Tiến sĩ Bùi Quang Tề - trưởng nhóm chữa trị bệnh cho cụ rùa Hồ Gươm - khuyến cáo nếu nhiệt độ ngoài trời lớn hơn 30 độ C mà vẫn để cụ rùa trong bể chữa bệnh sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cụ.
TIN LIÊN QUAN
Tiến sĩ Bùi Quang Tề cho biết trên báo Đất Việt, sau hơn một tháng chữa trị, hiện tại, sức khỏe của cụ rùa đã hồi phục, không còn phải lo ngại.
"5 chủng vi khuẩn gây nên những vết thương lở loét, đốm trắng và sinh vật bám trên mai, chân và cổ cụ rùa đã được loại bỏ, chỉ còn hai chủng vi khuẩn yếu khí còn tồn tại nhưng có thể tự lành khi thả cụ về môi trường tự nhiên", Tiến sĩ Tề cho biết trên báo này.
Theo Tiến sĩ Tề, với tình hình sức khỏe cụ rùa như hiện nay, nhóm chữa trị bệnh khẳng định đã có thể thả cụ rùa xuống hồ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan khiến việc làm sạch môi trường nước Hồ Gươm diễn ra chậm hơn so với dự tính ban đầu. Vì vậy, cụ rùa vẫn phải ở trong bể chữa bệnh thời gian nữa. Song việc này có thể khiến sức khỏe của cụ rùa bị ảnh hưởng vì nắng nóng ngày càng gay gắt.
Cụ rùa Hồ Gươm trong bể thông minh (Ảnh: VietNamNet) |
Cuối tuần này, cấp trên đã quyết định sẽ làm mái che, liên tục thay nước, để giảm độ nắng nóng trong bể. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chậm nhất trong 2 tuần nữa nên tiến hành thả cụ xuống nước để đảm bảo sức khỏe".
Để tiện cho việc theo dõi sức khỏe khi trở về với môi trường tự nhiên, Sở KH&CN Hà Nội đã đề xuất giải pháp gắn thiết bị định vị cho cụ rùa Hồ Gươm. Sở KH&CN Hà Nội cũng đề xuất sẽ tiến hành làm mái che nắng có cửa cơ động thuận lợi cho việc đưa cụ rùa từ bể ra hồ và ngược lại.
Đặc biệt, trước khi thả về hồ Gươm, cụ rùa sẽ được tập luyện để "xa dần" môi trường con người nuôi dưỡng và quen với môi trường hoang dã, phải tự đi tìm thức ăn như trước đây.
Theo kết quả xét nghiệm ADN, cụ rùa Hồ Gươm là rùa cái, cùng giống với tiêu bản rùa đang được trưng bày tại Đền Ngọc Sơn.
Thu Hằng (tổng hợp)