Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh rằng Việt Nam không nên đợi các nước khác triển khai hết thành phố thông minh mới nhập cuộc trong cuộc làm việc với Bộ TT&TT chiều 14/9. 

Đó là vì tầm quan trọng của việc thông minh hóa các đô thị trọng điểm, đầu tàu của quốc gia, mà như lời ông nói, đó là nên tránh tình trạng phát triển đồng đều, 63 tỉnh thành đợi nhau. Những thành phố lớn, có vai trò trọng điểm trong nền kinh tế, cần đi trước để tạo sức bật, tạo đà "nâng đỡ" các địa phương khác. Hơn nữa, đây cũng là những thành phố lớn, chịu áp lực nhiều mặt nên độ sẵn sàng và sẵn lòng triển khai thành phố thông minh cũng cao hơn.

{keywords}

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ ý tưởng về thành phố thông minh.


Quan điểm này được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu ra trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cùng các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ chiều 14/9.

Quản lý đô thị phải khác quản lý nông thôn!

Ông phân tích: Năm 2015, 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai - dù chỉ chiếm 5,5% tổng diện tích cả nước và 26.7% dân số, nhưng lại đóng góp tới 52.6% GDP quốc gia, 71.4% tổng thu ngân sách và 49.8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năng suất lao động bình quân của 7 tỉnh, thành phố này bằng 3,3 lần năng suất bình quân 56 tỉnh còn lại. Cường độ hoạt động kinh tế (GDP/diện tích) bằng 19 lần cường độ các địa phương khác, trong khi cường độ thu ngân sách bằng 42,7 lần.

Những con số này cho thấy, quản lý đô thị phải khác với quản lý vùng nông thôn, và quản lý đô thị là quản lý động lực phát triển kinh tế của quốc gia, ông nhấn mạnh.

Trên thế giới, một số nước đã triển khai xây dựng thành phố thông minh thành công. Chẳng hạn như Hàn Quốc đã đề ra chiến lược phát triển U-Korrea ngay từ năm 2003 và đến tháng 6/2011 thì thủ đô Seoul công bố kế hoạch "Seoul thông minh năm 2015". Tại EU, nhiều thành phố như Stokholm, Copenhagen, Helsinki đã xây dựng các hệ thống môi trường thông minh, giao thông thông minh, quản lý thông minh. Singapore công bố kế hoạch xây dựng Quốc gia thông minh vào tháng 11/2014, còn Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ xây dựng đề án 100 thành phố thông minh...

Tại Việt Nam, vấn đề xây dựng đô thị thông minh đang trở nên cấp bách, không chỉ xuất phát từ vai trò trọng yếu của các đô thị đối với phát triển kinh tế, xã hội cả nước mà còn vì những vấn đề lớn đang nảy sinh tại các đô thị như dân số tăng, kéo theo áp lực về môi trường, giao thông, y tế, nhà ở; Hạ tầng lạc hậu, quá tải; Cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, các vùng tăng; Đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ. Trong khi đó, Chính phủ đang đẩy mạnh yêu cầu về cải cách hành chính và hệ thống quản lý, hạ tầng và mức độ ứng dụng, phát triển CNTT - TT tại Việt Nam đang có những bước tiến rõ rệt...

Chiến lược "hai cánh"

{keywords}

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh các nhiệm vụ của ngành TT&TT đối với chiến lược xây dựng thành phố thông minh.


Trên cơ sở đó, ông đề xuất chiến lược "hai cánh" với 10 nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020 để phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam. Trong đó, cánh 1 tập trung vào Quy hoạch thông minh, thành phố phát triển bền vững, với 2 nhiệm vụ chính là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và Quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững. Cánh 2 tập trung vào quản lý ngành thông minh - Công dân thông minh - Doanh nghiệp thông minh, bao gồm những nhiệm vụ cụ thể như Quản lý Xây dựng thông minh; Giao thông thông minh; Môi trường thông minh; Chính quyền thông minh - Doanh nghiệp thông minh; Chính quyền thông minh - Công dân thông minh; Chính quyền thông minh - Dịch vụ thông minh; Nông nghiệp thông minh và Quản lý trật tự - trị an thông minh.

Ông nêu rõ, cần phải triển khai đồng thời các nhiệm vụ thuộc cả 2 cánh. "Trong đó, với Cánh 1 thì thứ tự triển khai là Nhiệm vụ 1 rồi đến Nhiệm vụ 2. Với Cánh 2, tùy điều kiện và tình hình của thành phố, có thể chọn bất cứ nhiệm vụ nào trong số 8 nhiệm vụ để ưu tiên triển khai trước".

Đề cập đến giải pháp nền tảng của đô thị thông minh, Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có 4 giải pháp chính. Đó là Chính quyền cần phải thay đổi tư duy, chuyển sang dự báo phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và đảm bảo phát triển bền vững; Phát triển và khai thác không gian mạng; Tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý và Chính quyền tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực con người, tài nguyên, hạ tầng, vốn...

"Thành phố thông minh là xu thế nổi bật"

Trao đổi với Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, việc xây dựng đô thị thông minh gắn liền với ứng dụng CNTT, do đó, vai trò của Bộ đối với hướng đi chiến lược này rất quan trọng, trực tiếp. Việc nhiều nước trên thế giới đã triển khai đô thị thông minh cho thấy, thành phố thông minh đã trở thành xu thế nổi bật và Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ đó, nhất là trong việc ứng dụng các giải pháp như xây dựng chính quyền điện tử, quản lý môi trường thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, cho đến phòng chống thảm họa, đảm bảo trật tự trị an nhờ CNTT...

Trên thực tế, nhận thức được xu thế phát triển đô thị thông mimh, tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, đã đặt mục tiêu phát triển 3 đô thị thông minh tại Việt Nam. Thời gian gần dây, một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... đã có những động thái chủ động, tích cực trong việc xây dựng các Đề án phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng cho biết.

Ông khẳng định 4 giải pháp nền tảng, 5 mục tiêu và 10 nhiệm vụ cần tiến hành mà Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân đã nêu là "những gợi ý rất quan trọng, giúp các cơ quan quản lý và chính quyền đô thị trong cả nước có nền tảng cơ sở để tiếp tục phát triển đô thị thông minh tại từng địa phương".

"Tiếp thu ý kiến của đồng chí, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, nền tảng kỹ thuật có cần thiết để hỗ trợ việc định hướng và phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh triển khai các Đề án phát triển đô thị thông minh của các tỉnh, thành phố đi tiên phong góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam", Bộ trưởng cam kết.

{keywords}

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao tặng bức tranh tem Bác Hồ cho Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân

Cần đặt hàng các doanh nghiệp lớn

Đồng thời, Bộ trưởng cũng chỉ rõ những trách nhiệm của ngành TT&TT đối với yêu cầu phát triển, xây dựng thành phố thông minh. Đó là đánh giá một cách đầy đủ tình hình ứng dụng CNTT hiện nay tại các thành phố lớn, nhất là những nơi có nhu cầu xây dựng đô thị thông minh; Xây dựng khung, các tiêu chí, tiêu chuẩn Thành phố thông minh (có mấy loại Thành phố thông minh, thông minh đến đâu, cấp độ thông minh ra sao...); Tình hình ứng dụng CNTT ở VN nói chung và tại các các Thành phố đáp ứng đến đâu cho việc xây dựng thành phố thông minh? Trong thời gian ngắn sắp tới, hiện trạng này cần phải được cải thiện như thế nào để đáp ứng được?

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng Chính phủ cũng cần đặt hàng đối với các DN CNTT lớn của ngành như VNPT, Viettel, FPT, MobiFone... có những đầu tư sớm cho công nghệ Thành phố thông minh, để khi cần có thể đáp ứng được ngay những tiêu chí cũng như yêu cầu năng lực của chính quyền các thành phố khi lựa chọn đối tác xây dựng thành phố thông minh; Sớm triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung của quốc gia cũng như của các tỉnh, Thành phố với cơ chế kết nối thuận tiện, rõ ràng.

Cuối cùng, cùng với xây dựng các thành phố thông minh thì cũng cần phải tính đến xây dựng Bộ, ngành, chính quyền thông minh để vận hành, phối hợp tương ứng, Bộ trưởng nêu quan điểm. Đồng thời, với vai trò, chức năng của mình, Bộ cũng sẽ truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của Thành phố thông minh tới cộng đồng, xã hội và người dân.

Trọng Cầm