- Các Sở TT&TT đều đồng tình rằng, thủ tục thuê dịch vụ CNTT đối với cơ quan nhà nước cần đơn giản, tránh phức tạp hơn thủ tục đầu tư để dễ đi vào cuộc sống.

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ TT&TT chiều 12/7, đại diện Sở TT&TT TP.HCM thẳng thắn, hiện nay việc hướng dẫn thủ tục thuê dịch vụ CNTT còn phức tạp hơn cả thủ tục đầu tư, vì vậy các cơ quan nhà nước rất khó triển khai, thuê dịch vụ.

Trong khi đó, đại diện Sở TT&TT Nam Định kiến nghị cần sớm ban hành giá/phí thuê dịch vụ CNTT để các địa phương có cơ sở báo cáo UBND tỉnh, thành phố xét duyệt ngân sách, kinh phí, triển khai các dự án thuê dịch vụ.

Việc khuyến khích các cơ quan nhà nước thuê dịch vụ CNTT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương. Hiện Bộ TT&TT đã báo cáo kết quả triển khai sau 1 năm thí điểm lên Chính phủ và tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn việc triển khai Quyết định này.

Xây dựng Chính phủ điện tử cũng là nhiệm vụ rất được các địa phương quan tâm. Bộ đã ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng Bộ TT&TT điện tử giai đoạn 2016-2020; Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và thẩm định Kế hoạch của 20 bộ và 38 tỉnh, thành phố. Bộ cũng đã tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết số 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, xây dựng hạ tầng khung chính phủ điện tử giai đoạn I và thẩm định khung kiến trúc chính quyền điện tử của các địa phương; Ban hành danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử; Thử nghiệm hệ thống đánh giá truy cập website và dịch vụ công trực tuyến....

Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng được chú trọng. Bộ tăng cường triển khai phổ biến và tập huấn Luật An toàn thông tin mạng, phát triển nguồn nhân lực và tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn thông tin này, trong bối cảnh an ninh mạng đang có nhiều diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp nước ngoài đã lén cài phần mềm theo dõi lên máy tính lưu hành trên thị trường Việt Nam.

Ông cũng thẳng thắn thừa nhận, quy mô phát triển của ngành công nghiệp CNTT còn nhỏ, khả năng cạnh tranh còn yếu, công nghiệp phần cứng, điện tử chủ yếu là gia công. Trước đó, như phản ánh của Sở TT&TT Bắc Ninh, đóng góp của các doanh nghiệp phụ trợ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh chỉ mới chiếm 6%, tức là 94% giá trị vẫn đang nằm trong tay các đối tác, doanh nghiệp phụ trợ nước ngoài.

Ông đề nghị các đơn vị liên quan tập trung triển khai các văn bản lớn, quan trọng có tác động trực tiếp đến ngành cũng đang được tập trung triển khai như Nghị định 154/2013 về khu CNTT tập trung; Nghị quyết số 41 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển, ứng dụng CNTT tại Việt Nam... đặc biệt hướng tới mục tiêu đưa ngành CNTT làm chủ thị trường trong nước, vươn ra khu vực và quốc tế.

Về phía cơ quan quản lý, người đứng đầu ngành TT&TT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ phải phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương để nắm bắt tình hình kịp thời, từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác quản lý tại các địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục trong hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, các đơn vị thuộc Bộ phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành TT&TT phát triển mạnh mẽ, bền vững.

T.C