Sự ẩn hiện của bích họa liên quan đến nước, mà người dân trong vùng đồn rằng đây là những hình vẽ của ma quỷ.

Cho đến lúc này, những hình vẽ trên mái đá thuộc dãy núi Cửa Chùa (Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình) vẫn hoàn toàn bí ẩn, chưa được nghiên cứu, giải mã gì cả. Người phát hiện và nghiên cứu rất sớm là Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên, Phó GĐ Sở VHTT&DL Ninh Bình. Tuy nhiên, trong các tài liệu nghiên cứu văn hóa của mình, Thạc sĩ Luyên cũng chỉ có vài dòng mô tả những bức họa này, chứ chưa đưa ra lời giải mã nào cả.


Dãy núi Cửa Chùa

Tôi đề nghị Thạc sĩ Luyên tạm đưa ra lời giải thích theo ý mình, thì ông Luyên cho rằng, có thể những hình vẽ trên vách đá là chữ tượng hình cổ, rất sơ khai. Những hình vẽ này xuất hiện vào những thế kỷ đầu công nguyên. Về chất liệu để vẽ tranh thì ông Luyên chịu, không thể biết là gì. Chỉ biết rằng, chất liệu này rất đặc biệt, tồn lại hàng ngàn năm trên vách đá, chịu mưa nắng và sự phong hóa tự nhiên, song vẫn không phai mờ.

Qua quan sát của tôi, có hai dạng hình vẽ trên vách đá này, một dạng là những nét ngang dọc, cong lượn, khá giống chữ tượng hình, một dạng là hình vẽ mô tả người và các hành động. Những hình vẽ người rất đơn giản, sơ lược, mang tính cách điệu cao. Hình vẽ mô tả nhiều cảnh nhảy múa và đao kiếm, gồm cả nam, nữ, già trẻ. Xét ở góc độ nào đó, cũng có thể suy diễn đây là một hình thức tế lễ tối cổ của thời bộ tộc, bộ lạc xa xưa.


Hình vẽ hiện dần theo dòng nước.

Việc giải mã các bức họa có lẽ giành cho các nhà khoa học có chuyên môn sâu. Nhưng chuyện thú vị nhất với tôi là chất liệu để tạo nên những bích họa bí ẩn này cũng như những truyền thuyết mà người dân kể quanh nó.

Như đã nói ở kỳ trước, trong hoàn cảnh bình thường, không hề nhìn thấy bích họa đâu, trên vách đá chỉ một màu trắng, xám của đá, thế nhưng, khi dội nước thì màu đỏ ối dần hiện lên. Dội nước càng nhiều, màu đỏ càng sắc nét và khi nước trên vách đá khô dần, thì bích họa cũng mờ dần, nước khô hẳn, thì bích họa cũng biến mất hoàn toàn, như thể lặn sâu vào vách đá.


Khi nước khô thì bích họa cũng mờ dần rồi biến mất.

Theo ông Trần Xuân Quang, Trạm trưởng Trạm du lịch Vân Long, những bích họa trên mái đá này vốn được người dân trong vùng phát hiện rất lâu rồi, từ đầu thế kỷ 20. Chuyện rằng, người dân địa phương khi đi mò cua bắt ốc ở đầm, gặp mưa giông, đã chạy vào mái đá trú ẩn. Gió mạnh tạt nước mưa vào vách đá khiến những hình thù quái lạ hiện ra đỏ ối. Chính sự ẩn hiện của bích họa liên quan đến nước, mà người dân trong vùng đồn rằng đây là những hình vẽ của ma quỷ.


Hình vẽ người hay khỉ?

Lời đồn về hình vẽ của ma quỷ càng được người dân tin, khi cách đây 10 năm, một người đã bỏ làng vào vách đá này dựng nhà tạm và sống như một đạo sĩ. Tuy nhiên, cứ đêm ngủ, anh ta lại “thấy” những hồn ma đỏ chót như hình vẽ nhảy múa trước mặt, dao kiếm loảng xoảng, rồi tiếng cười nói quái quỷ văng vẳng bên tai. Sợ quá, anh này đập nhà trở về làng sinh sống. Dấu tích căn nhà hiện vẫn còn ngay cạnh mái đá.

Thanh niên ở quanh vùng gần như không biết đến sự tồn tại của những hình vẽ này, còn người già thì kể chuyện đó là hình vẽ của ma quỷ, nên chẳng ai dám mò vào vách đá Cửa Chùa để xem hình vẽ nữa. Cứ như thế, bao năm qua, những bích họa bí ẩn này bị bỏ quên hoàn toàn.


Người cưỡi xe gỗ?

Cũng có một số lời đồn khác, rằng đây là hình vẽ của người xưa mô tả về loài khỉ và voọc. Sở dĩ, người ta suy luận như vậy, vì dãy núi Cửa Chùa án ngữ trước mặt các dãy núi phía trong của khu ngập nước Vân Long, nơi loài voọc kỳ lạ và rất nhiều khỉ sinh sống. Ông Quang cho biết, thời kỳ chống Pháp, khu vực này còn rất hoang vu, khỉ sống thành đàn trên núi Cửa Chùa và thường xuyên trèo lên cây xoài cổ thụ cách mái đá không xa để hái quả ăn. Phụ nữ chèo thuyền vào núi lấy xoài còn bị bọn khỉ trêu ghẹo cướp cả nón. Những hình vẽ trên vách đá cũng tả cảnh dữ dằn, nhảy múa, nô đùa, nghịch ngợm, rất nhiều hình vừa giống người lại vừa giống thú, nên suy luận đó cũng có chút cơ sở.


Những hình vẽ kỳ lạ và khó hiểu này của quỷ hay bản đồ kho báu?

Theo ông Trần Xuân Quang, lời đồn đoán nhiều nhất về những hình vẽ trên mái đá này liên quan đến một kho báu bí ẩn. Các cụ già trong làng kể rằng, thời Bắc thuộc, người phương Bắc sang đây cướp bóc của cải. Tuy nhiên, vì của cải nhiều quá, không đem về hết được, nên họ đã giấu vào lòng núi, sau đó vẽ một tấm bản đồ bằng những hình vẽ và các ký tự lạ, mà chỉ có họ mới hiểu được. Cùng với những bức họa lúc ẩn lúc hiện trên đá này, sẽ có một tấm bản đồ với các hình vẽ, ký tự như trên vách đá họ mang về phương Bắc, làm cơ sở cho con cháu sau này đi lấy.

Ngày trước, ngay tại mái đá này, có một ngôi chùa cổ, tồn tại hàng ngàn năm trước. Ngôi chùa áp vào mái đá. Tuy nhiên, không rõ do ai đập phá, nhưng nó biến mất từ đầu thế kỷ 20. Vì dãy núi này có một ngôi chùa, nên người dân mới gọi dãy núi là núi Cửa Chùa.


Mái đá nơi có hình vẽ lạ.

Ngôi chùa mất đi, nhưng một con rùa đá khổng lồ bị mất đầu thì vẫn nằm chềnh ềnh ngay dưới mái đá. Theo lời người dân, trước năm 1945, người Trung Quốc thường qua khu vực này quan sát các hình vẽ. Người dân trong vùng không biết họ làm gì, nhưng hành tung rất bí ẩn. Khi đám người Trung Quốc biến mất, thì con rùa đá khổng lồ cũng không còn nữa. Người dân tin rằng bên trong con rùa chứa kho báu nên họ đã tìm cách khiêng cả con rùa đi. Phải chăng vì những lời đồn miệng đó nên người dân nơi đây mới tin rằng, những bích họa trên vách đá là bản đồ kho báu?

Riêng tôi thì không tin lắm những chuyện đồn đại thêu dệt như vậy. Hầu như đến vùng đất nào, nhắc đến các di chỉ khảo cổ, người dân đều đồn rằng, từng có “người Tàu” đi săn lùng, đào bới kho báu. Trước năm 1954, người dân trong làng thường vào chân dãy núi này dựng lò lấy đá nung vôi. Ngay ông nội của ông Quang cũng có một lò nung vôi ở chân núi. Người dân chỉ việc đục đá trên núi tống vào lò là có vôi dùng. Rất may là người dân đều sợ hãi những hình vẽ trên vách đá này, nên họ không dám đục vách đá nung vôi. Nhưng rất có thể con rùa đá đã… chui vào lò và thành vôi rồi.

(Theo VTC News)