Ở Trường Sa, mọi sinh hoạt của cuộc sống đời thường, từ nếp ăn, nếp ngủ… đến trồng rau, nuôi bò, tăng gia sản xuất… đều là những câu chuyện đặc biệt, pha lẫn cả niềm vui và nước mắt.

TIN BÀI KHÁC
Nhà văn Kim Lân biến thành cô gái xinh đẹp
10 đại gia lập nghiệp từ đói rách

TQ triển khai tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân

Những lá thư khủng khiếp được chuyển phát nhanh


Chăm rau hơn… chăm con mọn


Có lẽ, ai cũng biết, có hai thứ ở Trường Sa được “quý hơn vàng”, ấy là rau xanh và nước ngọt. Để có rau xanh, ngoài việc chờ đợi tiếp tế từ đất liền, dân quân trên đảo còn ra sức để có thể tự “tự sản, tự tiêu” - một cuộc chiến đầy khó khăn, gian khổ.

Chăm rau hơn… chăm con mọn

Không giống như đất liền, chỉ cần gieo hạt, chẳng mất nhiều công chăm bẵm là rau mọc tươi tốt. Ở hải đảo, đặc biệt là những đảo chìm, nơi bốn bề chỉ toàn nước biển mặn chát và những tảng san hô ngầm, chiến sĩ hải quân phải tận dụng từng xô, từng thùng đất từ đất liền gửi ra. Ở đây, thống kê tất thảy chỉ có 11 loại rau có thể chịu đựng “phong ba bão táp, gió quật mưa gào” của hải đảo như rau muống, mồng tơi, cải, bầu, mướp…

Những chuyện “độc nhất vô nhị” ở Trường Sa
Ở quần đảo tiền tiêu ngập tràn nắng gió của Tổ quốc, tuy khó khăn vẫn chồng chất nhưng còn có biết bao câu chuyện đặc biệt mà không phải ở nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng có được. 
 
Ngư dân kể chuyện kì dị ở Trường Sa
Huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi có 3 làng câu mực trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Dù nhiều ngư dân ở đây đi biển không về nhưng những người khác vẫn tiếp tục ra khơi.
 

Trong đó, những loại thân leo như mồng tơi, mướp, bầu… được các chiến sĩ ưa chuộng hơn cả bởi có thể thiết kế theo phương pháp “lấn trời”. Những hàng rào bằng tre nứa được dựng lên để rau có thể leo bám thành những bức tường cao, xanh mướt. Phương pháp này vừa cho hiệu quả về số lượng, lại vừa tiết kiệm được đất trồng, nước tưới.

Nói thì nghe đơn giản nhưng tận mắt chứng kiến “cuộc chiến rau xanh” mới thấy được những người chiến sĩ phải tận tụy, nhiều khi mất ăn mất ngủ như thế nào. Họ chẳng khác nào những bà mẹ tất bật chăm con mọn. Trên đảo mỗi năm có hai mùa gió, một thổi theo hướng đông-bắc và một theo hướng tây-nam. Nếu không may để “trúng gió”, dàn rau sẽ “tiêu” ngay. Cách chắn thông thường bằng những tấm ván, bạt tận dụng không đủ sức ngăn được sức gió và sóng, nhất là mùa biển động.

Vì vậy, lính đảo đã nghĩ ra cách sử dụng chính ngôi nhà mình đang ở làm bức tường chắn gió. Chẳng vậy mới có chuyện: những khu vườn rau di động thường xuyên được “chạy” vòng quanh đảo.Điều đặc biệt, dù không dùng bất cứ thuốc nào nhưng tất cả các loại sâu bọ không thể tấn công tới một lá rau xanh của người chiến sĩ. Cứ ngoài giờ huấn luyện hay khi rảnh rỗi, anh em chiến sĩ lại có mặt ở vườn rau, vạch lá, bắt sâu, tưới nước, vun xới… thậm chí, đơn thuần chỉ là “ngồi ngắm” để thấy “mát lòng”.

Trung tá Đinh Trọng Thắm, đảo trưởng đảo Sinh Tồn đã từng kể lại câu chuyện vừa buồn cười, vừa chua xót. Đó là một dịp cuối năm, bão đến quá bất ngờ nên toàn bộ những khay rau mầm mới nhú đặt trên lan can đã bị gió thổi cuốn phăng xuống biển. Tiếc nuối những “khay vàng” mang bao mồ hôi công sức, cả đoàn chỉ biết lặng nhìn, một cậu chiến sĩ không giấu nổi cảm xúc, bật khóc tu tu như một đứa trẻ.

Thế mới biết, rau xanh đối với họ ý nghĩa và quan trọng như thế nào.

Mỗi lần có khách đến thăm đảo, thứ đặc sản mà lính đảo luôn “nhịn miệng “đãi khách không gì khác, chính là rau xanh. Bởi rau xanh là thứ quý giá nhất nơi đây. Họ vẫn nói, “có rau xanh là giàu”. Vì vậy mà để làm “giàu”, những người chiến sĩ ở đây vẫn ngày đêm… ăn ngủ cùng rau!

Những con bò không thích ăn cỏ!

Ngoài hải đảo, nguồn cá tươi dồi dào luôn là thực phẩm chính trong những bữa ăn của người chiến sĩ. Vì đẩy mạnh tăng gia sản xuất nên cái cảnh: sáng cá, trưa cá… tối cũng cá hầu như đã không còn. 

Đàn bò trên đảo Song Tử Tây

Nhưng thứ mà người chiến sĩ vẫn “thèm” nhất là một bữa thịt bò, dù chỉ cần xào nấu đơn giản, bởi không phải ở nơi nào cũng có điều kiện chăn nuôi loại đại gia súc này. Song Tử Tây là điểm duy nhất nhất thuộc quần đảo có một sân cỏ lớn. Sân cỏ này không chỉ là nơi tập trung sinh hoạt của người chiến sĩ, luyện tập thể thao mà còn là địa điểm để… nuôi thả đàn bò.

Đây vốn dĩ là một bãi đất trống đầy san hô và cát trắng nhưng nhờ vào đôi bàn tay mẫn cán của người chiến sĩ mà có thể biến thành một thảm xanh tự nhiên, một bản sắc riêng của đảo. Để đảm bảo cỏ luôn xanh và mọc đều tăm tắp, người lính đảo Song Tử Tây phải chia nhau chăm chút, xén tỉa. Mùa tháng ba, nắng cháy da, cháy thịt, nước ngầm trên đảo rút xuống, phần nước sinh hoạt dành cho quân dân cũng giảm theo. Thế nhưng, mọi người vẫn cố chắt chiu, tận dụng nước để tưới cho sân cỏ.

Không biết có phải vì “thương” chiến sĩ hay không mà đàn bò ở đây chỉ thường dạo chơi, tắm nắng trên sân chứ hầu như… không ăn cỏ. Đàn bò trên đảo Song Tử Tây, cũng giống như những vật nuôi khác như gà, lợn… được nuôi bằng phần thức ăn thừa của cán bộ, chiến sĩ. Thế nhưng món khoái khẩu của chúng lại là… giấy. Từ sách, vở, bìa các tông tới bao xi măng, chúng không từ chối “món” nào.

Vì vậy, mới xảy ra chuyện một đồng chí sĩ quan mất cả tháng trời soạn giáo án, lúc sắp hoàn thành thì bị bò mò vào phòng ăn mất. Tức nhưng chẳng ai lại đi “kỷ luật” bò nên đồng chí kia phải hậm hực viết bài giảng lại từ đầu. Câu chuyện này nhanh chóng lan khắp quần đảo Trường Sa, trở thành giai thoại vui về đàn bò trên đảo Song Tử Tây.

Năm 2010, nhờ sinh trưởng tốt, 4 chú bê non đã được ra đời, nâng tổng gia đình nhà bò lên 9 con. Dù đàn bò mang đến không ít chuyện rắc rối, nhưng đối với người lính đảo, chúng vẫn là loại vật vô cùng được yêu mến. Đàn bò không chỉ giúp tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống mà đối với người chiến sĩ, hình ảnh của chúng thong dong trên cánh đồng cỏ còn gợi nhớ hình ảnh quê hương thân thuộc, góp phần làm vơi đi nỗi nhớ nhà.

Bắt nắng, gió phục vụ con người

Tin vui bừng ánh nắng,
Giọng gió sao ngọt ngào
Sóng vờn đảo vẫy chào
Điện sạch về, náo nức!

Đúng như lời bài thơ Điện sạch trên đảo xa của Đại tá Trần Dực, những ngày này, khi màn đêm buông xuống, hệ thống chiếu sáng dọc bờ kè làm cho Trường Sa trở nên lung linh giữa bao la sóng nước. Hòa trong tiếng sóng biển, tiếng quạt gió “ro ro” từ những cột thu gió khổng lồ trở thành âm thanh vui tai suốt đêm ngày. 

Bắt nắng, gió phục vụ con người

Đó chính là kết quả của dự án năng lượng sạch bao gồm tổng thể hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng trên quần đảo Trường Sa. Hàng nghìn tua bin gió, pin mặt trời, bình ác quy và hệ thống cáp truyền tải đã được bố trí xung quanh 33 điếm đảo và 15 giàn khoan được đưa vào sử dụng, nhằm góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và cải thiện đời sống tinh thần của quân dân.

Với hệ thống năng lượng này, nhu cầu điện sinh hoạt tối thiểu 24/24 của người dân được đảm bảo. Giờ đây, nhà nhà đua nhau mua sắm ti vi, tủ lạnh… những thứ trước đây tưởng chừng như quá xa xỉ với vùng hải đảo muôn vàn khó khăn này. Hàng ngày, họ có thể xem ti vi, nghe đài, đọc báo qua internet, liên tục cập nhật những thông tin từ đất liền. Ngoài ra, nguồn điện ổn định còn tạo tạo điều kiện đưa các trang thiết bị y tế vào hoạt động, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Có điện, hình thức sinh hoạt tại các cụm đảo cũng trở nên đa dạng hơn. Trước đây, vào những ngày nghỉ, mọi công tác hoạt động đều phải… trông vào giờ cấp điện. Nhưng với dự án mới này, họ hoàn toàn chủ động. Ngoài thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ, các chiến sĩ cũng có thể trải nghiệm món ăn tinh thần yêu thích nhất của mình là “karaoke”. Không còn những chuỗi ngày dài đằng đẵng, ngong ngóng tin đất liền. Các phương tiện nghe, nhìn, internet, điện đàm, điện thoại… đã trở thành cầu nối tiện ích, rút ngắn khoảng cách đất liền và hải đảo.

Ngỡ tưởng rằng, những khắc nghiệt của Trường Sa có thể làm nao lòng quân dân hải đảo. Thế nhưng với sự quyết tâm để bảo vệ vùng đất thiêng của Tổ quốc, đúng như câu thơ: “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, tất cả mọi khó khăn đều có thể khắc phục. Ngay cả cái nắng, cái gió… cũng đang quay lại để phục vụ cuộc sống con người.

(Theo Giáo dục Việt Nam)