Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược phát triển bền vững khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

{keywords}

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tiếp và tặng quà lưu niệm cho đại diện Samsung.

Thông điệp này được vị Trưởng ngành TT&TT đưa ra trong cuộc làm việc với ông Shin Jong Kyun, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Samsung điện tử Hàn Quốc sáng nay, 6/5, tại Hà Nội.

"CNTT là lĩnh vực phát triển kinh tế sạch. Sự phát triển của Samsung tại VN cũng là sự phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường", Bộ trưởng ghi nhận. Ông nhấn mạnh thêm rằng đây là vấn đề mà VN đang rất quan tâm, vì không phải nhà đầu tư nào khi vào làm ăn tại VN cũng để lại một môi trường trong sạch. "Sự phát triển kinh tế của VN gắn liền với biển. Thế nhưng 4 tỉnh miền Trung đang phải hứng chịu thảm hoạ môi trường rất lớn trong những ngày gần đây, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Chính phủ VN đang tập trung toàn lực để xử lý thảm hoạ này".   

Có thể nói, Hàn Quốc là một trong những nước đầu tiên có quan hệ với ngành Bưu điện Việt Nam khi cung cấp thiết bị viễn thông kỹ thuật số trong bối cảnh Việt Nam còn bị Mỹ cấm vận về kinh tế và kỹ thuật. Ngay từ đầu thập niên 90, một số công ty viễn thông của Hàn Quốc đã có thiện chí hợp tác và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, góp phần xây dựng, hiện đại hóa chất lượng mạng lưới viễn thông Việt Nam, đẩy nhanh chiến lược phát triển mạng lưới và cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam.

Báo cáo sơ bộ tình hình sản xuất kinh doanh của Samsung tại Việt Nam, ông Shin Jong Kyun cho biết Samsung Electronics Việt Nam hiện có 3 tổ hợp công nghệ được đặt tại tỉnh Bắc Ninh (SEV), Thái Nguyên (SEVT), với số vốn đầu tư là 7,5 tỷ USD và tổ hợp sản xuất đồ điện tử gia dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh (Samsung CE Complex) với số vốn đầu tư là 1,4 tỷ USD (đã nhận giấy phép đầu tư và đi vào hoạt động từ tháng 3/2016). Ngoài số vốn đầu tư đăng ký ban đầu là 1 tỷ USD cho nhà máy sản xuất màn hình điện thoại di động (Samsung Display) tại Bắc Ninh, Samsung dự kiến sẽ đầu tư thêm 3 tỷ USD vào tháng 7/2016 cho nhà máy này.

Về nguồn nhân lực, tính đến 31/8/2015 tổng số lao động của cả 2 nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên khoảng 112.000 người, trên tổng số 150.000 lao động toàn cầu của Tập đoàn. Trong năm nay, Samsung ước tính sẽ xuất xưởng 200 triệu smartphone từ hai nhà máy nói trên.

Được biết, năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung đạt 26,3 tỷ USD. Năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn tại Việt Nam đạt 32 tỷ USD. Samsung điện tử Việt Nam có nhà máy sản xuất nội địa hóa đầu tiên về linh kiện điện thoại, trong tổng số 254 nhà cung cấp có 114 nhà cung cấp cấp 1 tại Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa đạt 39%.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung (SVMC) được đặt tại Hà Nội với gần 1.460 kỹ thuật viên, nghiên cứu phát triển di động và phần mềm di động. Dự kiến trong tương lai con số này sẽ được nâng lên 5.000 cán bộ chuyên phụ trách việc nghiên cứu phát triển.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đánh giá cao và chúc mừng Samsung về các kết quả phát triển đầy ấn tượng nói trên, cả về sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, phát triển nguồn nhân lực. Khẳng định  32 tỷ USD là một con số rất ấn tượng, ông mong muốn giữa Samsung với Việt Nam sẽ có những hợp tác cụ thể, thiết thực hơn nữa trong thời gian tới trong lĩnh vực CNTT - Viễn thông, nhất là khi Việt Nam cũng đang muốn vươn lên trở thành một nước mạnh về CNTT tầm khu vực.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao các dự án hỗ trợ và hợp tác của Samsung về nghiên cứu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt việc Samsung mở phòng học và thực hành Samsung Lab tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các công nghệ mới nhất để học tập, nghiên cứu phát triển ứng dụng di động. Ông đề nghị Samsumg tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về nghiên cứu phát triển với các đối tác tại Việt Nam, phát huy thế mạnh về nguồn nhân lực CNTT trình độ cao của Việt Nam.

T.C