Chị Nụ đồng nát đang ngồi trong bồn tắm của ông chủ thì bà vợ về, lấy cây lau nhà đập vào mặt chị trong khi lão chồng đứng nhìn. Những cái bẫy tình giăng ra với người buôn sắt vụn đôi khi không phải chỉ là cuộc đánh đổi tình- tiền mà các chị còn phải đổi bằng máu trong những trận đòn thù dã man. 


TIN LIÊN QUAN:

Một ngày cuối tháng 5, tôi gặp chị Nụ, quê Thái Bình, khi chị đầu chị quấn băng trắng xóa nằm trong căn nhà trọ lợp tôn nóng hầm hập ngoài bãi Phúc Xá, gần cầu Long Biên. Chị Nụ thì thào khi tôi ngồi đút thìa cháo cho chị: “Bà vợ ông chủ nhà ghen ghê quá nên chị mới ra nông nỗi này”.

 

Theo lời chị Nụ, từ tháng ba năm nay, thỉnh thoảng chị lại đi dọn nhà cho một ông trung niên ở phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân. Vợ ông ấy hay đi công tác xa, có khi chị dọn nhà rồi ở lại “qua trưa” với ông chủ. Khi xong việc, ông ta lại đưa chị lúc 300 ngàn, lúc 500 ngàn đồng coi như cũng đủ ngày công buôn sắt.
 
Nhưng bỗng một hôm, bất ngờ vợ anh ta về nhà, lại có chìa khóa riêng, khi đó chị đang ngâm mình trong bồn tắm đầy bọt. Bà vợ ấy lẳng lặng đóng cửa lên nhà, khi phát hiện ra chị, bà ta lôi chị ra lấy gậy lau nhà đập liên tiếp vào đầu, vào mặt rồi đuổi chị về. Ông chồng đứng nhìn trân trân không dám nói một lời. “Lấy được mấy đồng của lão ấy mà thấy nhục quá, giờ thì chừa vậy”, chị Nụ thều thào.
 
Theo chị Nụ, dù lấy cớ vào mua sắt là cái vỏ bọc rất tốt, nhưng nếu cứ thường xuyên, đều đặn chỉ một người vào mua sắt sẽ rất dễ khiến hàng xóm sinh nghi, những lời đồn thổi có thể đến tai các bà vợ và đó là nguồn cơn của các trận đánh ghen kinh hoàng.
 
Chuyện người buôn đồng nát bị đánh ghen không phải chuyện riêng của chị Nụ. Theo kinh nghiệm của các chị rút ra các vụ đánh ghen, ban đầu các bà vợ thường không để ý vì chủ quan khinh địch, nghĩ các đức ông chồng sẽ không tòm tem với các chị, vốn chân tay chai sạn, người đầy mồ hôi. Tuy nhiên, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra bởi lời ong tiếng ve của hàng xóm, hoặc đôi khi cái tóc dài vương đầu giường, mà có khi chỉ là linh cảm của người phụ nữ cũng có thể dẫn đến trận đòn thù.
 
Chị Lê Thị Thu, quê Ninh Bình, ra ở làng Phùng Khoang, Từ Liêm để buôn đồng nát tại Hà Nội đã ba năm kể: “Hôm trước chúng tôi đang đi gom hàng ở Thanh Xuân, thấy vụ đánh ghen đồng nát kinh hoàng. Bà vợ nhà đó lôi cô đồng nát ra giữa đường, một tay túm tóc, một tay lấy ngay cái ống nhựa trong bao đồng nát vụt túi bụi vào người cô ấy rồi la lối ầm ĩ, mạt xát người ta là đã "đũa mốc còn dám chòi mâm son", định tìm đường vào chiếm chồng, chiếm nhà bà ấy. Chúng tôi thấy bà ấy đánh ghen ghê quá, nên phải nhờ mấy bác cựu chiến binh về hưu đến can ngăn, giải cứu rồi chị em băng bó, đưa nhau đi”.
 
Theo chị Thu, thực sự nhiều chị em cũng chỉ vì quá túng thiếu, lại bị cám dỗ bởi lời đường mật của mấy ông chủ nhà, nghĩ rằng chuyện qua đường đó thì không ai hay biết, tặc lưỡi làm liều chứ ít người dám có ý định tiến xa.
 
Trong những ngày tháng đi tìm hiểu về nghề buôn đồng nát, có đến trên 50% chị em được hỏi nói rằng ít nhất một lần họ đã đối mặt với bẫy tình. Nhưng số người dính bẫy chỉ là số ít, muốn thoát bẫy cũng không phải là không có cách. 

Chị Hoàng Thị Lan, người Thanh Hóa, mới 31 tuổi, dáng người dong dỏng cao, chị đang trọ tại khu Cổ Nhuế cũng thường xuyên bị gạ tình, nhưng chị bảo: “Có thể chỉ một số ít chị em nhắm mắt đưa chân, chứ đa số chúng tôi vẫn làm ăn chân chính”. 

Chị Lan chia sẻ kinh nghiệm: “Khi mình rao ai mua đồng nát, thấy ông nào lưỡng lự, ra cổng nhìn người từ xa rồi mới gọi thì phải coi chừng, còn những ai mà gọi đồng nát vọng từ trong nhà ra thì có thể yên tâm. Ngoài ra, tốt nhất trong người nên có một chiếc dao bấm phòng thân, nhỡ bị cưỡng ép thì có cái tự vệ. Khi bị ép nên nói nhẹ nhàng, có thể nói đại là mình bị HIV, sẽ khiến mấy ông ấy chùn tay”. 

Nhưng theo chị Lan, rất ít khi xảy ra tình huống cưỡng ép, chủ yếu là những chiêu thức mua chuộc của chủ nhà. Cách tốt nhất là tránh từ xa, nếu thấy nhà chủ chỉ có một người nam giới thì không nhận lời quét dọn, nếu chủ có sắt vụn thì yêu cầu mang ra cửa, cân ở ngoài đường để tránh hoàn cảnh có thể tạo cơ hội cho những lời ong bướm. 

“Nhìn chung các chị em đi làm nghề này đều có hoàn cảnh khó khăn, nhưng với đa số chúng tôi, làm vất vả thế này cũng vì chồng, vì con, cố gắng kiếm tiền cho con ăn học. Thế nên nếu phải đánh đổi cái việc nhơ nhớp kia để lấy tiền cho chồng, cho con thì lương tâm không thanh thản và có thể đứa con cũng sẽ không được hưởng phúc phận.
 
Đa số chị em chúng tôi vẫn tự giữ mình, thôi thì vất vả một tí nhưng tối ngủ ngon, không bị hổ thẹn với con mình, thà đổ mồ hôi kiếm tiền mà thanh thản còn hơn đổi tình lấy tiền mà nơm nớp lo sợ, hổ thẹn với con”, chị Lan bộc bạch.

Theo PLXH