Trong lúc đào bới, các ông đã tìm thấy một loạt đồ cổ, gồm 9 đồng tiền, 3 con rùa đá, 1 viên ngói hình lá đề, bên trên là hình ảnh “rồng chầu mặt nguyệt” và một số đồ gốm. Ông gọi chúng là “mật mã” bởi vì những thứ đó đều được sắp xếp theo quy luật nào đó mà ông chưa giải mã được.

TIN LIÊN QUAN


Người thương gia Hải Phòng tham gia cuộc tìm kiếm “kho báu 3 tạ vàng” ở Bắc Giang là ông Đỗ Phương, một người có am hiểu về lĩnh vực địa chất. Do đó, công tác chuẩn bị và tiến hành tìm kiếm diễn ra rất bài bản. Cũng có lẽ vì sự quy củ này mà công cuộc khai quật kho báu mới có thể kéo dài trong 10 năm ròng rã.

Ông Đại (hàng xóm nhà ông Dương Minh Châu), một trong những người chứng kiến tận mắt quá trình khai quật kho báu kể lại: “Tôi sống ở đây từ nhỏ, cũng thấy người ta đi đào vàng nhiều rồi, nhưng chưa bao giờ thấy một cuộc đào vàng nào lớn như ông Châu và ông Phương. Họ huy động khoảng 40 thợ đào giếng từ khắp các vùng Cao Thượng, Yên Thế… để đào kho báu. Hồi đó, ở đây chưa có điện lưới, nhưng ông Phương đã sử dụng máy phát điện để bơm nước và chiếu sáng rồi. 10 năm ròng rã đào bới như vậy, không biết họ đã tốn kém bao nhiêu tiền của”.

Tiền cổ được tìm thấy trong quá trình đào "kho báu".

Ông Châu kể, trong thời gian đào bới, nhóm tìm kiếm “kho báu” đã gặp vô số chuyện kì lạ. Đặc biệt ấn tượng là hai thứ mà ông gọi là “ám khí” và “mật mã”, những điều tưởng chừng chỉ có trong phim hành động của Mỹ.

Về “ám khí”, ông Châu tiết lộ: “Lúc đào sâu xuống lòng đồi gần 20m, chúng tôi ngửi thấy mùi khó chịu như mùi phân gà, thêm mấy mét nữa lại đến mùi bánh khảo, mấy mét nữa, xuất hiện một loại đá rất kì lạ. Mỗi khi bị vật cứng va chạm vào, nó nổ ra, bắn vào da thịt và gây bỏng nặng. Vết bỏng của tôi từ ngày ấy tới nay vẫn chưa khỏi hẳn. Chắc chắn đây là ám khí của người xưa để chống lại những người đào bới kho báu!”.

Viên ngói có hình rồng chầu mặt nguyệt.

Theo ông Châu, khi thoát khỏi “ám khí”, thì lại gặp phải những “mật mã” khó hiểu. Trong lúc đào bới, các ông đã tìm thấy một loạt đồ cổ, gồm 9 đồng tiền, 3 con rùa đá, 1 viên ngói hình lá đề, bên trên là hình ảnh “rồng chầu mặt nguyệt” và một số đồ gốm. Ông gọi chúng là “mật mã” bởi vì những thứ đó đều được sắp xếp theo quy luật nào đó mà ông chưa giải mã được.

Ông Châu và ông Phương đã mô tả “mật mã” bằng hình vẽ. Theo đó, 3 con rùa đá nằm quay đầu về ba hướng, nhưng khi chụm lại thì khớp được với nhau. 9 đồng tiền cổ khắc 4 chữ “chiêu tài tiến bảo” (theo lời ông Châu), được giới đồ cổ Trung Quốc tìm mua. Điều đặc biệt là vị trí tìm được những đồng tiền này chạy trên 1 đường thẳng dọc theo ao Giành.

Ông Châu và ông Phương vẽ lại địa điểm phát hiện các cổ vật và cho rằng đó là mật mã.

Qua tìm hiểu được biết, ngọn đồi mà gia đình ông Châu đang sống từng là khu quân giới của quân đội Trung Quốc trong thời kỳ quân Tưởng sang Việt Nam giải giáp quân Nhật trong chiến tranh thế giới thứ II. Có lẽ, những câu chuyện về sự lùng sục kho báu của người Trung Quốc lưu truyền trong dân gian cộng với sự kì bí về “ám khí” và “mật mã” đã khiến ông Châu càng thêm tin tưởng về kho báu bí ẩn này.

Sau hơn 10 năm “trường kỳ chiến đấu với thổ địa”, hai ông Châu và Phương không những không tìm được kho báu mà ngược lại đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng (vào những năm 1990-2000 thì đây là số tiền khổng lồ). Cũng với đó là nhiều gia đình tan nát vì mất tiền của, công sức, thậm chí mất cả mạng sống.

Hai lọ gốm Thổ Hà thế kỷ XVIII.


Có cặp vợ chồng đã đầu tư hơn 100 triệu đồng những mong được chia phần khi tìm được kho báu, nhưng cuối cùng mất trắng. Ông Thiêm đã xẻ hàng trăm mét khối gỗ bạch đàn trên mấy ngọn đồi của mình để kè hầm. Rồi hai gia đình “thợ thịt” (người làm nghề mổ lợn) ở thị trấn Nhã Nam cũng mất hàng tấn thịt nuôi vài chục thợ trong mấy năm ròng.

Nhưng mất mát nhiều nhất có lẽ là ông Sang, người làng Đại Hóa. Để đầu tư vào cuộc tìm kiếm này, ông Sang đã bán nhà cửa đất đai để lấy tiền góp cổ phần. Kế hoạch tìm kho báu đổ vỡ kéo theo sự đổ vỡ của gia đình ông. Vợ chồng mâu thuẫn, con cái bất đồng với bố đã làm tan nát gia đình. Mỗi người ly tán một nơi vì không có nhà để ở. Ông Sang cũng vì biến cố lớn lao này mà lâm bệnh, mất sau đó không lâu.

Lá đơn ông Châu viết sẵn, đã có dấu xác nhận của UBND xã Tân Trung khẳng định có kho báu trong lòng đất.


Cuộc săn tìm kho báu đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh, một vết thương chưa liền sẹo ở vùng quê cách mạng này. Những tưởng sau sự thất bại ấy, người ta sẽ không bao giờ có ý định tiếp tục truy tìm “kho báu” đi liền với câu nói bí ẩn “Thượng ao Giành, hạ búi mai” nữa. Nhưng không, ông Châu tiếp tục viết đơn xin chính quyền cho phép tiếp tục tìm kho báu. Không riêng gì ông Châu, mà nhiều người dân Tân Trung khi được hỏi vẫn tin kho báu 3 tạ vàng là có thật.

Nhưng cũng có người chưa bao giờ tin, ví dụ như ông Trương Tiến Dũng, Chủ tịch xã Tân Trung. Ông Dũng cho rằng, kho báu là chuyện hoang đường.

Vậy những hiện vật ông Châu đào được có ý nghĩa gì, nếu như không phải “mật mã” để vào kho báu? Tôi đã tìm gặp PGS.TS Nguyễn Lân Cường để mong giải mã một số thông tin. Qua xem xét những tấm ảnh, ông Cường cho rằng, những chum lọ mà ông Châu bảo đào được có xuất xứ chính xác là thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII và là gốm Thổ Hà. Còn đồng tiền cổ là “tiền bùa”, có nghĩa là không phải đồng tiền để tiêu, mà các Phật tử dùng để đeo trên người như một miếng bùa bình an.

Với những hiện vật này, chỉ có thể suy đoán rằng, xưa kia, có thể có một ngôi chùa nào đó ở ngọn đồi này, còn chuyện có kho báu hay không thì chưa đủ căn cứ để khẳng định. Ông Cường chia sẻ thêm: “Chuyện kho báu trong lòng núi tôi đã nghe nhiều, nhưng chưa bao giờ tin, cũng chưa thấy ai đào được. Nếu có, kho báu cũng chỉ ở rất nông, không thể nằm sâu quá 20m như lời ông Châu nói”.

(Theo VTC)