Tôi hỏi bà mua bán thế này có đủ để nuôi con cháu ăn học hay không, bà cười rất duyên: “Tôi còn nuôi cả ông chồng đi làm quan dưới tỉnh nữa kìa!”...
 
TIN BÀI KHÁC

Dường như được kết tinh từ những giọt nước trong vắt đầu tiên của dòng Nậm Thi – dòng nước thượng nguồn mù sương tiếp nước sông Hồng ngay cửa ngõ thành phố Lào Cai. Người ta nói đất Mường Khương là quê hương của những đặc sản ngon nhất vùng cao Lào Cai là thế.
 
Ai có thể quên món lạp xưởng gác bếp bằng củi mía ăn với chén cơm gạo Séng Cù chấm với tương ớt Mường Khương giữa lưng trời Pha Long mù sương? Ai có thể quên mùi mắc khén nồng nàn trong bát thắng cố ngựa nhấm nháp với chén rượu Cốc Ngù ở Nậm Chảy?
 
Phu nhân vị phó giám đốc sở cùng với gánh xôi bảy màu nơi góc chợ phiên.

Lùng Sáng Lềnh, cái họ khá quen thuộc của người Nùng Dín, một nhánh người Nùng vùng cao nổi tiếng với nghệ thuật tranh cắt giấy hay món đặc sản thịt gừng được làm từ xương và cái gánh xôi. Bà nói, bà đã ngồi ở góc chợ phiên này từ lúc cô con gái đầu lòng còn chưa sinh ra và bà chỉ bán duy nhất một món: xôi bảy màu. Tôi đến nhà bà Lềnh lúc gần nửa đêm, đó là thời khắc bà đồ món xôi cho phiên chợ sớm mai.
 
Ai có thể quên nắm xôi bảy màu nóng hực ngày đông lạnh giá ở góc chợ phiên Mường Khương? Mà cũng thật lạ, giữa hai lần gặp gỡ là khoảng thời gian dài đến 15 năm mà cái góc chợ đó, con người đó vẫn nguyên phong vị cũ, bóng dáng cũ...
 
Ngồi bên bếp than hồng ấm áp, bà Lềnh kể: với người Mường Khương, xôi bảy màu không chỉ là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ tết mà còn là nét văn hoá ẩm thực mang giá trị tâm linh sâu sắc. Mỗi sắc màu tượng trưng cho một tháng trong cuộc chiến xa xưa ứng với bảy tháng trong năm tại vùng đất này.
 
Màu xanh lá chuối là màu của yên bình, màu đỏ thẫm, biểu tượng cho máu của những người đã anh dũng hy sinh, màu vàng biểu tượng cho sự đau thương ly tán, màu đỏ tươi biểu tượng cho chiến thắng… Và gánh xôi của bà đặc biệt hơn những gánh xôi khác là bà bán quanh năm, không cần chờ đến ngày tết hay chợ phiên.
 
Nhìn cách thức bà Lềnh đồ xôi thật tỉ mỉ như người ta đang thực hiện một tác phẩm hội hoạ nào đó. Những hạt gạo nếp to tròn được lựa chọn cẩn thận, chỉ mới qua nước vo đầu tiên mà đã nghe hương thơm của núi rừng, đó là loại nếp được trồng trên núi cao, mà mỗi năm chỉ trồng đúng một vụ.
 
Cách ướp màu xôi của bà Lềnh mới tài tình làm sao, không hề có một thứ phẩm màu nào, nó như kết hợp giữa nghệ thuật phối màu hội hoạ với bàn tay biến tấu tài tình của người phụ nữ Nùng Dín này. Màu sắc phải đi kèm với hương vị núi rừng có sẵn như lá cây đỏ đen, cây hoa vàng, lá cẩm hoa hay củ nghệ...
 
Đã hơn 20 năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, bà Lềnh lại gùi gánh xôi nặng trĩu ra ngồi nơi góc chợ quen thuộc cho dù hôm ấy là chợ phiên hay chợ ngày. Dường như bà Lềnh không chỉ bán xôi mưu sinh, mà khách tìm đến bà để thưởng thức xôi và nghe giai thoại xuất xứ của món xôi bảy màu. Nhiều người ở Mường Khương nói với tôi rằng: bà Lềnh đúng là một nghệ nhân, nghệ nhân bán xôi.
 
Tôi hỏi bà mua bán thế này có đủ để nuôi con cháu ăn học hay không, bà cười rất duyên: “Tôi còn nuôi cả ông chồng đi làm quan dưới tỉnh nữa kìa!”. Hỏi ra mới biết bà chính là phu nhân của ông Nùng Tráng Phìn, Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai. Bà Lềnh bảo rất ít khi bà xuống thành phố bởi không quen phong thổ dưới ấy và về dưới chẳng làm gì, rất chán. Và cũng chưa một lần chồng bà rời nhà vào ngày đầu tuần để đi làm quan dưới phố mà lại thiếu gói xôi bảy màu mang theo.
 
Với người Mường Khương, vùng đất của cộng đồng 14 dân tộc anh em sinh sống, chất núi rừng luôn đầy ấp trong từng góc phố, từng mái nhà và ai một lần đến đó chắc hẳn sẽ khó có thể nào quên hương vị của gánh xôi bảy sắc, của món lạp xưởng heo núi, hay chén cơm Séng Cù nồng nàn trong sương khói…
 
Từ Hà Nội, bạn có thể đáp chuyến tàu đêm lên Lào Cai và theo con đường độc đạo 4D dài 53km lên Mường Khương. Từ đó bạn có thể chọn cho mình một “không gian chợ phiên” với hàng loạt phiên chợ nổi tiếng nhất vùng Tây Bắc như Mường Khương, Bắc Hà, Cán Cấu, Cốc Ly…
 
Được: Một bộ sưu tập độc đáo trước ống kính của bạn về hàng chục sắc màu của cộng đồng các dân tộc trong các phiên chợ cùng với bộ sưu tập ẩm thực các món ăn dân tộc thuần tuý nhất miền Tây Bắc.
 
Chưa được: Dịch vụ lưu trú còn quá ít, người dễ tính có thể “ngủ bụi” trong các nhà nghỉ của thị trấn Mường Khương, Bắc Hà. Chuẩn bị tinh thần để đi bộ, vì đường khá xấu và hay tắc đường trong mùa mưa.

 (Theo SGTT)