- Đến hết năm 2017, Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 6423/7410 video clip khỏi YouTube, 6 trò chơi khỏi Google Play do vi phạm pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, Google đã gỡ ứng dụng trò chơi “Lấy lại quê hương” có nội dung phản động, chống phá nhà nước Việt Nam khỏi Google Play.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn vừa có buổi tiếp xã giao đoàn công tác cấp cao Google vào sáng 17/1/2018. Tham dự buổi tiếp có đại diện Văn phòng bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ CNTT, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin (ATTT).

Về phía Google có bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách Công và Quan hệ Chính phủ, Google khu vực châu Á – Thái Bình Dương làm trưởng đoàn. Ngoài ra còn có ông Nitin Gajria, Giám đốc quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bà Claudia Chan, Giám đốc Chính sách Công và Quan hệ Chính phủ, khu vực ASEAN và Việt Nam, Google khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tiếp Bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách Công và Quan hệ Chính phủ, Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh Xuân Lộc.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những hợp tác bước đầu giữa Google với Bộ TT&TT trong thời gian qua. Sau cuộc họp tháng 3/2017 với bà Ann Lavin, hai bên đã thiết lập cơ chế dành riêng cho Việt Nam về việc xử lý các yêu cầu của Bộ TT&TT nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên YouTube.

Tính đến ngày 31/12/2017, Google đã ngăn chặn gỡ bỏ 6423/7410 video clip khỏi YouTube, 6 trò chơi khỏi Google Play do vi phạm pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, Google đã gỡ ứng dụng trò chơi “Lấy lại quê hương” có nội dung phản động, chống phá nhà nước Việt Nam khỏi Google Play, đồng thời gỡ bỏ 6 video giới thiệu trò chơi này trên YouTube. Google đã gỡ ứng dụng của 5 trò chơi điện tử G1 chưa có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản theo quy định khỏi Google Play.

Trước những kết quả này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng các vấn đề mà Việt Nam quan tâm đã được phía Google đáp ứng. Tuy nhiên để đạt được yêu cầu thì khoảng cách vẫn còn rất xa.

“Việt Nam tự do và cởi mở trong vấn đề dùng mạng xã hội, trong đó có Google, Facebook và YouTube. Chúng tôi hình dung mạng xã hội như một con đường. Trên con đường đó có những người chấp hành và cả những người vi phạm pháp luật. Chúng ta nên có biện pháp phối hợp để giảm đến mức tối đa những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, cần tôn trọng những nguyên tắc chung của quốc tế, trong đó có việc tuân thủ luật pháp của quốc gia sở tại. Việt Nam mong muốn Google tìm hiểu kỹ hơn pháp luật Việt Nam để cùng phối hợp với Bộ TT&TT xử lý những vấn đề vi phạm trên mạng xã hội, đặc biệt là trên YouTube.

Bộ TT&TT đã đưa ra một danh sách trắng và danh sách đen để khuyến nghị các doanh nghiệp quảng cáo. Các doanh nghiệp không nên tham gia hợp tác với những đối tác nằm trong danh sách đen. Đó là những đơn vị vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc tế trong việc tuyên truyền quảng bá cho các hành vi dâm ô, đồi trụy, kích động bạo lực, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm giá trị nhân phẩm của cá nhân và tổ chức.

Bộ mong muốn Google sẽ đưa những bản danh sách này cho các doanh nghiệp quảng cáo để họ có thể yên tâm quảng cáo trên các danh sách đó mà không vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Việt Nam muốn Google giúp xử lý các vấn đề về an toàn, an ninh thông tin cũng như ứng dụng CNTT ở Việt Nam. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị thiết lập một kênh riêng giữa Bộ và Google để thúc đẩy việc hợp tác với nhau nhiều hơn nữa.

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn cấp cao Google. Ảnh: Xuân Lộc.

Tại buổi tiếp, bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách Công và Quan hệ Chính phủ, Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, sau cuộc làm việc với Bộ TT&TT năm 2017, hai bên đã hiểu và hợp tác với nhau tốt hơn.

Bà Ann Lavin cam kết: “Google đi đến quốc gia nào thì đều phải tuân thủ pháp luật nước sở tại, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi hy vọng được đóng góp một vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế và đóng góp cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Bởi vậy, chúng tôi hiểu sâu sắc đó là nghĩa vụ, tôn trọng và tuân thủ pháp luật nước sở tại.”

“Mục đích của chuyến làm việc lần này nhằm tìm hiểu pháp luật Việt Nam, làm việc với các đơn vị có liên quan của Việt Nam để hiểu rõ và hợp tác tốt hơn với Việt Nam trong thời gian tới”, bà Ann Lavin khẳng định.

Về vấn đề an toàn, an ninh thông tin, Google đã cử một chuyên gia đến Việt Nam để tư vấn về an toàn thông tin, chia sẻ thông tin với Chính phủ Việt Nam. Đối với vấn đề mà Việt Nam quan tâm trong việc phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0, Google đã thấy được tiềm năng của người Việt Nam và cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế số, đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể tiếp cận thế giới tốt hơn. Đại diện Google khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác nhiều hơn nữa với phía Việt Nam trong thời gian tới.

Trọng Đạt