Sở TT&TT Hà Nội đang xin ý kiến Bộ TT&TT về việc bổ sung hình thức xử lý đối với các số điện thoại liên hệ bên trong nội dung của tin nhắn rác, thay vì chỉ chặn số điện thoại gửi tin như hiện nay.

Cụ thể, theo dự thảo "Quy trình xử lý đối với các đầu số, các số điện thoại nhắn tin rác, các số điện thoại thực hiện cuộc gọi nhỡ lừa đảo (sửa đổi)", Thanh tra Sở sẽ mời chủ thuê bao của các số điện thoại liên hệ trong tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đến làm việc; đồng thời tiến hành xác minh, nhắc nhở và yêu cầu chủ thuê bao cam kết không phát tán tin nhắn rác.

{keywords}
Sở TT&TT Hà Nội kiến nghị được xử lý các số điện thoại liên hệ trong tin nhắn rác

Việc xử lý số điện thoại liên hệ trong nội dung tin nhắn rác đã được Sở TT&TT Hà Nội đề xuất nhiều lần trước đây, sau khi việc thử nghiệm giải pháp này đối với quy trình xử lý quảng cáo rao vặt phát huy hiệu quả. Lập luận của Sở là những người phát tán tin rác có thể thay đổi số điện thoại nhắn tin như thay áo, hết tài khoản là bỏ luôn, nhưng số điện thoại để liên hệ mua/sử dụng dịch vụ, sản phẩm trong tin nhắn rác thì tương đối cố định. "Sờ gáy" những số điện thoại liên hệ này sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc chạy theo các số thuê bao gửi tin.

Chính vì thế, theo Quy trình xử lý đang được Sở xin ý kiến Bộ TT&TT và các đơn vị liên quan, sau khi tiếp nhận phản ánh từ người dùng, phòng Bưu chính - Viễn thông của Sở sẽ tổng hợp các đầu số, số điện thoại nhắn tin rác, thực hiện cuộc gọi nhỡ lừa đảo của các đơn vị gửi về, tiến hành phân loại và lọc số điện thoại liên hệ trong tin nhắn rác, sau đó chuyển cho Thanh tra Sở.

Thanh tra Sở mời chủ thuê bao của các số điện thoại liên hệ đến làm việc, tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm, Sau thời gian tối đa 5 ngày làm việc, Thanh tra Sở sẽ gửi danh sách các số điện thoại liên hệ cần phải ngừng cung cấp dịch vụ về Phòng Bưu chính, Viễn thông của Sở để tổng hợp. Sở cũng sẽ gửi văn bản yêu cầu nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ cho các thuê bao cá nhân hoặc chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với những doanh nghiệp nội dung (CP) sử dụng đầu số để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và khi bị nhắc nhở thì không chấp hành.

Nhà mạng phải báo cáo kết quả thực hiện, đồng thời cung cấp thông tin chi tiết về chủ thuê bao hoặc DN đã ký kết đầu số với đơn vị về Sở TT&TT sau 10 ngày làm việc.

Nhu cầu thực tế

Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở nhấn mạnh rằng, nhu cầu quảng cáo là nhu cầu tất yếu của các đơn vị kinh doanh. Do đó, đòi hỏi triệt tận gốc các tin nhắn quảng cáo là việc bất khả thi. Cơ quan quản lý chỉ đảm bảo sao cho việc quảng cáo đó không ảnh hưởng đến người dùng, không gây mất mỹ quan đô thị mà thôi. Tuy vậy, bà Tú tin rằng tới đây, khi các loại hình quảng cáo hiện đại hơn như quảng cáo trên mạng xã hội phát triển mạnh, quảng cáo rao vặt, nhắn tin rác... sẽ tự nhiên giảm dần.

{keywords}
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Phan Lan Tú phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: T.C

Nói về cơ sở pháp lý của đề xuất "xử lý số điện thoại liên hệ", đại diện Sở cho biết, Sở đã áp dụng giải pháp này trong hơn 6 năm qua đối với lĩnh vực quảng cáo rao vặt và đạt được kết quả rất khả quan, hầu như không có kiện cáo. "Chúng tôi đã xem xét, nghiên cứu rất kỹ các văn bản, quy định cũng như căn cứ vào thực tế mới đưa ra đề xuất này".

Tuy vậy, ông Đỗ Đình Rô, Trưởng phòng Viễn thông của Thanh tra Bộ TT&TT vẫn khuyến nghị Sở cần lưu ý đến những vấn đề có thể nảy sinh khi thực hiện quy trình này, chẳng hạn như người có ý đồ xấu có thể lợi dụng, đăng các số SIM đẹp trong nội dung tin nhắn quảng cáo để số đó bị nhà mạng thu hồi. Tương tự, họ cũng có thể chơi xấu đối thủ cạnh tranh bằng cách đưa số điện thoại của đối thủ vào nội dung tin nhắn. "Việc triển khai trong thực tế cần thận trọng để tránh gây tác dụng ngược", ông Rô lưu ý.

Phản hồi ý kiến này, phía Sở khẳng định sẽ triển khai quy trình "cẩn thận". Sở cũng không yêu cầu nhà mạng cắt số điện thoại mà chỉ tạm ngừng dịch vụ để xác minh thông tin và làm việc với chủ thuê bao. Nếu thuê bao bị chơi xấu và không vi phạm quy định gì thì sẽ được khôi phục dịch vụ bình thường. 

Tăng cường thanh tra

Liên quan đến việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trên địa bàn thành phố, Sở cho biết thời gian qua đã ban hành 12 văn bản, đề nghị nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ đối với 37 đầu số và 372 số điện thoại phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.... 

Danh sách các số điện thoại QCRV sai quy định và cá số điện thoại, đầu số nhắn tin rác, nhắn tin lừa đảo sẽ bị đăng tải công khai trên website của Sở tại địa chỉ www.ict-hanoi.gov.vn.

Tuy nhiên, Sở nhận định các nhà mạng vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc xử lý các thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin không chính xác. Do đó, thực hiện Chỉ thị số 11/2016 mới đây của Bộ TT&TT, Sở sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý các sai phạm trong việc chấp hành quy định của pháp luật về mua bán thông tin cá nhân, mua bán SIM đã kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao ở những tổng đại lý bán SIM, đại lý bán SIM và điểm đăng ký thông tin thuê bao.

Các phòng VHTT quận, huyện, thị xã xác định công tác quản lý hoạt động QCRV và ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo là công tác trọng tâm của đơn vị, thậm chí là tiêu chí để chấm điểm thi đua hàng năm.

T.C