Có ý kiến chỉ ra thiết kế của Tháp Sen, một bảo tàng nghệ thuật đương đại dự kiến xây trên 2,5 ha đất bỏ trống tại bờ phải của sông Hồng là “nhái” lại gần như nguyên mẫu kiến trúc của Trung tâm văn hóa Jean-Marie Tjibaou, do kiến trúc sư người Ý Renzo piano thiết kế.

TIN BÀI KHÁC


Những ngày gần đây, việc trình bày dự án “Cải tạo cầu Long Biên và quy hoạch khu vực quanh cầu” nhằm biến cây cầu thành một phố đi bộ và bảo tàng nghệ thuật đương đại, với tổng kinh phí dự toán là 4.860 tỷ đồng, đã nhận được sự quan tâm đông đảo của người dân Thủ đô Hà Nội.

Những ý tưởng được cho là “táo bạo” của dự án như gắn kính trên thân cầu, trưng bày và khai thác các toa tàu hỏa cũ, biến bãi giữa thành điểm vui chơi, xây dựng bảo tàng nghệ thuật Tháp Sen, cải tạo tháp nước Hàng Đậu thành nơi trưng bày cổ vật… cũng trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của cộng đồng mạng trong nước.

Đẹp hay xấu?


Có thể nhận thấy, dù được nhìn nhận là mới mẻ và táo bạo, nhiều ý tưởng trong kế hoạch cải tạo cầu Long Biên đã vấp phải sự không đồng thuận của cộng đồng mạng. Hầu hết các ý kiến phản đối dự định gắn kính trong suốt dọc thân cầu. Dora Le, thành viên mạng Yume, nhận xét: “Vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của cầu Long Biên sẽ đi về khi cây cầu trăm tuổi khoác lên mình bộ áo bằng kính bóng lộn?”.




Cầu Long Biên và lớp "áo mới", theo mô tả của dự án.


Ý tưởng biến các toa tàu cổ trở thành quán café, nhà hàng, biến bãi giữa thành điểm vui chơi… cũng hứng chịu "búa rìu" dư luận mạng. “Nghe cái trình bày dự án toàn cafe nhà hàng với kios bán buôn là mình đã thấy nản rồi. Khách du lịch đến chơi cũng muốn thấy đời sống nhân dân một cách trung thực, chứ không phải một cây cầu với nhà hàng, quán xá xanh đỏ ở trên. Bãi sông Hồng là nơi duy nhất của cái thành phố này còn vẻ tự nhiên hoang sơ thì các bác định biến nó thành khu vui chơi giải trí luôn…”, thành viên Krad, diễn đàn Linkhay, bày tỏ.


Tháp nước Hàng Đậu sẽ được nâng mái và lắp kính?


Việc cải tạo tháp nước Hàng Đậu thành một bảo tàng cổ vật được nhiều người ủng hộ, nhưng ý tưởng nâng mái tháp cao thêm và làm bằng kính cùng mái che trong suốt thì bị phản đối với lý do tương tự như việc gắn kính trên cầu Long Biên.

Đặc biệt, có ý kiến chỉ ra thiết kế của Tháp Sen, một bảo tàng nghệ thuật đương đại dự kiến xây trên 2,5 ha đất bỏ trống tại bờ phải của sông Hồng (quận Long Biên) đã copy gần như nguyên mẫu kiến trúc của Trung tâm văn hóa Jean-Marie Tjibaou, do kiến trúc sư người Ý Renzo piano thiết kế.


Tháp Sen là một bảo tàng Nghệ thuật đương đại được thiết kế với hình dáng của bông sen đang hé nở.



Có ý kiến cho rằng công trình này quá giống Trung tâm văn hóa Jean-Marie Tjibaou do kiến trúc sư người Ý Renzo piano thiết kế.

Liên hệ với những công trình lớn của Hà Nội như con đường gốm sứ, Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình xuống cấp nhanh chóng sau khi hoàn thành, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ vào hiệu quả đầu tư của dự án cải tạo cầu Long Biên. “Với 5.000 tỉ đồng, thành phố Hà Nội có thể làm được nhiều việc có ích như xây thêm bệnh viện, trường học, cải thiện hạ tầng giao thông, khắc phục tình trạng thiếu điện… hơn là đầu tư vào một công trình lớn nhưng không biết có hữu dụng hay không”, thành viên Kimquy nhận định.

Tương lai của cây cầu lịch sử


Có một thực tế không thể phủ nhận là cầu Long Biên đang xuống cấp theo thời gian, và việc cải tạo là không thể không tiến hành. “Kể ra thì đúng là cần xem lại việc quản lý cầu Long Biên, chứ không thể để cây cầu này và môi trường xung quanh nhếch nhác đến như vậy. Nhưng làm gì, làm như thế nào, duy trì ra sao thì cần phải tính kỹ”, thành viên DatNuocToi, diễn đàn Webtretho, bình luận.

Luồng tư tưởng “bảo thủ” như thành viên Krad cho rằng: “Nên giữ nguyên hiện trạng cầu Long Biên như hiện nay, chỉ tôn tạo sao cho đỡ... sập, không cho tàu hỏa đi qua nữa, còn lại để như cũ. Ý kiến nữa là nên mời các bạn Nhật tham gia, mình thấy Nhật rất có kinh nghiệm trong việc duy tu những di tích cũ, cổ”.


Cầu Long Biên trong tương lai có còn cổ kính và thơ mộng?


Những thành viên “cấp tiến” thì muốn cải tạo cầu Long Biên một cách mạnh mẽ hơn, dựa trên một số ý tưởng đã đưa ra trong đề án. Thành viên phuongsang92 bày tỏ: “Em thấy ý tưởng này cũng hay, tuy nhiên chỉ nên dừng lại ở mức biến cầu trở thành một con phố đi bộ và triển lãm tàu hỏa chạy bằng hơi nước thôi, chứ chẳng có phủ kính mới phủ bạt gì hết. Còn bãi giữa sông Hồng thì biến nó thành rừng hoa để đứng trên cầu nhìn xuống là đẹp nhất”.

Nhiều người cũng đóng góp những ý tưởng riêng của mình trong việc cải tạo cầu Long Biên như trồng các loại cây leo có hoa đẹp bao phủ các trụ cầu, dựng tượng những người lính vệ quốc để tái hiện khung cảnh ngày giải phóng Thủ đô, cấm xe máy và tàu hỏa, nhưng vẫn cho xe đạp và xích lô lưu thông trên cầu cùng người đi bộ…

Xét cho cùng, những ý tưởng được đưa ra trong đề án cải tạo cầu Long Biên là rất đáng suy ngẫm, nhưng để có thể triển khai được trên thực tế thì không thể thiếu những ý kiến đóng góp và sự đồng thuận của người dân. “Với một dự án lớn có ảnh hưởng tới toàn bộ diện mạo Thủ đô, việc lấy ý kiến dân chúng là yếu tố quyết định để có thể triển khai dự án trên thực tế”, thành viên Hồng Anh, mạng xã hội Facebook, khẳng định.

Một số ý tưởng trong dự án “Cải tạo cầu Long Biên và quy hoạch khu vực quanh cầu”

- Dọc thân cầu sẽ được gắn kính trong suốt và trưng bày đầu máy hơi nước để khách tham quan. Các toa tàu cổ có thể dùng làm quán café, nhà hàng. Thân cầu được nâng 3m để tàu thuyền dễ qua lại.

- Phía dưới bãi sông Hồng sẽ trở thành công viên nghệ thuật, với những điểm vui chơi cho cả người già lẫn trẻ em.

- Tại bờ phải của sông Hồng (quận Long Biên), nơi còn 2,5 ha đất bỏ trống dự định xây Tháp Sen Bảo tàng Nghệ thuật đương đại.

- Cải tạo và thiết kế Tháp nước Hàng Đậu thành một Bảo tàng Cổ vật. Mái tháp được nâng cao thêm và làm bằng kính, cùng mái che trong suốt.

- 131 vòm cầu bằng gạch nằm dọc tuyến đường sắt dẫn lên cầu hiện bị bịt kín sẽ được mở thông để tạo thành một dãy phòng triển lãm của các làng nghề truyền thống, quán café, không gian hoạt động nghệ thuật.


(Theo Đất Việt)