- Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, Cục đang đề xuất với Bộ TT&TT tổ chức đấu giá băng tần 2600 MHz cũng như xem xét cho phép triển khai 4G trên các băng tần 900 MHz và 2100 MHz nếu doanh nghiệp có nhu cầu.

Thông tin này được ông Tuấn chia sẻ tại Đối thoại Chính sách CNTT - TT Việt Nam - Nhật Bản 2016  giữa Bộ TT&TT Việt Nam cùng Bộ Nội vụ & Truyền thông Nhật Bản sáng nay, 15/9.

 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm (giữa) và ông Lê Văn Tuấn Phó Cục trưởng Cục Tần số tại buổi Đối thoại chính sách CNTT-TT Việt Nam - Nhật Bản.

Khi đề cập đến lộ trình cấp phép 4G tại Việt Nam, ông Lê Văn Tuấn cho biết, quan điểm của Việt Nam khi cấp phép tần số là phải trung lập về mặt công nghệ, cho phép doanh nghiệp chủ động triển khai các công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường; miễn là đảm bảo đủ băng thông cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và quan trọng nhất, phải đảm bảo hài hòa băng tần vì Việt Nam là nước nhập khẩu công nghệ.

"Dự kiến cuối tháng 9, đầu tháng 10 này, Việt Nam sẽ cấp phép 4G chính thức, cho phép doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ 4G trên băng tần 2G (1800 MHz) mà họ đã được Bộ TT&TT cấp trước đây. Chúng tôi đang đề xuất với Bộ tiến hành đấu giá băng tần 2600 MHz cho 4G trong năm 2017, cũng như xem xét triển khai 4G trên các băng tần 900, 2100 MHz nếu doanh nghiệp có nhu cầu", ông Tuấn nói.

Đến năm 2018, Cục Tần số dự kiến hoàn thành xong quy hoạch băng tần 700 MHz hiện đang dành cho truyền hình. Sau khi tiến hành đề án Số hóa truyền hình Việt Nam, băng tần "quý như kim cương" này sẽ được giải phóng và quy hoạch lại cho di động (dự kiến từ ngày 1/7/2017, các hệ thống truyền hình trong băng tần 700 MHz này sẽ phải được dời sang hoạt động ở các băng tần khác). Bên cạnh đó, các băng tần 3G mở rộng là 850 MHz, 2000 MHz và 2300 MHz cũng sẽ được quy hoạch, cấp phép trước năm 2020.

Nhật Bản: Tắt 2G từ năm 2012

Trao đổi với phía Việt Nam, đại diện Cục Tần số Nhật Bản cho biết, Nhật cũng đã thực hiện xong việc số hóa truyền hình và giải phóng được dải tần 600 MHz. Băng tần này sau đó được sử dụng cho di động LTE và hệ thống giao thông thông minh ITS, phục vụ kết nối giữa xe với xe... Dịch vụ ITS được thương mại hóa chính thức từ tháng 10 năm ngoái và đến nay đã có hơn 50.000 xe ô tô tại Nhật sử dụng.

{keywords}

Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ & Truyền thông Nhật Bản Jiro Akama.

 

"Ba nhà mạng của Nhật đang sử dụng băng tần 3500 MHz cho 4G. Từ tháng 6/2016, các mạng bắt đầu chuyển sang cung cấp công nghệ LTE-Advanced với tốc độ download lên tới 1Gbps. Nhật Bản dự kiến sẽ triển khai 5G vào năm 2020 bởi công nghệ 5G không chỉ đạt tốc độ nhanh mà còn cho phép kết nối đồng thời nhiều thiết bị đa phương tiện, với độ trễ rất thấp. Đây là tiền đề cơ bản để phát triển mạnh IoT hoặc những công nghệ như xe tự lái...", Cục Tần số Nhật Bản phân tích.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi từ 3G lên 4G của Nhật, vị này cho biết khi nhận thấy sự bùng nổ trong nhu cầu data của người dùng, Chính phủ đã chuẩn bị dải tần đủ để phục vụ 4G, sửa đổi cơ chế, quy định để tạo điều kiện cho các nhà mạng. Cơ quan quản lý cố gắng sử dụng tối đa dải tần có thể để phục vụ cho di động và tuyên truyền để người dùng hiểu được lợi ích khi chuyển đổi từ 2G lên 3G và từ 3G lên 4G, từ đó họ tự động chuyển đổi.

Đề cập đến lộ trình tắt 2G theo sự quan tâm từ phía Việt Nam, Nhật Bản cho biết đến thời điểm 2009, số thuê bao 2G chỉ còn chiếm khoảng 6% tổng số thuê bao di động. Nhà mạng NTT Docomo đã phát thông báo tới người dùng về việc chính thức tắt 2G vào 3 năm sau (2012) để người dùng có đủ thời gian chuyển đổi. Do hầu hết thuê bao Nhật Bản là thuê bao trả sau nên nhà mạng có thể chuyển đổi thiết bị đầu cuối miễn phí cho người dùng. Nếu khách hàng không chuyển, họ sẽ được hiểu là muốn chấm dứt hợp đồng sử dụng dịch vụ với nhà mạng. Do đó quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, do đặc thù thuê bao Việt Nam hầu hết là thuê bao trả trước, kinh nghiệm này sẽ khó áp dụng hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm ATTT

Trước đó, trong phát biểu khai mạc Đối thoại, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết chiều 14/9, Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Nội vụ - Truyền thông Nhật Bản đã ký mới Biên bản MOU về khung hợp tác trong lĩnh vực mà hai Bộ quản lý, thay cho MOU cũ đã hết hạn. Thỏa thuận này một lần nữa khẳng định hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác một cách toàn diện trong các lĩnh vực viễn thông, tần số, bưu chính, PTTH và CNTT, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

Khẳng định trong quá trình hội nhập và phát triển, ngành TT&TT luôn ưu tiên ở mức độ cao nhất việc hoàn thiện thể chế chính sách, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT - TT Việt tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường ra quốc tế, ông cho biết Việt Nam rất coi trọng kinh nghiệm quốc tế và đánh giá cao những kinh nghiệm mà Nhật Bản đang và sẽ chia sẻ, bởi Nhật Bản là một cường quốc và đồng thời cũng là đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất tổ chức chương trình Đối thoại chính sách CNTT-TT thường niên về các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Năm nay, Đối thoại tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên, không chỉ ở hai nước mà còn trên toàn thế giới như công nghệ 4G/5G sử dụng tần số sau số hóa truyền hình; An toàn thông tin và IoT.

Thứ trưởng đề xuất hai bên sẽ cùng trao đổi, thảo luận về việc cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà hai bên quan tâm; đề xuất các giải pháp mà hai bên có thể hợp tác hỗ trợ nhau, đặc biệt chú trọng tới những dự án chung có thể hợp tác triển khai; Trao đổi cụ thể về việc nâng cao năng lực ATTT, từ đào tạo chuyên gia cho đến hỗ trợ kỹ thuật, cơ chế trao đổi thường xuyên để nâng cao năng lực mạng lưới.

Về phía Nhật Bản, Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ & Truyền thông Jiro Akama khẳng định Nhật sẵn sàng chia sẻ các hoạt động, kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực ATTT, viễn thông - CNTT, 4G/5G và IoT với Việt Nam. Đồng thời, Nhật cũng rất quan tâm đến các xu hướng chính sách TT&TT mới nhất của Việt Nam để qua đó thúc đẩy hợp tác hai nước trong lĩnh vực này được hiệu quả hơn.

Tại cuộc làm việc của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn với ông Jiro Akama chiều qua, Bộ trưởng cũng đã đề xuất phía Nhật tích cực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực An toàn thông tin như chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác - hỗ trợ đào tạo nhân lực ATTT...

 

Chia sẻ nhanh về tiến trình triển khai Đề án số hóa truyền hình Việt Nam với phía Nhật Bản, đại diện Cục Tần số cho biết Việt Nam đã tắt sóng analog hoàn toàn tại Đà Nẵng từ cuối năm ngoái và 4 Thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ) và địa bàn 19 tỉnh lân cận từ ngày 15/8 vừa qua. Đây là khu vực tập trung tới 40% dân số cả nước nên tắt sóng thành công là một "bước tiến dài" của Đề án. Theo lộ trình ban đầu, ngày 31/12/2016 sẽ là hạn chót để tắt sóng analog các tỉnh, thành phố thuộc giai đoạn 2 của Đề án. Song căn cứ tình hình thực tế thì có thể mốc thời gian này sẽ được xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp hơn, ông Tuấn cho hay.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng dự kiến dành băng tần 918-920 cho Internet của vạn vật, song rất muốn tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản về việc nên dành băng tần riêng như vậy, hay gộp chung băng tần IoT với di động.

T.C