Trên thế giới và tại Việt Nam cũng thế, ở lĩnh vực giải trí, ngôi sao giữ vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ, tìm kiếm khán giả; nhiều lúc, họ tạo ra cả xu thế của thị trường.
Sao Việt và siêu xe
'Sao Việt đốn trai Tây' nhờ bát phở bò
Sao Hàn và chiếc quần mặc cũng như không
Sao Việt và biệt danh “chói tai”
Riêng những nền điện ảnh bề thế như Hollywood, Hong Kong, Bollywood, Hàn Quốc… thì người ta đã tính rành rẽ được giá trị của một ngôi sao so với chi phí, doanh thu của một bộ phim.
Gần đây, Để Mai tính và Cô dâu đại chiến là hai phim có doanh thu khá tốt tại thị trường nội địa, có thể nói câu “một vốn bốn lời”. Tuy vậy, nhưng khi đặt câu hỏi trực tiếp với các diễn viên chính trong trong hai phim này từ Dustin Nguyễn, Thái Hòa, Huy Khánh, Vân Trang, Phi Thanh Vân, Ngân Khánh, Đinh Ngọc Diệp, Lê Khánh... là bạn được trả bao nhiêu cát-sê thì họ đều trốn câu trả lời trực tiếp. Vài ý kiến thì úp mở, cho rằng đây là chuyện khó nói lắm.
Cát-sê ư? Khó nói lắm!
Sự khó nói này thường bắt nguồn từ các nhà sản xuất, khi mà họ thường không tính toán được chi phi cụ thể cho mỗi phim, hoặc cứ muốn “hét giá” để làm sang. Chứ thực ra, trong một xã hội thượng tôn pháp luật, với các chế tài về tài chính, thuế má rõ ràng thì việc che giấu cát-sê hoặc nói không trung thực sẽ dễ dàng bị phát giác.
|
Thái Hòa và Dustin Nguyễn trong phim "Để Mai tính" |
Theo tin từ nhân viên tài chính của một nhà sản xuất (muốn giấu tên) cho chúng tôi biết Thái Hòa trong phim Để Mai tính đã nhận được cát-sê là 80 triệu đồng. Trong phim sắp công rạp là Long Ruồi, anh nhận được 200 triệu đồng, cao hơn mức mà nhà sản xuất Cô dâu đại chiến đề nghị trả cho anh (150 triệu đồng). Ban đầu, phía nhà sản xuất Long Ruồi muốn trả cho Thái Hòa khoảng 5 ngàn USD, nhưng khi nghe phía bên kia đánh tiếng cao hơn, họ không muốn chia hình ảnh diễn viên nên đã tăng gấp đôi. Đem điều này hỏi trực tiếp Thái Hòa, anh cũng từ chối trả lời.
Johnny Trí Nguyễn thì cho biết không có con số cố định cho việc này, tùy vào thể loại phim mà hai bên có sự thương lượng khác nhau. Những phim thương mại, được đầu tư khá, cát-sê cho diễn viên chính có thể dao động từ 10 đến 20 ngàn USD, những phim nghệ thuật thì thấp hơn, có khi đóng miễn phí. Nhiều diễn viên còn kiếm được tài trợ, nên có thể tăng thêm phần thu nhập.
Tất nhiên cát-sê không thể tính với những trường hợp “đột biến” như việc Lê Văn Lộc đóng trong phim Cyclo hay Đỗ Hải Yến trong Người Mỹ trầm lặng, với các nhà sản xuất hùng hậu của phương Tây.
Bao giờ cho tới ngày xưa…
Điện ảnh phía Nam giai đoạn “mì ăn liền” (cuối thập niên 1980 đầu 1990) đã sản sinh ra một thế hệ ngôi sao mới như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Công Hậu, Thu Hà... mà sự xuất hiện của họ đảm bảo doanh thu cho phim.
Thời đó, Lý Hùng, Việt Trinh... từng được trả 30 triệu đồng cho một phim video, quy ra vàng thì khoảng 10 cây, tương đương với 20 ngàn USD bây giờ; nhưng thời đó nhà cửa đất đai, vật giá tiêu dùng đều rẻ hơn rất nhiều.
Sự khác biệt của một cộng đồng điện ảnh có diễn viên ngôi sao hay không là ở việc các nhà sản xuất phải tranh thủ, thậm chí “chen lấn” để có được diễn viên đó. Lý Hùng, Việt Trinh... từng như vậy, điều này cắt nghĩa vì sao trong thời gian ngắn (khoảng 10 năm) mà Lý Hùng đã đóng hơn 90 phim, phần lớn là vai chính.
|
Nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng, ngôi sao một thời của điện ảnh Việt Nam, với số cát-sê “vô tiền kháng hậu” |
Thời đó, phim được chiếu lưu động, chỉ cần nghe có tên Lý Hùng là người dân đã đi xem; một nhà làm lịch cho biết có năm in mấy triệu tờ lịch với chân dung Lý Hùng đã bán hết vèo.
Trước 1975, Thẩm Thúy Hằng là ngôi sao bảo đảm doanh thu và có lãi cho nhà sản xuất. Nhiều phim thời đó có kinh phí sản xuất trung bình vào khoảng 4-5 triệu đồng, cát-sê của nữ tài tử này đã là 1 triệu đồng (tương đương 1 kg vàng, tức gần 27 cây vàng 9999), chiếm hơn 1/5 kinh phí sản xuất. Một tỷ lệ cát-sê chưa có sự lặp lại trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Cát sê diễn viên và doanh thu phim
Việc các diễn viên Việt Nam hay giấu cát-sê của mình vì nghĩ nó còn thấp (hoặc muốn làm giá) là một suy nghĩ không đúng đắn và có hại cho bản thân. Vì ngôi sao là người bảo đảm doanh thu cho phim nhờ có sức hút với nhà tài trợ và công chúng, nên họ được trả cát-sê cao hơn những người khác là điều hiển nhiên.
Đạo diễn Phillip Noyce từng chia sẻ, khi làm Người Mỹ trầm lặng tại Việt Nam, dù tài tử gạo cội Michael Caine đã nhận lời tham gia, nhưng vẫn không đủ kinh phí sản xuất, chỉ đến khi Brendan Fraser đồng ý, thì chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, nhà sản xuất đã dư tiền (vì có thêm nhà tài trợ).
Dù thị phần điện ảnh tại Việt Nam còn nhỏ, nhưng trong khoảng 5 năm qua, sự tăng trưởng là khá ngoạn mục. Vài phim Việt đã vượt qua cột mốc doanh thu 20 tỷ đồng trước đây để vươn lên 40 tỷ đồng. Cho nên, ngay bây giờ, điện ảnh Việt Nam phải có ý thức về việc tạo ra những ngôi sao thực thụ (ít nhất là trong mối tương quan nội địa) nhờ vào việc đảm bảo cát-sê thích đáng cho những người có tài. Bởi như đã nói, ngôi sao sẽ giúp một phần quan trọng trong việc bảo đảm doanh thu cho phim, mà khi có doanh thu ổn định thì các nhà sản xuất mới mạnh dạn đầu tư vào những dự án chất lượng hơn.
Theo Thể thao văn hóa