Đối với những người Jrai ở thôn Dơ Bang (xã Ia Bang, Chư Prông, Gia Lai) thì sinh đôi là một chuyện lạ, bởi từ trước đến nay, ở trong thôn chưa hề xảy ra trường hợp này. Cũng chính từ suy nghĩ đó và do quan niệm còn lạc hậu, nên một trong hai cháu bé vừa mới chào đời có nguy cơ phải từ giã sự sống, nếu như không có sự khuyên can kịp thời của cán bộ y tế và Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội huyện Chư Prông.

TIN BÀI KHÁC

Ấu trĩ và lạc hậu

Trong quan niệm của đồng bào Bana, Jrai ở đây, nếu người phụ nữ lấy chồng sinh đôi, sinh ba nghĩa là bị ma ám, nên phải hủy những đứa sinh sau. Họ chôn sống hoặc bỏ các bé vào rừng để con ma không biết cách quay về quấy phá. Vì hủ tục đó mà nhiều sinh linh vừa cất tiếng chào đời đã đối diện với cái chết chỉ vì sinh ra sau anh, chị mình...

Nhiều năm qua, ở đại ngàn núi rừng Tây Nguyên này, hàng trăm đứa trẻ đã vĩnh viễn lìa xa cõi trần một cách oan uổng bởi hủ tục lạc hậu đó. Theo quan niệm của bà con người Bana, Jrai tại địa phương này, việc sinh đôi như thế là do trời phạt, và sẽ ảnh hưởng rất nhiều về sau, như khi lập gia đình thì sẽ lấy nhầm người, nếu còn sống thì sẽ làm khổ bố mẹ, dân làng… 

Vợ chồng anh Siu Droch và hai cô con gái song sinh.

Đi qua hủ tục

Từ ngày nhận công tác ở Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông, bà Lê Thị Hải Yến đã nghe hàng chục trường hợp trẻ song sinh đẻ trong nhà hay nương rẫy đã bị bỏ đi. Sau khi nhận được hung tin, bà Yến thấy lòng mình đau như cắt, vì mình đã mang tội với những đứa trẻ xấu số. Bản thân bà cũng không ít lần chịu cảnh hiểm nguy từ phía gia đình và dân làng khi trực tiếp can thiệp, tuyên truyền.

Cách đây 5 tháng, chị Siu Klơng ở thôn Dơ Bang (xã Ia Bang, Chư Prông, Gia Lai) hạ sinh đứa con thứ 2 và là con gái. Theo quan niệm của người Jrai, con gái được coi trọng hơn con trai và là tài sản quý trong nhà, nên tổ chức cúng bái ăn mừng. Hôm sau, chị Klơng vẫn đau quằn quại và băng huyết liên tục. Chị được gia đình đưa đến Bệnh viên huyện Chư Prông trong tình trạng nguy kịch. Các y bác sỹ đã cấp cứu và phát hiện trong bụng Klơng vẫn còn một đứa trẻ nữa. Các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật lấy ra một bé gái, cứu sống cả hai mẹ con.

Biết tin, mẹ chồng chị Klơng bỏ về làng báo lại sự việc với người thân và dân làng biết, tổ chức cúng bái trừ tà đuổi ma. Sau gần 1 tuần nằm ở bệnh viện, Klơng ẵm con về nhà. Lúc đó nhiều người trong làng đã nhất quyết bảo gia đình phải bỏ bớt đi một trong hai đứa bé.

Vừa về đến đầu làng chị Klơng bị gia đình nhà chồng đuổi ra khỏi nhà, bảo nếu không giết đứa bé thì đừng về làng và dọa giết luôn cả hai mẹ con.

Sau khi nhận được tin báo, Phòng Lao Động – Thương binh và Xã Hội huyện Chư Prông đã lập tức cử cán bộ đến để khuyên bảo gia đình anh Siu Droch, và giải thích cho anh hiểu rằng đây là một việc bình thường trong khi mang thai và sinh con.

Siu Droch là công nhân của Nông trường Hòa Bình, Công ty cao su Chư Prông. Siu Droch rất thương vợ con. Bản thân anh cũng quyết liệt phản đối việc giết chết một đứa con do vợ mình rứt ruột đẻ ra. Nhưng một mình Siu Droch cũng không chống lại được hủ tục lạc hậu đã tồn tại từ hàng nghìn đời nay của dân làng.

Để cứu sống con, anh đã động viên vợ bế đứa con đỏ hỏn lặn lội đến nhà bố đẻ để thuyết phục ông bà nuôi hộ. Bố Klơng gật đầu ưng thuận, Siu Droch rất phấn khởi. Đứa bé được ông bà ngoại nhận nuôi.

Hằng ngày, khi thì Siu Droch sang thăm con, khi thì Klơng trốn bố mẹ chồng lén sang cho con bú. Đứa bé dần lớn lên trong cơn khát sữa và thèm hơi ấm của mẹ.

Anh Siu Droch nựng nịu hai cô con gái của mình.

Quá trình tuyên truyền của các cán bộ thôn bản như mưa dầm thấm đất, gia đình Siu Droch đã nhận thức được việc làm của mình là không đúng. Từ đó, gia đình anh Siu Droch đã làm giấy cam kết sẽ không giết một trong hai đứa bé nữa, mà sẽ chăm sóc các cháu thật chu đáo.

Giờ đây, hai bé gái đã được gần 5 tháng tuổi và rất bụ bẫm, đáng yêu. Gia đình chồng chị Siu Klơng không dọa giết nữa.

Bà Lê Thị Hải Yến, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông kể: “Phen đó tôi cũng mất hồn. Suýt nữa cháu bé chết oan uổng. Hủ tục này vốn đã tồn tại từ nhiều năm nay. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhiều, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi.

Đối với trường hợp gia đình nhà anh Siu Droch, sau khi nhận được tin báo, chúng tôi đã đến vận động, giải thích cho người dân trong thôn và gia đình anh biết rằng sinh đôi là một việc bình thường chứ không phải trời bắt hay trời phạt gì cả. Chúng tôi rất vui vì hiện tại cả hai cháu bé đều khỏe mạnh và rất dễ thương”.

Cuộc chiến với hủ tục

Ông Siu Íp, trưởng thôn Dơ Bang, xã Ia Bang, huyện Chư Prông chia sẻ: “Trước đây, dân làng chúng tôi rất sợ những cặp song sinh. Nhưng giờ đây, khi tìm hiểu chúng tôi được biết rằng, đây là một việc bình thường, cho nên bây giờ chúng tôi sẽ không bỏ đứa bé nữa, mà bảo vợ chồng anh Siu Droch sẽ nuôi đứa bé”.

Anh trai Droch là Siu Klơng quả quyết: “Khi biết vợ Droch sinh đôi, cả dòng họ mình buồn và lo lắm. Mỗi người trong dòng họ đều chuẩn bị một tinh thần “sắt” xem dân làng có “đánh động” gì không. Và gần cả tháng trời nhà mình lúc nào cũng rất đông người vào ra và bàn tán về hai đứa trẻ. Ngày ngày mình được dòng họ phân công ở nhà để nói với bà con rằng hai đứa trẻ này sinh ra cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, chúng kháu khỉnh và khỏe mạnh chẳng có gì khác biệt với việc sinh một cả. Sau khi thỏa ý tò mò, ai ra về cũng vui vẻ. Lúc ấy, cả dòng họ mình mới thấy nhẹ lòng đi. Còn nếu vì hủ tục mà phải giết một đứa đi thì mình sẽ đứng ra bảo vệ cháu mình”.

Giấy cam kết nuôi con của anh Siu Droch.

Không chỉ có trưởng thôn Siu Íp đến động viên, mà giờ đây già làng và cán bộ trong thôn, xã cũng thường xuyên đến gia đình nhà anh Siu Droch vận động. Bà Bùi Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Bang kể: “Khi biết tin mình báo với lãnh đạo xã và đến nhà động viên. Gia đình ai cũng vui vẻ cùng chung sức nuôi dạy con cháu. Xã cũng tạo điều kiện để 2 cháu làm giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế để gia đình có điều kiện thuận lợi nuôi hai cho tốt”.

Còn già làng Yơ Bang thì bảo Siu Droch: “Con gái mày bằng da bằng thịt đó. Mày phải chịu khó làm ăn để nuôi vợ, con cho khỏi tội nghiệp. Chịu khó nuôi con ăn học rồi con nó sẽ báo hiếu mày về sau”.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết thêm: “Nhiều năm về trước, hủ tục của dân làng còn nặng nề lắm, nhưng nhờ sự vận động, giáo dục của chính quyền, nhận thức của bà con đã dần thay đổi. Dân làng không còn đem con bỏ vào rừng hoặc giết chết như trước đây nữa. Trình độ dân trí của người dân đang từng ngày được nâng cao, giáo dục về tận thôn bản nên người dân hiểu và đang dần xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới”.

(Theo VTC News)