- Chiều 30/6, đoàn công tác Bộ TT&TT do Thứ trưởng Phan Tâm dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả mưa lũ và thăm hỏi, động viên, tặng quà cho đồng bào các dân tộc huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Trong đợt mưa lũ và sạt lở đất vừa qua, Lai Châu là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thống kê trên toàn địa bàn tỉnh cho thấy, tổng lượng mưa trong 2 ngày 23 và 24/6 từ 320-470mm, trong vòng 36 tiếng, lượng nước trên bề mặt toàn tỉnh cao lên từ 0.3-0,5m. 

{keywords}
Đoàn công tác Bộ TT&TT do Thứ trưởng Phan Tâm dẫn đầu đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho đồng bào các dân tộc huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu). Ảnh: Trọng Đạt

Điều này đã tạo ra những vụ sạt lở đất rất lớn trên địa bàn tỉnh Lai Châu, kể cả những vùng trước đây chưa bao giờ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Thống kê cũng cho thấy, hiện có 25 người bị chết và mất tích do sạt lở đất, 104 nhà dân bị cuốn trôi hoàn toàn, 193 nhà dân bị ảnh hưởng, gần 100 trâu bò và trên 5.000 gia súc gia cầm bị cuốn trôi.

Theo ông Vũ Văn Hoàn, Phó Bí thư tỉnh ủy Lai Châu, đây là trận mưa lớn nhất tại địa phương trong vòng 52 năm qua. Ba huyện Sìn Hồ, Mường Tè và Tân Uyên là ba địa phương chịu nặng nề nhất của mưa lũ trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Thiệt hại lớn nhất là về giao thông với việc bị bồi lấp bởi gần 2 triệu mét khối đất đá. 

{keywords}
Lai Châu là một trong trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ, quét và sạt lở đất vừa qua. Trong đó, các công trình giao thông tại địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất khi bị vùi lấp bởi 2 triệu mét khối đất đá. Ảnh: Trọng Đạt

“Năm 1966, Lai Châu cũng hứng chịu một trận mưa lớn tương tự, nhưng mức độ sạt lở đất và thiệt hại về người không nhiều như thế này.", Phó bí thư tỉnh ủy Lai Châu cho biết.

Tại buổi tiếp xúc, Thứ Trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chia sẻ trước những khó khăn, mất mát mà đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu phải hứng chịu do mưa lũ, sạt lở đất. Thứ trưởng cũng gửi lời chúc Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lai Châu chỉ đạo khắc phục thành công các hậu quả do mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống của người dân.

 

{keywords}

 Thứ trưởng Phan Tâm trao tặng 100 triệu đồng để giúp khắc phục thiệt hại mưa lũ tại huyện Sìn Hồ, địa phương gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ảnh: Trọng Đạt

Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, ngành viễn thông đã hết sức cố gắng để đảm bảo liên lạc thông suốt trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ngành viễn thông cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với chính quyền tỉnh Lai Châu để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm: “Ngay sau khi có cảnh báo về mưa lũ lớn ở khu vực phía Bắc, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai của Bộ TT&TT đã gửi ngay công điện đến tất cả các doanh nghiệp viễn thông, nhanh chóng đề ra các phương án ứng cứu, tăng cường rà soát, ứng trực để khắc phục kịp thời các hậu quả của thiên tai”.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, ngành viễn thông Lai Châu cũng chịu thiệt hại không nhỏ. Tổng cộng, có 25 tuyến cáp quang trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Thiệt hại về cáp quang, cáp điện là 144km, 268 cột treo cáp viễn thông bị gãy đổ do mưa lũ. 

{keywords}

Thứ trưởng Phan Tâm thị sát và kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel tỉnh Lai Châu. Ảnh: Trọng Đạt

Báo cáo của các đơn vị viễn thông trên địa bàn cho thấy, trong những ngày cao điểm, có 162 trạm phát sóng di động 2G, 3G, 4G trên địa bàn tỉnh Lai Châu bị mất liên lạc, tổng thời gian gián đoạn là khoảng gần 699 giờ. Đặc biệt, toàn bộ thông tin liên lạc khu vực huyện Than Uyên bị gián đoạn, cô lập trong khoảng 5 giờ do mưa lũ, sạt lở đất.

Trước những khó khăn này, do đường điện bị gián đoạn, các doanh nghiệp viễn thông phải chạy máy nổ. Tại một số nơi, các nhà mạng như Viettel, VNPT phải dùng xuồng để chở xăng đi tới tận các địa bàn để máy nổ có thể hoạt động.

Với sự nỗ lực khắc phục của các doanh nghiệp viễn thông, tình hình thông tin liên lạc trên phần lớn địa bàn tỉnh Lai Châu cơ bản đã trở lại bình thường.

Trọng Đạt