Nhà "rùa học" Hà Đình Đức vẫn khẳng định, hồ Gươm chỉ có một cụ rùa và đang được đưa lên điều trị. Hiện, sức khỏe của cụ rùa ổn định, không bị sốc.
TIN BÀI KHÁC

Sáng nay, đối thoại với độc giả trên mạng xã hội go.vn, nhà “rùa học” Hà Đình Đức khẳng định, hiện ở Hồ Gươm chỉ tồn tại một cụ rùa.

“Từ trước đến nay tôi biết có bốn cụ. Một cụ ai cũng biết là đang nằm trong đền Ngọc Sơn, chết ngày 2/6/1967. Cụ thứ 2 bị mất tích. Còn cụ thứ ba, theo ông Đào Quang Thép, lúc đó là biên tập viên Đài PTTH Hà Nội ở 47 Hàng Dầu, có nói với tôi rằng vào thập biên 60, trời mưa to, một cụ bò lên vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Cụ này được mấy anh lính đưa về 40 Hàng Bài, đứng lên lưng đi vòng quanh sân rồi sau đó làm thịt. Cụ thứ tư hiện đang ở Hồ Gươm và đang được đưa lên điều trị”, ông Đức nói.

Ông Hà Đình Đức (phải) và Bùi Quang Tề, Trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho rùa hồ Gươm (Nguồn: Go.vn)

Giải thích nguyên nhân rùa nổi, ông Đức cho rằng, tùy theo hiểu biết của mỗi người về hiện tượng cụ rùa nổi. Từ năm 2006 đến năm 2010, số lần cụ nổi lên nhiều hơn trước đây. Từ năm 2005 về trước, số lần cụ nổi lên trung bình 30 - 50 lần mỗi năm. Năm 2007 thì số lần lên là 72 lần. Đặc biệt năm 2010, lên 134 lần và tháng 12/2010 lên 23 lần. Thời gian nổi có tthể ngắn, dài, có thể vài ba phút, có thể nửa buổi, thậm chí cả ngày.

Ông Đức cũng cho biết, sau khi đưa cụ lên (ngày 3/4), các chuyên gia bệnh thủy sản kiểm tra và cho biết rùa chỉ có các bệnh ngoài da. Hiện, sức khỏe của cụ rùa ổn định, không bị sốc khi bị bắt giữ.

Tiến sĩ Bùi Quang Tề, Trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm cho biết, trong thời gian qua sức khỏe của cụ rùa đã có tiến triển theo chiều hướng tốt. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác của rùa Hồ Gươm. “Việc xác minh cần có bằng chứng khoa học do đó phải cần vài tuần nữa mới có câu trả lời chính xác”, ông Tề nói.

Cũng theo ông Tề, sau khi xuất viện, cụ sẽ trở lại Hồ Gươm với điều kiện hồ được cải thiện môi trường sống theo đúng yêu cầu của tổ chữa trị.

"Môi trường hồ Gươm lâu năm nên lượng bùn lớn, sâu tới hàng mét, cần vét bớt bùn từ 30 đến 40%, sâu 30 - 40 cm. Bùn là tích lũy chất thải, gây ô nhiểm cho hồ. Đầu tháng 2 kiểm tra đáy hồ, 7 điểm thì có 5 điểm là không có sinh vật đáy tồn tại chứng tỏ bùn đáy hồ ô nhiễm tương đối nặng", ông Tề phản ánh.

Theo ông Tề, muốn cải tạo để nước hồ sạch sẽ hơn, để các sinh vật trong hồ có môi trường sống thuận lợi, cần loại bỏ tạo và nấm. Hiện có nhiều cách. Thứ nhất là hút và thay bớt nước hồ. Thứ hai là dùng hóa chất không ảnh hưởng tới sức khỏe của rùa.

“Với tư cách là nhà khoa học thì chúng tôi coi cụ là bệnh nhân đặc biệt. Với tư cách là người Việt Nam thì tôi luôn tôn trọng tâm linh của người dân, coi cụ rùa là một biểu tượng. Tôi sẽ tìm mọi cách để chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất để chữa trị cho cụ.

Nên các tác nhân gây bệnh đã được đưa vào các phòng thí nghiệm tốt nhất Việt Nam và dùng các phương pháp hiện đại nhất trên thế giới đang được sử dụng để chuẩn đoán chính xác và chữa trị cho cụ. Đối với thuốc đang được sử dụng cho người để tăng tính an toàn trong quá trình chữa trị”, ông Bùi Quang Tề nói.

(Theo Đất Việt)