Trong tưởng tượng của rất nhiều người, cuộc sống của những siêu mẫu nam như thiên đường, nhưng thực chất thu nhập của họ thấp hơn rất nhiều so với tưởng tượng.

TIN BÀI KHÁC
Nhìn ra thế giới
 
Nghề người mẫu nam đang thu hút nhiều chàng trai trẻ tham gia bởi sự hào nhoáng bề ngoài, những khoản tiền cát sê tưởng chừng cao ngất, được đi xe, vào những quán bar sang trọng, ở khách sạn tiền tỷ và thường xuyên tiếp xúc với những cô gái đẹp... một cuộc sống chỉ có nơi thiên đường. Nhưng thực chất nghề người mẫu nam ra sao?
 
Sau ánh đèn sân khấu, nhiều người mẫu nam khẳng định “không thể sống được với nghề” (ảnh:The Times)
Chàng người mẫu Michael Whittaker (Mỹ) bắt đầu bước chân vào công ty Auckland khi mới tuổi 15. Chàng thanh niên cao, gầy, nước da xanh xao nhợt nhạt như ma-cà-rồng trên màn ảnh đã giúp Michael gây chú ý. Mặc dù làm việc cho những cái tên lớn của công nghiệp thời trang như Christian Dior, Balenciaga và Raf Simons, nhưng Whittaker từng thừa nhận việc kiếm tiền với anh vô cùng chật vật. Anh đã phải trải qua gần một năm nghèo khó ở New York. “Nghe thật buồn cười khi bạn uống loại rượu hàng ngàn USD trong đêm, lên máy bay trở về nhà và rồi ngả lưng ngay trên tấm đệm mỏng trong căn nhà thuê tồi tàn, trống hơ trống hoác”.

John Doe, 23 tuổi, từng làm người mẫu khắp châu Âu vào giữa những năm 2000 và hiện trở lại New Zealand làm công việc hậu trường thời trang, cay đắng phát biểu rằng: "Tiền cát-sê những người mẫu nam nhận được vô cùng bèo bọt. Ở châu Âu, trừ phi bạn được thương hiệu lớn chọn, may ra số tiền kiếm được mới đủ trang trải các chi phí.  Còn tại New York, tiếng tăm càng ít thì cơ hội kiếm tiền càng "hẻo"".

Thực chất, cát sê trả cho các người mẫu nam thấp hơn người mẫu nữ rất nhiều và đó cũng là chuyện tất yếu. Bởi thường, trong các buổi biểu diễn có cả người mẫu nữ và nam thì vai trò vơ- đét luôn thuộc về người nữ, còn người mẫu nam chỉ đóng vai trò làm nền, như một dạng “có nam có nữ mới nên xuân”.

Rất nhiều người mẫu nam trên thế giới, sau khi chọn con đường người mẫu đã phải chọn con đường làm trai bao cho các quý bà lắm tiền, nhiều của để thỏa mãn nhu cầu cuộc sống cũng như trang trải cho những khoản chơi thâu đêm, để khẳng định hào quang của nghề người mẫu là có thật. Vượt quá sức mình để rồi, nhiều người mẫu phải ra đi mãi mãi: người mẫu Ambrose Olsen, 24 tuổi đã tự tử đầu năm 2010 và Luiz Freiberger, 21 tuổi, chết vì dùng ma túy quá liều.

Chàng người mẫu nam Whittaker kể: "Tôi đã nhìn thấy rất nhiều người bạn ra đi như thế. Ambrose Olsen luôn dằn vặt vì chụp những bức ảnh mát mẻ, gây sốc khi còn trẻ vì nghe theo lời của một nhiếp ảnh gia. Anh ấy sợ một ngày nào đó những hình ảnh này bị tung ra, ám ảnh với việc mình có thể bị đe dọa. Có lẽ không tìm được lối thoát nào khác nên anh ấy chọn cái chết".

Nhìn lại Việt Nam
Nghề người mẫu nam ở nước ta cũng đang dần được xã hội công nhận và ủng hộ. Rất nhiều người mẫu nam đã để lại được tên tuổi của mình trong lòng công chúng. Nhưng họ cũng vướng phải những khó khăn với vấn đề cát sê khi lựa chọn bám nghề.

Được sinh ra với sự tổng hòa của ba dòng máu Việt – Hoa – Pháp, khởi nghiệp từ năm 18 tuổi, lại biết khai thác tối đa thể hình lý tưởng cùng khuôn mặt điển trai, vẻ mặt ấn tượng, đậm chất nam tính nên Vĩnh Thụy đã trở thành cái tên khiến bất cứ cô gái nào cũng mơ ước được sánh đôi với anh trên sàn diễn. Thậm chí, giới người mẫu đã từng gắn cho anh danh hiệu “Gã chiến binh sexy”. Hầu hết các bộ ảnh Vĩnh Thụy góp mặt đều khiến mọi người phải trầm trồ. Năm 2009, Vĩnh Thụy đoạt giải bạc cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam, đồng là đại diện sắc đẹp nam tham gia Mister International.

Năm 2010, Vĩnh Thụy trở thành cái tên hot nhất trong làng mẫu nam Việt Nam không chỉ bởi nghề người mẫu mà còn bởi tài kinh doanh.

Với tất cả những lý do trên, giới thạo tin vẫn đồn rằng, trong khi những người khác chỉ được trả với mức cát xê từ một đến hai triệu đồng thì Vĩnh Thụy chỉ gật đầu nhận show khi thù lao đạt ngưỡng 300 USD. Nên tất yếu chàng trai ấy phải ở trong những khách sạn hạng sang và mặc những bộ đồ đắt tiền. Nhưng Vĩnh Thụy vẫn phải bung ra ngoài kinh doanh. Đầu năm vừa rồi, anh  bị khởi tố về hành vi buôn lậu hàng điện tử qua đường hàng không từ Australia về Việt Nam khiến không ít người trong giới người mẫu, nghệ sĩ và cả công chúng sửng sốt.


Điểm qua một lượt giới người mẫu nam trên sàn catwalk Việt, cũng nhận thấy rằng, đa số các người mẫu đều có nghề “tay trái”: Người chọn kinh doanh (như Vĩnh Thụy, Hải Anh...), làm diễn viên (như: Bình Minh, Doãn Tuấn, Tiến Đoàn)... không chỉ để trang trải cuộc sống mà còn để khẳng định tên tuổi của mình.

Không chỉ riêng Vĩnh Thụy mà rất nhiều người mẫu có tên tuổi khác cũng phải chuyển sang kinh doanh để trang trải cuộc sống của mình (Ảnh: Tin180.com )
Nói về thu nhập với nghề người mẫu nam, người mẫu Đức Vĩnh từng tâm sự trên chuyên trang 2sao rằng: "Với thu nhập không ổn định, nhất là đối với người mẫu nam thì thật sự phải yêu nghề lắm mới gắn bó được với nghề. Chủ yếu trông chờ vào những show quảng cáo. Vì thế, có thể thấy người mẫu sau một thời gian biểu diễn, họ thường chuyển sang nghề khác như ca sĩ, diễn viên, kinh doanh…"

Hải Anh làm người mẫu thời trang, diễn viên điện ảnh đều có được những thành công nhất định. Anh còn khá đắt show quảng cáo thế nhưng, Hải Anh cũng khẳng định trên Vnexpress: "Không sống được với nghề". Cũng chính vì thế mà nhiều người chỉ chọn nghề người mẫu nam như một bước đệm để khẳng định tên tuổi của mình, tạo thêm nhiều mối quan hệ để khi chuyển sang các lĩnh vực khác được thuận lợi hơn.

Hiện nay, ở nước ta, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai mảnh đất có khá nhiều các công ty quản lí về người mẫu. Tuy nhiên, số lượng các mẫu nam vẫn còn rất ít so với nữ giới. Nhưng họ đang ngày càng được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản hơn. Vấn đề thu nhập của nghề người mẫu, đặc biệt là người mẫu nam và những bài học như của Vĩnh Thụy sẽ còn được nhắc lại nhiều lần nếu như những người đang ôm mơ ước trở thành người mẫu và những người đã chọn con đường này không sống thực tế hơn, có bản lĩnh hơn. Cần nhớ, có được tên tuổi trong lòng khán giả là rất khó, nhưng làm xấu đi tên tuổi của bản thân lại là điều rất dễ.


Thanh Mai (tổng hợp)