Đại tá Chalermpol Jintarat, thuộc Cục Nhập cư Thái Lan cho biết, các nạn nhân sẽ được thẩm vấn trong tuần này và sẽ được hồi hương.
 
TIN BÀI KHÁC

Các cô gái đẻ thuê là nạn nhân

 
Nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ ngày 28/2 cho biết tham tán phụ trách lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok (Thái Lan) Bùi Đình Chăm đã có buổi gặp các quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Xuất nhập cảnh và Bộ Y tế Thái Lan để thảo luận.
 
Cuộc họp đã thống nhất xác định các phụ nữ Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc và sẽ sớm có sự kết hợp giữa các cơ quan liên quan để đưa tất cả các cô về nước. Cũng trên báo này, ông Chăm cho biết trong khoảng 10 – 15 ngày tới, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Jurin Laksanawisit sẽ sớm cho hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết. Tuy nhiên, phía Thái Lan chưa liên hệ với phía Việt Nam về việc kiểm tra ADN để xác định những đứa trẻ không có liên hệ với người mẹ. 

Các cô gái Việt trong đường dây đẻ thuê. Ảnh: Người lao động
Báo Bee.net trích đăng ý kiến của đại tá Chalermpol Jintarat, Cục nhập cư Thái Lan cho biết các nạn nhân sẽ được thẩm vấn trong tuần này và sẽ được hồi hương. Họ không bị buộc tội bởi là nạn nhân của nạn buôn người. Phía Thái Lan sẽ xóa tội lưu lại Thái Lan quá thời hạn của những người này và sẽ giúp cho đến khi họ trở về nhà.
 
Tờ Pattayadailynews hôm 27/2 cho hay cảnh sát Thái Lan đã tìm thấy thêm 4 cô gái Việt Nam bị giam giữ trong mạng lưới “đẻ thuê”, trong đó có 2 cô đang mang thai. Theo lời khai của các cô vừa được giải thoát hôm 23/2, nạn nhân bị giữ ở một ngôi nhà khác ở số 79/256, làng Thararom, thuộc Saphansung, ngoại ô Bangkok. Như vậy là tính đến thời điểm này, các cơ quan chức năng đã phát hiện 18 cô gái Việt Nam trong đường dây đẻ thuê tại Thái Lan.
 
Cùng với các nạn nhân mới, cảnh sát cũng tìm thấy giấy tờ của công ty Baby 101 và hợp đồng thuê đẻ con, cùng với các thiết bị khác làm bằng chứng.
 
Trẻ không có quyền công dân?
 
Những đứa trẻ ra đời từ các cô gái Việt Nam sang Thái Lan đẻ thuê sẽ mang quốc tịch Việt Nam hay Thái Lan?
 
Trao đổi xung quanh vấn đề này, luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng Luật sư Người Nghèo) cho biết vẫn có thể đăng ký quốc tịch Việt Nam cho những đứa trẻ này. Báo Sài Gòn giải phóng đăng ý kiến của ông như sau: trẻ em “khi sinh ra” chứ không cần phải ràng buộc về huyết thống, thì dù được chào đời ở ngoài hay trong lãnh thổ Việt Nam thì vẫn có thể đăng ký cho trẻ quốc tịch. Những đứa trẻ sinh ở Thái Lan vẫn có thể mang quốc tịch Việt Nam.
 
Cũng trên báo này, luật sư Trần Công Ly Tao đã giải đáp cho câu hỏi nếu “cha mẹ sinh học” của đứa trẻ, tức là người cho trứng và tinh trùng muốn nhận lại con” như sau: Đẻ thuê tức là có ràng buộc với nhau về quyền và nghĩa vụ của cả hai bên bằng hợp đồng. Hợp đồng có thể là văn bản hoặc hợp đồng miệng. Trong đó, việc thụ hưởng hạnh phúc mà cụ thể là đứa trẻ thì phải thanh toán tiền cho bên đẻ thuê. Các cô gái Việt Nam khi sinh xong phải trả lại con nếu đã có thỏa thuận từ trước. Còn cha mẹ sinh học không nhận con thì sản phụ vẫn làm khai sinh cho trẻ bình thường. Nếu họ từ Thái Lan sang nhận con thì đứa bé ấy sẽ theo cha mẹ về quê hương của nó.
 
Liên quan đến vụ việc này, Bộ trưởng Y tế Thái Lan cho hay các quy định hiện hành của ngành y tế Thái Lan nghiêm cấm hoạt động đẻ thuê vì mục đích thương mại. Ông cũng cho biết Bộ Y tế cũng sẽ hối thúc Quốc hội sớm thông qua Luật Bảo vệ trẻ em được sinh ra từ công nghệ thụ tinh nhân tạo nhằm ngăn chặn vấn đề thụ tinh nhân tạo bất hợp pháp tại Thái Lan.
 
Trong số 18 phụ nữ đã được giải cứu, có 9 người đang mang thai và 1 người vừa sinh con tại bệnh viện. Họ được công ty Baby 101 Co, có trụ sở tại đường Ramkhamhaeng ở thủ đô Bangkok môi giới. Công ty “đẻ thuê” này nhận đặt hàng qua email hoặc từ các đại lý, khách hàng là những vợ chồng cặp hiếm muộn, cung cấp tinh trùng và trứng. Theo giá quảng cáo, mỗi em bé được sinh ra có giá 32.000 USD, chưa kể các chi phí khác.
 
Hiện cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ bốn người Đài Loan, một người Trung Quốc và ba người Myanmar với cáo buộc đã tổ chức đường dây đẻ thuê nói trên. Trong khi đó, một người phụ nữ 35 tuổi người Đài Loan, hiện đang bỏ trốn, cũng bị cáo buộc với tội danh buôn người.
 
Điều 16, khoản 1 luật này quy định: trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam. (Luật Quốc tịch Việt Nam 2009)
 
Anh Ngọc (tổng hợp)