Chuyên gia Israel khuyến nghị, giáo dục phổ thông của Việt Nam cần tập trung giảng dạy 3 môn tiếng Anh, Toán và CNTT nếu muốn thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Chia sẻ kinh nghiệm tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel tại Hội thảo quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo sáng 21/9, bà Esther Barak Landes, Giám đốc điều hành Nielsen Innovate cho biết dù dân số chưa đến 8,5 triệu song nước này đang có tới 6500 công ty công nghệ đang hoạt động. Để phục vụ cho khởi nghiệp, Israel có tới 24 vườn ươm của Chính phủ và hơn 50 chương trình tăng tốc khởi nghiệp.

{keywords}
Bà Ester Barak Landes chia sẻ nhiều kinh nghiệm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel với Việt Nam. Ảnh: V.A

"Israel xác định Đổi mới là một chiến lược quốc gia. Chính phủ thành lập ra nhiều quỹ và các chương trình khuyến khích đổi mới, sáng tạo; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp hay cho hoạt động đầu tư nước ngoài; Giảm kiểm soát đối với thị trường vốn; đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ và hợp tác tài trợ R&D với các nước trên thế giới; Mở rộng mô hình các vườn ươm khởi nghiệp...

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Israel cải tiến chương trình giáo dục cấp III, tập trung vào tiếng Anh và Toán là hai môn chủ lực, Bà Landes cho hay. Hiện Israel đang có nhiều nhà khoa học nhất tính trên đầu người và đứng thứ 3 thế giới về số lượng công ty được niêm yết trên sàn NASDAQ (Mỹ).

Nói riêng về mô hình vườn ươm start-up của Israel, bà Landes cho biết hiện toàn Israel đang có 24 vườn ươm, mỗi vườn ươm khoảng 180 công ty. Chính phủ cấp một giấy phép hoạt động giá trị trong 8 năm cho các vườn ươm và mọi đối tượng đều có thể xin cấp giấy phép này, dù là tổ chức trong nước hay quốc tế. Mỗi giai đoạn ươm tạo kéo dài 2 năm với tổng ngân sách đầu tư từ 500.000 -800.000 USD. 15% ngân sách đến từ người sở hữu vườn ươm trong khi 85% ngân sách còn lại do Chính phủ tài trợ, và sẽ được công ty hoàn trả sau khi thoái vốn thành công. 3%-5% tiền bản quyền được trích cho Chính phủ từ doanh thu, cho đến khi khoản tài trợ (bao gồm lãi) được hoàn trả.

Mô hình này tỏ ra rất hiệu quả. Hơn 1500 startup đã tốt nghiệp từ các vườn ươm, trong đó 60% gọi đầu tư thành công. Tổng vốn đầu tư tư nhân tích lũy cho các startup tốt nghiệp đạt trên 3.5 tỷ USD. "Về lâu dài, cứ mỗi 1 USD chính phủ đầu tư, các startup tốt nghiệp sẽ gọi được thêm 5-6 USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần, các tập đoàn và nhà đầu tư khác"..., bà Landes nhấn mạnh.

Hợp tác công tư là bí quyết thành công

Để thúc đẩy khởi nghiệp một cách xuyên suốt ở quy mô quốc gia, Israel đã thành lập những cơ quan như Ủy ban đổi mới Israel. Ông Avi Luvton, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ủy ban này cũng có mặt tại Hội thảo sáng nay và đưa ra những khuyến nghị rất cụ thể cho Chính phủ Việt Nam.

"Thúc đẩy khởi nghiệp không phải là việc mà riêng một tổ chức, cá nhân nào có thể làm được. Hệ sinh thái khởi nghiệp phải là sự liên kết của nhiều cấu phần, như hỗ trợ từ phía Chính phủ, bản thân vai trò của các công ty khởi nghiệp, nguồn vốn đầu tư từ các quỹ và nhà đầu tư, các viện nghiên cứu, trường học - nơi cung cấp nhân lực cho khởi nghiệp. Chỉ khi nào các yếu tố này tương tác, liên kết hiệu quả với nhau thì mới tạo thành một hệ sinh thái lành mạnh", ông Luvton phân tích.

Có rất nhiều việc mà chỉ Chính phủ mới có thể tháo gỡ được cho cộng đồng khởi nghiệp, chẳng hạn như đào tạo nhân lực, hình thành môi trường thuế, cơ chế bảo vệ sở hữu trí tuệ, xây dựng hạ tầng.... Tuy nhiên, Chính phủ Israel không cố gắng làm thay việc hoặc cạnh tranh với khu vực tư nhân. "Có những việc chúng tôi biết rõ không thể làm tốt bằng tư nhân như thu hút vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm như thế nào, vận hành kinh doanh ra sao .Do đó, hợp tác công tư PPP chính là bí quyết thành công, nó giúp phát huy các điểm mạnh của cả Nhà nước lẫn tư nhân và giảm bớt các điểm yếu", vị chuyên gia này cho hay.

"Trong hệ sinh thái đó, một vài dự án có thể thất bại, nhưng toàn hệ thống, toàn hệ sinh thái sẽ dần lớn mạnh từ những thất bại đó. Chúng ta không thể xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp nếu không chấp nhận có yếu tố rủi ro trong đó".

Để thúc đẩy khởi nghiệp, ông Luvton cho rằng Việt Nam cần có môi trường pháp lý tạo cơ chế hút vốn một cách phù hợp, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ và khu vực tư nhân, cũng như đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, cơ quan quản lý với nhau. Chính phủ cũng phải liên tục kiểm soát, giám sát, điều chỉnh chính sách tùy theo tình hình thực tế. "Đây là một hành trình dài, có thể mất nhiều năm mới xây dựng được một hệ sinh thái như vậy. Nó đòi hỏi sự cam kết sâu từ tất cả các thành tố tham gia",ông Luvton kết luận.

T.C