Nửa chiếc bánh mì cho bữa sáng, một nửa dành bữa trưa; lương ba cọc ba đồng nuôi hai con nhỏ, đỡ đần đứa em ra ngẩn vào ngơ. Thế mà số mệnh cũng không buông tha cho nữ công nhân nghèo khó…
TIN BÀI KHÁC

Từ công ty Giai Đức, nơi tay bảo vệ mất nhân tính đạp ga, lao thẳng ô tô vào đám đông công nhân đang tụ tập đòi tăng lương, tăng tiền ăn ca, chúng tôi theo chiếc xe tang đưa thi hài chị Nguyễn Thị Liễu về quê nhà ở thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội.

Không cầm nổi nước mắt trước gia cảnh nữ công nhân xấu số
Trời mưa tầm tã nhưng hàng chục công nhân vẫn bám chiếc xe tang trên chặng đường dài hơn 10 km đưa chị về nhà. Những tiếc khóc tức nghẹn, những giọt nước mắt lăn dài từ những con mắt đỏ hoe của những cô công nhân trẻ. Một vài người thắt trên đầu vành khăn trắng dù chẳng phải anh em ruột thịt.

Anh Sơn, người làm cùng với chị Liễu nói, chị Liễu vào công ty Gia Đức được 4 tháng nhưng ai cũng yêu quý vì chị hiền lành, chăm chỉ, hay chuyện trò với mọi người. Vậy mà đời chị lại sao mong manh, yếu ớt như chính cái tên của chị như thế. Anh chị em công nhân sững người khi chứng kiến giây phút chiếc xe cán qua người, kéo chị đi ngay trong tầm tay với.

Xe tang về đầu thôn Tiến Tiên; ở đó, họ hàng, chòm xóm đợi chị trong tiếng khóc vỡ òa. Cụ Niễu là bà nội của Liễu khóc nấc: “Cháu tôi xinh đẹp, hiền hậu sao lại ra nông nỗi này. Tôi bảo nó, nhà khó khăn nhưng cứ ở nhà làm ruộng với bà thế mà nó cứ đòi đi để kiếm tiền nuôi con, nuôi em cho bằng được”.

Thân gái gánh nặng hai vai


Liễu sinh năm 1985, lấy chồng làm dâu, ở với bố mẹ chồng 7, 8 năm nay. Nhưng bố chồng nhiễm chất độc da cam đã mất; em gái chồng bị cũng chịu di chứng của chất độc, nửa tỉnh, nửa mê. Hai vợ chồng có hai mụn con, đứa 8 tuổi và đứa 5 tuổi, cuộc sống chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên thiếu thốn đủ đường. Bởi thế, nghe mấy chị em trong thôn rủ đi làm công nhân, Liễu không nề hà vất vả đi ngay để kiếm đồng lương, gánh vác việc nhà.

Chị Hiên, hàng xóm, cũng là công nhân cùng tổ với Liễu kể: “Liễu xinh đẹp và khéo léo lắm. Sáng nó mua cái bánh mì không, ăn một nửa, mời "cô ơi! cô ăn một nửa". Nhưng tôi nỡ nào ăn của nó, vì tôi biết nó thường để dành để ăn thêm bữa trưa vì cơm công nhân chẳng có gì, có miếng thịt thì mỡ lắm, nó không ăn được”.

Chị Hiên nói, trước và sau khi đi làm ở công ty, Liễu lo liệu việc nhà đâu vào đấy. Sáng khi tai nạn xảy ra, Liễu còn tuốt hết đống lúa vừa mới gặt rồi mới đến công ty và cũng chẳng kịp ăn nửa cái bánh mì như mọi ngày.

Hai đứa con của Liễu sớm thành mồ côi mẹ
Ban lễ tang tuyên bố bắt đầu nghi lễ dâng hương, cả cái rạp nhỏ dựng vội như vỡ òa. Hầu như chẳng ai cầm nổi nước mắt khi cầm nén hương thắp cho người quá cố rồi bước chân ra là hai đứa nhỏ côi cút ôm nhau. Mặt chúng cứ lơ ngơ như chưa biết mẹ sẽ không bao giờ về nữa để dạy dỗ, để mua cho chúng đồng quà, tấm bánh.

(Theo Dân Việt)