Hầu hết các ý kiến của bạn đọc về đề thi “Giá xăng tăng” gây tranh cãi thời gian qua đều cho rằng, đề thi không quá khó, phù hợp với thực tiễn và cần được phát huy.
Đề thi không quá khó

Những ngày vừa qua dư luận khá quan tâm đến câu chuyện về một đề thi dành học sinh lớp 6 ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng có liên quan đến vấn đề giá xăng tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, cách ra đề thi như trên là đánh đố và quá sức so với tư duy của học sinh lớp 6. Tuy nhiên, cũng không ít các ý kiến lại phản bác rằng đề thi như trên là vừa hay lại sáng tạo.

Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc ở địa chỉ email: Nguyenlycdsp@yahoo.com chia sẻ với VietNamNet: “Bài toán như thế đáng được đánh giá cao ở hai điểm: Thứ nhất là tính vừa sức với học sinh. Thứ hai là bài toán rất có tính thực tiễn, đã đưa ra được một tình huống nóng hổi của đời sống xã hội nên ý nghĩa giáo dục rất cao”.

Trước đó, vào cuối tuần qua, nhiều học sinh lớp 6 ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng gặp rắc rối khi nhận đề kiểm tra hết học kỳ hai môn Toán.

Nhiều độc giả đồng tình đề thi “giá xăng tăng” phù hợp và mang tính thực tiễn cao (Ảnh minh họa, Nguồn: VietNamNet)

Đề do Phòng GDĐT ra cho toàn huyện, có hai phần là phần trắc nghiệm và tự luận. Ở phần tự luận, đề cho “Một lít xăng giá 18.000 đồng. Lúc đầu tăng 20%, sau đó tiếp tục tăng 10%. Hỏi sau 2 lần tăng, giá một lít xăng là bao nhiêu?”.

Với đề bài này, nhiều em không hiểu nên làm sai. Theo dư luận giáo viên, ra đề như vậy là quá rắc rối với trình độ các em học sinh lớp 6. Tuy nhiên nhiều bạn đọc lại cho rằng đề thi như thế với trình độ của học sinh lớp 6 là bình thường và không quá khó.

Một bạn đọc khác ở địa chỉ email lnquang2005@ cũng tỏ ra đồng tình với ý kiến trên khi cho rằng: “Theo tôi đề thi... xăng tăng giá không có gì là sai hay có vấn đề. Vấn đề ở đây là người làm đề thi không rõ ràng để các em có thể hiểu nhầm nên dẫn đến lúng túng, tôi có con học lớp 5 mới thi xong học kỳ 2, nó giải bài toán này cũng không quá khó khăn. Loại đề thi mang tình thời sự này rất tốt”.

Bạn đọc từ email: thanh_nguyen_van@ cũng cho rằng: “Theo tôi bài có tính tư duy, sáng tạo và sát thực tế. Con tôi - một học sinh lớp 3 mà đã là những bài toán kiểu như sau: Một cửa hàng ngày đầu bán 1/2 số lít dầu, ngày thứ 2 bán 1/2 số lít còn lại hỏi số lít dầu đã bán gấp mấy lần số lít dầu còn lại?”.

Bạn đọc ở email: info@ lại chia sẻ một câu chuyện khác: “Theo tôi nghĩ bài toán trên không phải quá khó mà quá thực tế. Đã có lần tôi đố các bạn sinh viên đại học trong dãy trọ của mình một bài toán cực kỳ đơn giản nhưng không tìm ra được một câu trả lời trong khi bài giải không quá 4 hàng chữ. Bài toán như sau: "khi mua một màn hình 19 inch vuông với một màn hình 19 inch hình chữ nhật thì màn hình nào có diện tích lớn hơn". Tình trạng giáo dục ở Việt Nam chúng ta quá đi sâu về mặt trình độ nhưng lại không chú tâm về mặt áp dụng thực tế. Sinh viên đại học ở Việt Nam học nào là số phức, toán cao cấp, toán rời rạc,... nhưng lại không thể áp dụng nhưng bài toán hình học đơn giản ở trình độ phổ thông vào thực tế”.

Cần phát huy

Trên diễn đàn của 24h.com, một em học sinh có nickname Drkull cũng chia sẻ: “Em là một học sinh lớp 6, Trường THCS Nam Cường (Nam Định). Em thấy đề thi này không có gì là khó đối với trình độ của một học sinh lớp 6... Trái lại, đề thi rất hay, rất có ý nghĩa”.

Bạn đọc có nickname Tathoa cũng đồng tình: “Ra đề thi theo kiểu này nhìn thoáng qua ai cũng nghĩ là quá đơn giản, quá dễ. Nhưng thực tế không phải ai dạy lớp 6 cũng có những bài toán mang tính thực tế, thời sự như vậy! Cá nhân tôi khuyến khích cách làm này”.

Nguyễn Thị Bảo Toàn là một giáo viên lớp 6 thì lại khẳng định: “Tôi thấy đề này rất hay, một giáo viên phải tâm huyết với nghề với cuộc sống mới nghĩ ra được đề như vậy. Sang năm tôi sẽ cho học sinh của tôi làm bài này”.

Bạn đọc tên Long cũng bày tỏ quan điểm: “Trình độ của học sinh bây giờ rất tốt, với bài toán không quá khó này các em có thể giải được. Theo tôi những bài toán gắn liền với thực tế như thế này rất hay, và cần được nhân rộng. Làm như vậy các em sẽ biết về cuộc sống quanh mình nhiều, biết thêm về khó khăn của gia đình cũng như xã hội...


Học sinh cần có thêm những đề thi vừa sức và sáng tạo (Nguồn: News.vnn.vn)

Nickname Minhtminht79 thì khẳng định: “Rất hay! Tôi thấy đề thi này dí dỏm, thiết thực và phù hợp với các em học lớp 6. Theo tôi chúng ta phải dần cho các em thấy được những gì đang xảy ra, hiểu nó và có tư tưởng tốt, định hướng cho sau này”.

Một bạn đọc khác là Vàng cũng rất ủng hộ: “Tôi thấy đề thi này rất hay mang tính thời sự, vì thế hệ trẻ phải biết học môn toán để làm gì? không thể chỉ đơn thuần những phép cộng trừ nhân chia bình thường mà phải biết tư duy và vận dụng kiến thức vào trong thực tế”.

Đa số các ý kiến đều cho rằng: “Đây là một bài toán sát thực tế để cho các em thấy rằng toán học luôn ở quanh ta và toán học có ích cho cuộc sống”.

Trên webtretho, nick Ngonngon cũng dí dỏm: “Đề thi đúng là có tính thời sự cao, dạy cả các cháu quan tâm đến vấn đề kinh tế”.

Nickmicrosun cũng khẳng định: “Bây giờ học hành phải gắn liền với thực tiễn học phải đi đôi với hành. Sau vụ này, chắc chắn đề thi cấp 3 sẽ có giải và biện luận phương trình mà trong đó các ẩn số sẽ là sự biến thiên của giá vàng, tỷ giá USD, giá điện, giá thịt heo…”

Bảo Châu (Tổng hợp)