và lợi nhuận âm trong năm 2015.

 Tương tự, ông Ngô Tuấn Anh cũng nêu lên thực tế các khách hàng cũ đang mua một gói dịch vụ 3 năm, nếu nâng cấp hệ thống và đổi chữ ký số, những khách hàng này sẽ không khai được thuế, hải quan nữa. Nhà cung cấp phải hỗ trợ từng doanh nghiệp cập nhật chứng thực. "Có những ngày chúng tôi phải tiếp nhận tới 5000 cuộc điện thoại, rất tốn nhân lực mà vẫn quá tải, người dùng không thông quan được thì bắt đền nhà cung cấp".

Giải pháp dung hòa mà BKAV đề xuất là đối với các khách hàng cấp mới sẽ áp dụng chuẩn SHA2 mới, còn với những khách hàng cũ thì vẫn duy trì chuẩn SHA1 cho đến khi hợp đồng kết thúc thì mới tiến hành chuyển đổi.

Ý kiến chuyển đổi song song này cũng nhận được sự ủng hộ của đại diện Viettel - CA. "Cứ đổi đi đổi lại liên tục sẽ khiến nhà cung cấp mất hết khách hàng. Chúng ta vừa thay đổi tháng 7 năm ngoái, giờ lại đổi tiếp thì khách hàng khổ quá", ông Ngô Đình Vạn trần tình. "Nên chăng chúng ta chuyển đổi song song hai chuẩn, chuẩn cũ duy trì cho khách hàng cũ (tất nhiên vẫn yêu cầu họ đổi lên chuẩn mới khi hết hợp đồng), chuẩn mới cho khách hàng ký mới".

Nhớ lại thời gian chuyển đổi chuẩn cách đây một năm, đại diện FPT gọi đó là "thời gian khủng hoảng" của doanh nghiệp: không chỉ vất vả, quá tải vì hỗ trợ khách hàng mà uy tín của nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng rất trầm trọng. "Chúng ta nên đặt lợi ích khách hàng lên trên để rút kinh nghiệm từ lần chuyển đổi năm ngoái".

Theo phân tích của các nhà cung cấp cũng như các chuyên gia, việc chuyển đổi cần có lộ trình vì doanh nghiệp cần có thời gian để mua sắm, thay mới, nâng cấp trang thiết bị, tập huấn cho con người cũng như hướng dẫn khách hàng chuyển đổi. Những việc này nếu làm quá cập rập theo mệnh lệnh hành chính sẽ khiến cho bản thân khách hàng bị thiệt hại nặng nề. "Chỉ cần khai không đúng là hàng hóa có thể bị nghẽn lại ở hải quan cả tuần, ảnh hưởng rất nặng cho khách hàng", một nhà cung cấp cho biết.

Kết luận hội nghị, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc NEAC cho biết sẽ tiếp thu và ghi nhận những chia sẻ thẳng thắn của doanh nghiệp, nhất là các vấn đề về mở rộng thị trường, siết chặt quản lý đại lý, cộng tác viên....

"Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ TT&TT để nghiên cứu, ban hành những chính sách mở rộng thị trường ứng dụng mới cho chữ ký số ra khỏi 3 trụ chính là thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cũng như tham mưu Bộ làm việc, trao đổi với các Bộ, ngành khác tìm cách thúc đẩy chữ ký số", ông Trung khẳng định. Đồng thời, NEAC cũng sẽ tham mưu Bộ TT&TT quản lý chặt vấn đề giá, đại lý, cộng tác viên trong thời gian tới, theo hướng tăng cường kiểm tra, xây dựng chế tài, đảm bảo công bằng trong hoạt động của các nhà cung cấp...

Liên quan đến việc chuyển đổi SHA1 sang SHA2, ông Trung cho biết đây là nhiệm vụ không thể không làm, tuy nhiên sẽ trao đổi kỹ hơn với các doanh nghiệp về phương án kỹ thuật để xác định hướng khả thi nhất.

Trọng Cầm