Theo số liệu điều tra của ngành địa chất, tính đến năm 1998 trên toàn lãnh thổ nước ta đã phát hiện được 253 nguồn địa nhiệt, có nhiệt độ từ 30 độ C trở lên (chưa kể đến những nguồn được phát hiện bởi các lỗ khoan dầu khí ở thềm lục địa biển Đông).
 
TIN BÀI KHÁC

Năng lượng địa nhiệt là năng lượng được tách ra từ nhiệt trong lòng Trái Đất. Năng lượng này có nguồn gốc từ sự hình thành ban đầu của hành tinh, từ hoạt động phân hủy phóng xạ của các khoáng vật, và từ năng lượng mặt trời được hấp thụ tại bề mặt Trái Đất. Chúng đã được sử dụng để nung và tắm kể từ thời La Mã cổ đại, nhưng ngày nay nó được dùng để phát điện.
 
Địa nhiệt phân bố khắp lãnh thổ Việt Nam, cho phép sử dụng rộng rãi ở qui mô địa phương. Nhiều nguồn xuất lộ ở các địa bàn nông thôn, miền núi, nơi mạng lưới điện quốc gia chưa có điều kiện vươn tới.
 
Là nguồn tài nguyên tái tạo, địa nhiệt có thể khai thác sử dụng lâu dài, với công nghệ khai thác tương đối đơn giản, có thể lấy từ những mạch lộ trên mặt đất hoặc trong giếng khoan không sâu. Việc vận hành các cơ sở năng lượng địa nhiệt có thể thực hiện liên tục, không kể ngày đêm, không phụ thuộc vào thời tiết nên năng suất cao hơn, chu trình sản xuất ngắn hơn so với năng lượng mặt trời, gió. Địa nhiệt còn là dạng năng lượng sạch.
 
Khai thác năng lượng địa nhiệt có hiệu quả về kinh tế, có khả năng thực hiện và thân thiện với môi trường, nhưng trước đây bị giới hạn về mặt địa lý đối với các khu vực gần các ranh giới kiến tạo mảng. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật gần đây đã từng bước mở rộng phạm vi và quy mô của các tài nguyên tiềm năng này, đặc biệt là các ứng dụng trực tiếp như dùng để sưởi trong các hộ gia đình. Các giếng địa nhiệt có khuynh hướng giải phóng khí thải nhà kính bị giữ dưới sâu trong lòng đất, nhưng sự phát thải này thấp hơn nhiều so với phát thải từ đốt nhiên liệu hóa thạch thông thường. Công nghệ này có khả năng giúp giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu nếu nó được triển khai rộng rãi.
 
Hiện, ở Việt Nam, nguồn năng lượng này mới chỉ dừng lại ở việc sấy nông sản qua việc thí điểm sử dụng hai nguồn nước nóng Mỹ Lâm (Tuyên Quang) và Hội Vân (Bình Định). Các ứng dụng này đều khẳng định hiệu quả của việc sử dụng năng lượng địa nhiệt để sấy.
 
Với những tiềm năng trên, các nhà khoa học kiến nghị, cần quan tâm điều tra nghiên cứu chi tiết hơn và sớm đưa vào khai thác sử dụng nguồn địa nhiệt, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi.
 
 (Theo Đất Việt)