Do nghe “hồn” phán, gia đình liệt sĩ Hoàng Văn Vĩnh, SN 1945, hy sinh tại mặt trận phía Nam năm 1967 đã bốc mộ của một người mất năm 1998.
TIN BÀI KHÁC
NSƯT Chí Trung và gia tài 1.000 cổ vật
Một thủy thủ người Việt chết tại Urugoay
Hiện tượng “áp vong”: “Hồn nhập” hay ám thị?
Việc đau lòng do một gia đình ở Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Nghệ An thực hiện vào ngày 6/6, tại nghĩa địa Võ Xá, Trung Sơn, Gio Linh, Quảng Trị. Do ở xa nơi chôn cất người thân đã khuất, nên đến hai ngày sau đó gia đình nạn nhân mới biết hung tin. Công an huyện Gio Linh đã khẩn trương làm rõ vụ việc.
Gia đình anh V. (anh V. yêu cầu không đưa danh tính), quê quán Võ Xá, Trung Sơn, hiện trú thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, bàng hoàng kể lại: "Ngày 8/6, tôi và gia đình vô cùng hoang mang khi biết hung tin phần mộ của ba tôi chôn cất ở nghĩa địa Võ Xá đã bị đào và lấy hài cốt. Ba tôi mất năm 1998, hưởng dương 48 tuổi và được đưa về quê nhà an táng. Nay gia đình tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh qua chụp ảnh và quay phim về quá trình tổ chức đám tang và chôn cất ba của mình. Ngay khi nghe hung tin, tôi và gia đình đã nhanh chóng đến trình báo sự việc với Công an huyện Gio Linh".
Thượng tá Lê Phương Nam, Phó trưởng Công an huyện Gio Linh cho biết, Công an huyện đã khẩn trương xác minh thông tin, điều tra vụ việc. Đến ngày 9/6, các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ biết được phần mộ của ba anh V. được an táng ở một nơi rất xa, nghĩa trang liệt sỹ xã Tân An, Tân Kỳ, Nghệ An. Điều oái oăm và xót xa là gia đình thực hiện an táng cứ nghĩ đó là hài cốt của người thân, là liệt sĩ Hoàng Văn Vĩnh, sinh năm 1945, hy sinh tại mặt trận phía Nam năm 1967.
Huyệt mộ có chủ bị cất bốc nhầm vào ngày 6/6. |
Anh Tùng hối hận kể lại: "Khi hay tin bốc nhầm mộ, cha mẹ, chú bác và bà con tôi vô cùng hoảng loạn. Ngày 5/6, tôi cùng 6 người khác đều là anh em và cháu ruột của liệt sỹ Vĩnh vào Quảng Trị để tìm hài cốt liệt sỹ Vĩnh. Trước đó, gia đình chúng tôi tìm đến một cơ sở "ngoại cảm" ở thị trấn Nam Đàn, Nghệ An nhờ giúp đỡ. Tại đây, khi cơ sở này làm một số thủ tục cúng bái, gọi hồn, thì Hoàng Thị Thu (24 tuổi), là em ruột của tôi, bỗng dưng thay đổi sắc mặt, lời nói biểu hiện khác thường.
Gia đình chúng tôi nghĩ, liệt sỹ Vĩnh đã nhập hồn vào cháu gái để chỉ đường và địa điểm hy sinh. Thế là gia đình chúng tôi quyết định nghe theo lời chỉ dẫn của "hồn" và các hướng dẫn của cơ sở ngoại cảm này, đi vào Quảng Trị để tìm, cất bốc hài cốt liệt sỹ Vĩnh.
Thân nhân liệt sỹ Hoàng Văn Vĩnh trình bày nội dung vụ việc. |
Sau khi nghe anh Tùng trình bày sự việc, anh V. và người trong gia đình nước mắt ròng ròng, nói: "Gia đình chúng tôi rất bức xúc về sự việc, song thấu hiểu nỗi mất mát người thân qua bao năm tìm kiếm trong vô vọng nên chúng tôi rất thông cảm với nỗi đau của gia đình liệt sỹ Vĩnh. Cầu mong cho gia đình anh Tùng sẽ sớm tìm được hài cốt của người thân".
Thượng tá Lê Phương Nam trầm ngâm: "Đây là bài học cho những ai tin vào mê tín dị đoan; việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ rất cần các thông tin chính xác, khoa học; đặc biệt là các thông tin và sự trợ giúp từ đồng đội của liệt sĩ, hay cơ sở cách mạng nơi bộ đội hy sinh".
Theo bác sỹ Đỗ Thanh Tuấn, Phó trưởng Khoa Nội 2, Viện Y học hàng không, thì những người tự nhận mình nhìn thấy vong, là con của thần thánh bị xếp vào nhóm bệnh nhân mắc "Hội chứng lên đồng" - một nhóm bệnh nằm trong bảng phân loại về các loại bệnh tâm thần đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào mục F44.3. Đáng chú ý, khi một người nào đó thành tâm đi đến gặp ông đồng, bà cốt với mục đích là gọi hồn, triệu vong thì tâm tưởng của người đó đã bị ám ảnh bởi chuyện vong nhập, hồn về. Thường thì nó rơi vào những người thần kinh yếu, sức khỏe không tốt, chủ yếu rơi vào phụ nữ. |
(Theo Công an nhân dân)