Các cầu vượt: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch có thể sẽ phải buộc phải phá bỏ nếu xây dựng đường trên cao dọc tuyến vành đai 2 của Hà Nội.

TIN BÀI KHÁC


Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo một số giải pháp xây dựng hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam được tổ chức sáng 17/6 tại Hà Nội.

Theo PGS. TS Nguyễn Quang Đạo, Trường Đại học Xây dựng, Hà Nội đang tính chuyện xây dựng đường trên cao dọc tuyến vành đai 2. Tuy nhiên, hiện nay có một vấn đề khó khăn là nếu xây dựng đường trên cao trên tuyến này thì sẽ giải quyết bài toán các cây cầu vượt như thế nào.

Cầu vượt Ngã Tư Sở mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã lại bị tính chuyện phá bỏ để xây đường trên cao (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp)

PGS. TS Nguyễn Quang Đạo cho biết, dọc tuyến hiện có 3 cầu vượt cho nên nếu xây dựng đường trên cao sẽ rất khó trong việc kết nối. “Nếu xây đường trên cao vượt qua các cây cầu vượt này thì chi phí sẽ rất tốn kém. Nối tiếp vào cũng không được. Hiện biện pháp được nhiều chuyên gia tính đến và được coi là tiết kiệm hơn cả là phá đi làm lại”, PGS.TS Nguyễn Quang Đạo cho biết.

Theo PGS.TS Đạo sở dĩ có việc trên là do từ trước đến nay chúng ta không coi trọng tiến trình quy hoạch. Quy hoạch chi tiết thường duyệt trước quy hoạch chung đô thị, dẫn đến việc phá đi làm lại. Đây là những sai sót không thể sửa chữa được.

Đường trên cao ở BangCoc (Thái Lan)

Theo Kế hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô do Sở Giao thông vận tải đang xây dựng, từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng 6 tuyến đường trên cao trên các tuyến đường vành đai 2; 3; 3,5 và một số trục đô thị chính.

Dự kiến, 5 năm tới Hà Nội sẽ đầu tư khoản kinh phí khoảng hơn 50.000 tỷ đồng xây dựng 6 tuyến đường trên cao gồm: Đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư vọng, kinh phí khoảng 6000 tỷ đồng; đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Cầu Giấy (cả đường bộ và trên cao), mức kinh phí đề xuất gần 14.000 tỷ đồng; tuyến trên cao từ cầu Thăng Long – Mai Dịch với kinh phí gần 5.800 tỷ đồng; tuyến trên cao từ Mai Dịch đến Linh Đàm với kinh phí hơn 8.200 tỷ đồng.

Đó là những tuyến đường dự tính sẽ xây dựng trên các tuyến vành đai. Với các trục đô thị chính, Hà Nội cũng dự tính xây dựng 2 tuyến đường trên cao. Tuyến thứ nhất Kiến Hưng – Kim Giang – Lê Trọng Tấn- Tôn Thất Tùng – Phạm Ngọc Thạch – Ga Hà Nội sẽ xây dựng tuyến đường trên cao đoạn từ vành đai 2 đến vành đai 3,5.

Toàn bộ kinh phí của trục đường trên sẽ gốn khoảng 12.000 tỷ đồng. Tuyến tiếp theo: Phú Đô – Yên Hòa – Bảo tàng Dân tộc học – Xuân La cũng sẽ làm đường trên cao từ vành đai 2 đến đại lộ Thăng Long, với mức kinh phí gần 8.000 tỷ đồng.

Hiện kế hoạch này và một loạt các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố vẫn đang được Sở Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện để sớm trình lãnh đạo thành phố quyết định.

Mới đây, UBND Hà Nội đã có văn bản giao Sở Giao thông vận tải xây dựng đề án nghiên cứu về xây dựng các tuyến đường trên cao trình lãnh đạo thành phố xem xét phê duyệt.

(Theo Vnmedia)