"Hiện thực hoá những cam kết giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Myanmar về quan hệ toàn diện giữa hai nước thì hai Bộ cần phải hợp tác toàn diện", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn nói với Bộ trưởng Thông tin Myanmar Thant Sin Maung trong hội đàm tại Nay Pyi Taw, Myanmar sáng 30/10.

{keywords}
Hội đàm giữa Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Thông tin Myanmar.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thông báo tình hình phát triển báo chí tại Việt Nam đến ngài Bộ trưởng Thông tin Myanmar: Hiện Việt Nam có 1045 cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, trong đó 849 báo chí in và 196 báo chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, phủ sóng 99,5% lãnh thổ; 267 kênh phát thanh, truyền hình trong nước và 53 kênh truyền hình nước ngoài; 60 nhà xuất bản, 1.500 cơ sở in, 1517 trang thông tin điện tử.

Hiện tại Việt Nam có khoảng 53 triệu người dùng Facebook, đồng nghĩa với việc hơn 1/2 dân số tại Việt Nam sở hữu tài khoản Facebook. Việt Nam là 1 trong nhóm 10 quốc gia có lượng người dùng YouTube cao nhất thế giới.

Cho đến nay, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thông tin giữa hai nước còn rất khiêm tốn so với quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp cũng như thế mạnh và tiềm năng của hai nước.

Để hợp tác toàn diện giữa hai bộ, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý báo chí phát thanh truyền hình; Trao đổi về xây dựng chính sách quản lý, đặc biệt là nội dung trên mạng, quản lý phát thanh truyền hình, quản lý mạng xã hội và facebook...

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đặt vấn đề tổ chức triển lãm về Việt Nam tại Myanmar, trao đổi đoàn phóng viên giữa hai nước, cũng như đề nghị phía bạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp viễn thông được cấp phép cung cấp nội dung trên mạng tại Myanmar.

Bộ trưởng chuyển lời Đài truyền hình Việt Nam VTV bày tỏ mong muốn hợp tác với Myanmar, như trao đổi chương trình, đào đạo nhân lực.

Đài tiếng nói Việt Nam VOV cũng đã ký văn bản hợp tác với Cục phát thanh truyền hình Myanmar từ 1998. Việc trao đổi đã diễn ra nhưng hiện không được định kỳ hằng năm như ký kết.

TTXVN cũng qua chuyến công tác này mong muốn hợp tác với Myanmar. Bà đại sứ Luận Thuỳ Dương cũng đề nghị mở đại diện TTXVN, mong Bộ Thông tin Myanmar tạo điều kiện.

Đáp lời, Bộ trưởng Thông tin Myanmar chúc mừng những thành tựu của Việt Nam và cho biết người dân Myanmar rất quý trọng người Việt Nam.

Ông cho biết mục tiêu lớn nhất của Myanmar là xây dựng đất nước dân chủ, làm người dân có cuộc sống tốt hơn.

Trước đây, khi chế độ quân sự cầm quyền thì báo chí bị kiểm soát gắt gao. Từ 2010 báo chí xuất bản được mở cửa hơn. Từ đó đến nay có thêm nhiều đầu báo và xuất bản. Lĩnh vực phát thanh truyền hình cũng đã có chuyển biến nhưng chậm hơn một chút. Myanmar đang đẩy mạnh phát triển bằng cách xây dựng Luật Phát thanh truyền hình.

Vấn đề thông tin thất thiệt đang ảnh hướng lớn đến đời sống xã hội. Myanmar đang tích cực đối phó bằng cách loại bỏ những tờ báo đưa tin thất thiệt, phối hợp với các nước phát hiện và loại bỏ nguồn tin hay đưa tin sai.

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Bộ trưởng Thant Sin Maung.

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý thông tin thất thiệt, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết ngoài việc xử lý thông tin thất thiệt, Việt Nam tăng cường thông tin chính thống để đẩy lùi thông tin xuyên tạc.

Bộ trưởng thông tin Myanmar đồng ý với các đề xuất của Bộ TT&TT Việt Nam, hứa sẽ tạo điều kiện để các báo mở văn phòng đại diện, tạo điều kiện cho các phóng viên tác nghiệp, đồng thời giao các đầu mối của Bộ triển khai cụ thể các lĩnh vực hợp tác giữa hai bộ.

{keywords}
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tặng quà Bộ trưởng Thông tin Myanmar.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vui mừng cho biết kết quả buổi hội đàm này sẽ mở ra các cơ hội hợp tác mới, thiết thực và hiệu quả giữa hai nước trong lĩnh vực thông tin, đánh dấu mốc quan trọng trong 42 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trân trọng kính mời Ngài Bộ trưởng và Phu nhân thu xếp thời gian sang thăm Việt Nam trong thời gian gần nhất.

Phạm Tuấn