Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Thị Minh Phụng cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Kiên Giang cũng tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn lực tín dụng chính sách xã hội gắn với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xóa nghèo bền vững, giúp dân vươn lên làm giàu.

{keywords}
Người dân giao dịch với ngân hàng tại trụ sở UBND xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang)

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ giải pháp thực hiện chính sách tín dụng; tăng cường nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tỉnh chỉ đạo sở, ngành, đơn vị có liên quan và địa phương kết hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Kiên Giang rà soát nhu cầu, đối tượng từng chương trình cho vay để tranh thủ Trung ương bố trí vốn thực hiện.

Ngành chức năng chú trọng công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo và nâng cao kiến thức, phương cách làm ăn cho hộ nghèo, đối tượng chính sách để sử dụng vốn vay đúng mục đích, sinh lợi. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở địa phương; lồng ghép với các hoạt động của hội, đoàn thể và hoạt động tín dụng chính sách, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay hiệu quả.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Kiên Giang triển khai giải pháp củng cố, nâng chất lượng tín dụng chính sách xã hội phù hợp với từng địa bàn xã, huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, rà soát lại mức dư nợ bình quân hộ các chương trình và nhu cầu vốn cần thiết để xác định nhu cầu vốn hàng năm, tranh thủ nguồn vốn cho vay để tăng trưởng dư nợ tín dụng, phấn đấu từ 10%/năm trở lên. Mức cho vay bình quân được nâng dần lên tới mức cho vay tối đa; phát triển và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ; đồng thời tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.

Giai đoạn 2002 - 2017, qua thực hiện chính sách tín dụng, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Kiên Giang, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,4%.

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Kiên Giang, qua 15 năm (2002 - 2017) thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn tỉnh, so với khi mới thành lập đi vào hoạt động, nguồn vốn tăng gần 30 lần và dư nợ tăng hơn 33 lần. Đến nay, triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách, mạng lưới hoạt động tại 145 điểm giao dịch ở 145 xã, phường và thị trấn với 3.940 tổ tiết kiệm - vay vốn; trong đó, hơn 81% tổ tiết kiệm - vay vốn hoạt động khá và tốt; nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,48%/năm.

Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Kiên Giang cho gần 716.000 lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách vay vốn phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, góp phần hỗ trợ gần 50.000 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho khoảng 123.000 lao động, giúp trên 52.000 học sinh, sinh viên chi phí học tập; gần 150.000 hộ xây dựng công trình nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, xây dựng khoảng 8.700 căn nhà vượt lũ, trên 10.500 căn nhà ở cho hộ nghèo và gần 65.000 lượt hộ vùng khó khăn, biên giới, biển đảo vay vốn sản xuất kinh doanh…

Thu Trà