"Trước làm gì có gọi kẹo ngon mà mua, có tiền cũng không có mà mua, gói mứt tết mới phân phối, cả năm đến ngày trung thu mới được 1 góc cái bánh nướng bánh dẻo nhưng bây giờ thì quanh năm ngày tháng có. Thời đại tiến lên, thánh cũng sướng", Cô Hậu thủ nhanh đền Lảnh Giang chia sẻ. 

Liên hoan hát văn và hát chầu văn vừa tổ chức tại Đền Lảnh Giang cũng là dịp để tôn vinh Tín ngưỡng thờ Mẫu vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, việc sân khấu hoá nhiều quá di sản có làm mất đi tính thiêng của nó?

- Sân khấu hoá cũng là một hình thức truyền tải tín ngưỡng Thờ Mẫu tới những người dân. Bởi, có những người không có điều kiện để đi đến đền, phủ nghe diễn xướng thì thông qua những chương trình như thế , công chúng có thể hiểu sâu hơn về tín ngưỡng này. Bởi thế cho nên, mỗi một tháng Câu lạc bộ hát văn của chúng tôi đều đi xuống trung tâm văn hoá của các huyện để diễn xướng, hát văn cho mọi người hiểu hơn. Có những nơi chúng tôi đến vẫn cấm, nhưng sau khi trình diễn thì họ hiểu, họ lại thích. Chúng tôi muốn giới thiệu tới người dân hát văn và hát chầu văn như một hình thức nhã nhạc trong thờ Mẫu.

{keywords}
Cô Hậu trong Liên hoan hát văn và hát chầu văn vừa tổ chức tại đền Lảnh Giang

Có nhiều ý kiến cho rằng, lời trong hát văn có thể thay đổi cho phù hợp với thời đại, quan điểm của cô?

- Đối với đền Lảnh Giang và đối với Câu lạc bộ hát văn từ lúc chúng tôi thành lập cho tới bây giờ chúng tôi đều giáo hoá cho các nghệ nhân hát đúng theo lối cổ. Không được sáng tác văn mới. Ngay cả việc dạy trống, phách, cung bậc cho các cháu muốn theo, chúng tôi cũng dạy theo lối cổ hết.

Đối với đền Lảnh Giang, đưa trống dàn vào để hát văn là tôi từ chối không cho hầu. Vì xưa ông cha của chúng ta chỉ có mỗi cái trống con, phách để hát thôi. Giờ hiện đại rồi có thêm cái trống cái nữa là đủ. Chứ biến tấu mà đưa cả trống dàn vào gõ inh ỏi trong các giá hầu là tôi từ chối luôn.

Trước kia có đoàn đến đền của tôi để hầu nhưng mang cả dàn trống nhiều tầng từ nhỏ tới to. Tôi từ chối không cho hầu. Ở chỗ nào tôi không rõ chứ đền Lảnh Giang đã được công nhận là di sản, tôi có trách nhiệm gìn giữ di sản này. Trong Sài Gòn họ hầu theo lỗi Đờn ca tài tử với Nhã nhạc cung đình Huế. Thế nên nhiều đoàn ra miền Bắc cũng mang theo phong cách của họ ra, dân Bắc mình xem thì về biến tấu trong các giá hầu của mình nên cũng có chút lai lai.

Thực sự nghe được câu văn tròn vành rõ chữ, vỗ được cái gối, nhận được tiền lộc từ các ông đồng, bà đồng không phải là đơn giản. Thế nhưng thực tế hiện nay, các ông đồng bà đồng cứ trống to phách to là thích chứ nói thật hát theo đúng kiểu các cụ khó chứ đâu dễ. Đấy cũng là một hạn chế khi những người mở phủ cho con nhang đệ tử không hướng dẫn đúng.

Ngày trước các cụ hầu thì có tam toà thánh mẫu, ngũ vị tôn ông, tứ phủ chầu bà, tứ phủ ông hoàng, tứ phủ thánh cô, tứ phủ thánh cậu là xong. Bây giờ thì nhiều giá vô cùng.

{keywords}

Để hạn chế loạn các giá hầu, theo cô chúng ta phải làm gì?

- Bộ Văn hoá phải có quy chế, các ông đồng bà đồng đến đền phủ phải tuân thủ theo quy định cụ thể. Phải như thế mới được chứ nếu không để cho tự do thoải mái là phá cách hết ra, tín ngưỡng sẽ không tồn tại. Tôi ước ao Bộ Văn hoá họp các ông đồng bà đồng những người tiền cổ lại để cùng bàn phương hướng chứ bây giờ không có một kim chỉ nam nào cả. Nhà nước phải có quy chế phổ biến hết tới đền phủ.

Cấm bà đồng không được đánh trống dàn, các bà đồng nhiều khi không đồng ý. Tôi nói các bà đồng rằng bây giờ là di sản rồi thì chung tay bảo vệ di sản để mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, đất nước sau này còn truyền lại cho các con các cháu. Chứ cứ làm lung tung ra thì phá cách hết. Bây giờ có người được công nhận là nghệ nhân rồi mà còn mang cả đàn ghi ta vào để hầu thánh, xong lúc tôi nói lại bảo đây là để thử nghiệm. Nếu là thử nghiệm thì mình thử tại gia chứ ai lại mang ra đền to phủ lớn làm mất hết giá trị di sản.

Cô có ủng hộ việc tung tiền trên chiếu hầu đồng?

- Vung tiền là lúc đó các cô đi chợ. Các đền phủ cũng có quy định hạn chế vung tiền rồi. Nhưng nói thật theo tâm linh một số giá không tung tiền thì không buôn được bán được. Có tung được, có tán được lộc thì mới có lộc, coi như các cô đi chợ xong về là buôn may bán đắt. Nhiều khi trong tâm linh mình không thể hiểu được, không thể giải thích được.

Trước tôi đi Đông Cuông, ai đến đó hầu mà tung tiền là nhà đền tắt điện, hát vo, cô hầu tung tiền thì mất điện mất quạt, không tung thì có điện có quạt.

Cách đây hơn 30 năm chúng tôi đi hầu đơn giản lắm, có mấy quả dưa chuột cắt ra, thuốc là cuốn, kẹo bột, củ đậu bổ, phát lộc 1 đồng 2 đồng. Mà làm gì có dân tới xem, lúc đó cho rằng mê tín dị đoan, chỉ ai căn quả mới đi, xong tự phát lộc cho nhau, vài người. Người này phát lộc cho người kia thế thôi. Mà làm gì có tiền mà tung.

Trước làm gì có gọi kẹo ngon mà mua, có tiền cũng không có mà mua, gói mứt tết mới phân phối, cả năm đến ngày trung thu mới được 1 góc cái bánh nướng bánh dẻo nhưng bây giờ thì quanh năm ngày tháng có. Thời đại tiến lên, thánh cũng sướng.

Nói chung chỉ có vài giá là tung tiền lẻ theo kiểu các cô đi chợ phát lộc, chứ làm gì có tiền to mà tung.

Cảm ơn cô về chia sẻ!

Tình Lê