- Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, cả ba nhà mạng lớn đều đã nộp hồ sơ xin cấp phép 4G vào đầu tháng 10.
3 nhà mạng lớn đều đã nộp hồ sơ xin cấp phép triển khai 4G. |
Thông tin này vừa được ông chia sẻ tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 9/2016 của Bộ TT&TT chiều 5/10. "Hiện cả Viettel, VNPT, MobiFone đều đã nộp xong hồ sơ. Các doanh nghiệp cần phải chủ động phương án kinh doanh, hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng khi Bộ cấp phép chính thức", Bộ trưởng đề nghị.
Liên quan đến thời điểm cấp phép, Bộ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông và các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ, cố gắng triển khai trong tháng 10. Trước đó, hồi tháng 7, Bộ trưởng từng chỉ đạo các đơn vị tiến hành cấp phép từ cuối tháng 9, ngay sau khi các doanh nghiệp có báo cáo về kết quả thử nghiệm dịch vụ cũng như phương án kinh doanh dự kiến.
Được biết vào đầu tháng 9, Cục Viễn thông đã gửi văn bản thông báo cho các doanh nghiệp viễn thông về việc cấp phép 4G và thúc giục các nhà mạng nhanh chóng chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép theo hướng dẫn.
Song song với việc cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai cung cấp 4G trên băng tần 1800 MHz, Bộ TT&TT cũng đang giao Cục Tần số vô tuyến điện chuẩn bị các thủ tục cần thiết để có thể tiến hành đấu giá băng tần 2600 MHz phục vụ 4G vào năm 2017.
Các DN TT&TT có thể vượt kế hoạch kinh doanh
Cũng tại hội nghị giao ban QLNN quý III/2016, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận cố gắng của các doanh nghiệp TT&TT trong hoạt động SXKD và nhận định, với guồng quay hiện tại, các doanh nghiệp có thể vượt kế hoạch do Bộ giao cả về doanh thu, lợi nhuận lẫn nộp ngân sách.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: "Quản lý các dịch vụ GTGT không phải là trách nhiệm của riêng CP mà cũng là trách nhiệm của cả nhà mạng. Nhà mạng phải tăng cường quản lý các CP, tiếp thu phản hồi từ người dùng, có giải pháp khắc phục hạn chế". Ảnh: mic.gov.vn. |
"Bộ sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các DN hoạt động, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Hiện tăng trưởng GDP cả nước đang đạt 5.9% nhưng quý 3 tăng rất cao. Nếu Quý 4 tiếp tục tăng mạnh, chúng ta có khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6.9% mà Quốc hội đã giao. Nhưng muốn vậy thì doanh nghiệp TT&TT - ngành chủ lực, mũi nhọn của nền kinh tế - cần phải nỗ lực hơn nữa".
Trước đó, Tổng công ty VTC cho biết đã hoàn thành xong doanh thu đăng ký và 95% lợi nhuận. Tập đoàn VNPT có doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 95.200 tỷ, đạt 73.3% kế hoạch năm. Lợi nhuận đạt 76.5% kế hoạch năm. MobiFone đạt doanh thu 27.505 tỷ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 4347 tỷ, bằng 83.53% kế hoạch. Nộp NSNN 4082 tỷ đồng; VNPost tổng doanh thu thực hiện được 74,4% kế hoạch năm. Lợi nhuận 120 tỷ, bằng 72.7% kế hoạch năm. Riêng Viettel 9 tháng đầu năm đạt 162.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt 32.400 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm.
Quý IV được xác định là giai đoạn nước rút của năm tài chính 2016. Bộ TT&TT xác định sẽ tập trung tăng cường hiệu quả vai trò chủ sở hữu nhà nước đối với các DN trong ngành, đặc biệt chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ đẩy mạnh hoạt động SXKD.
Tuy nhiên, lưu ý các doanh nghiệp trong ngành, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị các tập đoàn viễn thông phải nghiêm túc triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký với các địa phương, Bộ, Ngành, đặc biệt là những thỏa thuận đã ký với các nước như Lào, Campuchia, Slovakia...
Về vấn đề các dịch vụ GTGT của nhà mạng qua vụ công ty SAM Media lừa người dùng di động đăng ký để trừ tiền, Bộ trưởng cũng nêu rõ, các doanh nghiệp viễn thông cần rà soát lại việc kinh doanh các dịch vụ GTGT tích hợp sẵn. "Đây không phải là trách nhiệm của riêng CP mà cũng là trách nhiệm của cả nhà mạng. Nhà mạng phải tăng cường quản lý các CP, tiếp thu phản hồi từ người dùng, có giải pháp khắc phục hạn chế", Bộ trưởng nhấn mạnh. Ông cũng khuyến khích các cơ quan báo chí vào cuộc, giám sát, giúp cơ quan quản lý phát hiện sai phạm của các nhà mạng để xử lý kịp thời.
T.C