Thay vì việc thường xuyên đan xen các tiếng nước ngoài trong bài hát của mình, các ca sĩ ngày nay còn “mốt” sử dụng nghệ danh nửa Việt nửa Tây.

Quốc tế hóa một nửa

Có thể nói, làng giải trí Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn các ca sĩ, nghệ sĩ trẻ, tài năng. Họ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn nắm trong tay vốn hiểu biết xã hội khá sâu sắc. Đặc biệt, có một lớp người trẻ lớn lên ở nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp khi đã trưởng thành, họ thông thạo về ngoại ngữ, lại được kế thừa những tinh hoa quốc tế đóng góp không nhỏ cho việc hiện đại hóa làng giải trí nước nhà.


Ngày càng nhiều các nghệ sĩ mang nghệ danh nửa ta, nửa Tây.

Việc lớp người trẻ này có thêm một cái tên nước ngoài là tất yếu. Nhưng một bộ phận khác, ngày một đông trong làng giải trí hiện nay lại đang chạy theo xu hướng hiện đại, bằng cách… quốc tế hóa cả tên gọi. Sợ người Việt chưa quen, nên họ chỉ… quốc tế hóa một nửa (một nửa tiếng Anh, nửa tiếng Việt). Nguyên nhân thì có vô vàn: từ việc chê tên “cúng cơm” xấu, không gây ấn tượng, đến việc… thay đổi nghệ danh cho hợp “mốt”.

Một vài ví dụ như: Lý Nhã Kỳ cũng không thật sự yêu thích cái tên Trần Thanh Nhàn trong giấy khai sinh của mình nên đã đổi lấy một cái tên "Trung Quốc" như thế. Hay như Bảo Thy (tên thật Trần Thị Thúy Loan) và Nhật Kim Anh (tên thật Phan Kim Huê) đều có thể không thích cái tên bố mẹ đặt cho mình nên tìm đến một biệt danh khác "sang trọng" hơn. Ngoài ra Bảo Thy còn lấy nick name là Lo - na, một kiểu viết ngược của chữ Loan. Thanh Thảo tên thật là Phạm Trịnh Phương Thảo, do trùng tên với Phương Thảo (vợ nhạc sĩ Ngọc Lễ) nên cô phải thay đổi một chút danh tính của mình. Những cái tên mới của cô và công ty Musix Box như Ngô Kiến Huy, Lê Khánh cũng đều được "rửa tên" khi về công ty để có được một nghệ danh "mỹ miều, ấn tượng".

Xưa rồi cái thời gây hit với những cái tên mang đậm nét tài tử Hồng Kông như: Lâm Chấn Huy, Nhật Tinh Anh, Điền Thái Toàn, Châu Gia Kiệt, Noo Phước Thịnh… Thay vào đó, nghệ sĩ Việt sử dụng công thức: Tên “quốc tế” + Tên thật (hoặc họ) = Nghệ danh. Ví dụ như: Wanbi Tuấn Anh, Akira Phan, Elly Trần, Evis Phương, Mickey Từ Minh Hy…

Thời gian gần đây, sự lựa chọn nghệ danh này ngày càng có nhiều "biến tấu": tên tiếng Việt thu hẹp dần, phần tên nước ngoài làm chủ đạo: Brother A, Tim, Titikid, Baby J, M4U, Mr Dee, Vboys...

Không thể phủ nhận được sự  tò mò, hiếu kỳ của khán, thính giả nghe đài, truy cập báo chí bắt gặp nghệ danh kiểu này. Một mặt nào đó, nghệ danh đã khiến nghệ sĩ được biết đến nhiều hơn, nhanh chóng khiến khán giả, thính giả thuộc và nhớ tên nghệ sĩ hơn. Tuy nhiên, nó cũng khiến chính khán giả thấy sự rối ren, khó hiểu. Bởi các nghệ danh đó, hầu hết không mang ý nghĩa nào liên quan đến bản thân nghệ sĩ.

Làm mất dần sự trong sáng của tiếng Việt

Anh Nguyễn Tùng, quản lý của ca sĩ Wanbi Tuấn Anh cũng phải thừa nhận: “Việc đặt nghệ danh này không phải là cách làm cần khuyến khích. Đương nhiên, trong thời kỳ hội nhập, sử dụng tiếng nước ngoài lưu loát là lợi thế để các ca sĩ trẻ có điều kiện giao lưu học hỏi với bạn bè quốc tế, nhưng lạm dụng không đúng chỗ sẽ lợi bất cập hại”.


 Vẫn có nhiều các ca sĩ trẻ thành danh bằng chính những tên thực của mình (ảnh: tin47.com)

Chia sẻ với Đời sống và pháp luật, nhà văn Chu Lai cho rằng các bạn trẻ đang đánh mất dần cá tính của mình. "Họ thích sự màu mè của những cái tên, thích những sự phù phiếm mà quên một điều rằng cái bên trong tâm hồn mới là cái lâu bền nhất. Cũng có thể hiểu, nghệ sĩ thì rất cần một cái tên đẹp để được công chúng nhớ đến. Nhưng điều đó cũng có hai mặt. Cái tên có thể sẽ nâng mình lên những cũng có thể ném mình xuống. Nó cũng phải có duyên, có phận với mình thì mới có thể giúp mình thành công được".

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Lê Ngọc Cường cho biết: "Chính phủ quy định rõ về việc không được lấy tên nước ngoài, không được quảng cáo thương hiệu tên nước ngoài, trường hợp buộc phải sử dụng thì phải phiên âm sang tiếng Việt. Hiện tượng nghệ danh lai tiếng nước ngoài, nếu không chấn chỉnh, sẽ trở thành phong trào, hạ thấp giá trị tiếng Việt. Việc này thuộc quyền quản lý cấp phép của các sở VH-TT-DL".

Thực tế có nhiều ca sĩ trẻ, thành danh vẫn lấy cái tên thực của mình mặc dù nó giản dị hơn nhiều so với những cái tên khác. Đinh Mạnh Ninh hay Minh Chuyên, Tùng Dương là một ví dụ. Đừng làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt ngay trong chính tên gọi của các nghệ sĩ được nhiều người mến mộ.

Thanh Mai (Tổng hợp)