Từng vào nhiều vai diễn trước đó, nhưng phải đến khi hóa thân thành Thị Nở, nghệ sĩ Đức Lưu mới thực sự được biết đến và từ đó trở thành một diễn viên nổi tiếng bậc nhất.

TIN BÀI KHÁC


Ít ai biết, người đàn bà trên màn ảnh "xấu ma chê quỷ hờn" và "ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích" ấy, ở ngoài đời lại thực sự ngọt ngào, đằm thắm.

Nghệ sĩ Đức Lưu (ngoài cùng bên trái), đạo diễn Phạm Văn Khoa và diễn viên đóng vai bà Ba trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy
“Phiền toái” nhưng tự hào vì... Thị Nở

Trong kí ức của nghệ sĩ Đức Lưu những thước phim về Làng Vũ Đại ngày ấy dường như còn nguyên vẹn. Ở tuổi 70, và đã 30 năm sau ngày làm Thị Nở, ánh mắt chị vẫn rưng rưng xúc động khi ngồi nhớ lại những ngày đầy kỉ niệm ấy.

Chị kể: "Vai Thị Nở đến với tôi như một duyên nợ. Vì thời điểm đó, có rất nhiều diễn viên giỏi đã đến thử vai. Về sắc vóc, tài năng họ không hề kém mình, thậm chí còn hơn. Lúc đó có nhiều người thích nhưng không được, cũng có người đạo diễn đã chấm vai cho họ nhưng cuối cùng vì sợ xấu đi trong mắt khán giả cho nên đã từ chối". Thế là chị kết duyên thành người đàn bà xấu nhất trong văn học Việt Nam.

“Nếu cắt đi những cảnh này thì còn gì là phim nữa”

Sau khi đóng máy, cảnh quay Chí Phèo chộp ngực Thị Nở và cảnh Thị Nở khỏa thân bị cho là phản cảm. Nhiều người đã lo sợ phim công chiếu sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bộ phận thanh niên. Đức Lưu kể: "Tôi là người duy nhất trong số các diễn viên được theo dõi sự xét duyệt của phim cùng đạo diễn. Cuối cùng sau khi xem phim, đồng chí Trường Chinh, lúc đó là Tổng Bí thư đã nói: "Nếu cắt đi những cảnh đó thì còn gì là phim nữa". Cả đoàn làm phim thở phào nhẹ nhõm. Phim được nhân ra làm 7 bản chiếu ở khắp các rạp Hà Nội, người đi xem đông như ngày hội”.

Nghệ sĩ Đức Lưu kể: "Nhớ nhất là cảnh tôi phải khỏa thân để khoe bộ ngực trần trong vườn chuối. Ngày ấy là cả một sự khó khăn vì những cảnh quay như thế chưa hề có trong điện ảnh. Mình lại là người đã có chồng con nên rất ngại. Mặc dù đạo diễn  Phạm Văn Khoa đã chữa cháy bằng việc thuê một cô người mẫu chuyên khỏa thân ở trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nhưng mình vẫn phải diễn cảnh cởi cúc áo ra để lộ một khuôn ngực hờ hững. Thú thực, lần đó đã phải trốn chồng để đóng".

Không ngại xấu đã đành, chị đã vượt qua cả những lời ngăn cản của chính người thân trong gia đình để đến với vai diễn Thị Nở.

"Khi biết mẹ đóng phim này, con trai và cả chồng tôi đều không thích vì cho rằng như thế sẽ mất đi hình ảnh vốn có của mình. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đóng bằng được. Vì tôi yêu nhân vật Thị Nở đến kì lạ. Khát khao được hóa thân thành người đàn bà xấu xí mà lại rất đỗi đáng thương, đáng yêu này. Sau khi phim được ra đời và công chiếu, tôi bỗng trở nên nổi tiếng. Nhưng cái sự nổi tiếng lúc này lại đi kèm với nhiều tai ương, phiền toái. Cái tên Đức Lưu vô tình bị bỏ quên, thay vào đó đi đâu cũng được gọi là Thị Nở”, Đức Lưu kể.

Con trai cả của chị lúc đó đang học lớp 10 trường Chu Văn An thường xuyên bị bạn bè trêu chọc là con của Thị Nở. Có lần nó đã đánh nhau với một cậu bạn chỉ vì câu nói: "À thì ra mày là đứa con được sinh ra ở cái lò gạch cũ của Chí Phèo, Thị Nở à?".

Thậm chí, nhiều người biết nhà chị, đi qua thường tò mò ngó nghiêng, đến nỗi chồng chị bực mình quá treo luôn một bức rèm ở ngoài cửa trong suốt mấy năm liền. Ấy thế nhưng chị vẫn tự hào vì được nhiều người yêu quý, mến mộ. Họ gọi chị bằng cái tên Thị Nở đầy trìu mến với tất cả sự tôn trọng. Ra chợ, lúc nào cũng có người cho thịt, cho cá chỉ vì họ thấy chị vào vai Thị Nở hay và tội nghiệp quá nên thương. Ngày đó cả gia đình chị còn thuê nhà ở 54 phố Mã Mây, mỗi lần ra ngõ là lại có người hỏi: "Thị Nở đi đâu đấy, dần dần rồi cũng quen, thấy ai gọi bằng cái tên này là mình lại mỉm cười chào lại".

Cười rũ rượi vì hoá trang quá đạt

Để vào vai Thị Nở với gương mặt ma chê quỷ hờn là một việc không hề đơn giản. Hàm răng nhấp nhô với những chiếc đen sì được đạo diễn Phạm Văn Khoa đặt hàng từ Bệnh viện Việt-Đức. Hai bên má Đức Lưu phải ngậm bông băng sao cho bạnh ra để bề ngang rộng hơn bề dài. Cái mũi to nhờ được đắp thêm cao su có bôi phẩm màu đỏ. Cặp môi vốn mỏng mảnh của chị luôn được vẽ sao cho vừa sần sùi vừa thô dày.

Nghệ sĩ Đức Lưu hiện nay
"Mang khuôn mặt đó trong vòng gần một năm trời cũng đủ mệt", chị dí dỏm nhớ lại. Sau lần hóa trang đầu tiên, khi tôi xuất hiện ở đoàn phim, mọi người vỗ tay cười ồ lên: "A Thị Nở đây rồi". Những ngày đầu chưa quen với hình ảnh kì dị này, tôi và diễn viên Bùi Cường - người vào vai Chí Phèo cứ nhìn nhau cười rũ rượi, đến nỗi không thể diễn được”, chị kể.

“Còn nhớ trong cảnh Thị Nở ra sông lấy nước trong một buổi tối trăng sáng vằng vặc, lúc đó soi thấy bóng mình dưới sông, tôi không nín được bật cười sặc sụa. Hàm răng giả rơi xuống nước, khiến anh em trong đoàn phim thay nhau mò mẫm mãi mới tìm thấy.

Ngày đó diễn viên phải dậy từ 4, 5h sáng để hóa trang và chuẩn bị. Mình đóng phim thì phải chấp nhận. Ấy thế mà bà con nông dân còn dậy sớm hơn mình chỉ để xem Chí Phèo, Thị Nở. Họ kéo nhau đến từ rất sớm dù trường quay lúc đó là ở bờ sông, ẩm thấp, hôi hám và ruồi muỗi rất nhiều.

Có người ngày nào cũng ra xem, họ còn xin được sờ vào mặt Thị Nở cho thỏa sự tò mò, nhưng rồi vẫn thắc mắc: "Làm sao mà người ta có thể hóa trang cho chị xấu đến thế, mà trông vẫn giống như thật!". Sau này, khi đã rời xa màn ảnh và chuyển sang công tác tại Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, đi đâu chị cũng được giới thiệu: "Đây là chị Đức Lưu, người đóng vai Thị Nở", Đức Lưu hồi tưởng.

Sau bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy, Đức Lưu được nhiều họa sĩ tìm đến. Trong đó có những bức tranh do Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên vẽ tặng. Ngoài những bức chân dung của Thị Nở, có một bức vẽ chân dung Đức Lưu của họa sĩ Bùi Xuân Phái nhưng chị không giữ được, phải bán đi vì gia cảnh lúc đó quá khó khăn. Đến hôm nay, chị vẫn nhắc đến câu chuyện buồn đó với một sự tiếc nuối xen lẫn xót xa.

Không chỉ đi vào hội họa, Đức Lưu còn là nàng thơ một thời của nhà thơ cách mạng Chính Hữu, tác giả của "Đầu súng trăng treo". Trong sự hồi tưởng xúc động, nghệ sĩ Đức Lưu tâm sự: "Thực ra mối tình này đã được tính đến chuyện kết hôn. Nhà thơ Chính Hữu hơn tôi gần hai mươi tuổi. Nhưng gia đình hai bên đều rất trân trọng. Tuy nhiên sau đó vì nhiều lí do, trong đó có việc nhà thơ vì quá yêu mà sinh ra hay ghen tuông vô cớ nên cuối cùng không thể đến được với nhau".

(Theo Người Đưa Tin)