“Tôi vẫn tự hào sức mình đến thanh niên còn dăm phần nể sợ, nhưng quả thật, nghĩ đến con đường dẫn đến khu linh địa cổ tôi vẫn thấy… hãi. 3 lần đưa đoàn khảo cổ lên khu linh địa, là 3 lần tôi ốm liệt giường", ông chủ nhà nghỉ kể.

TIN BÀI KHÁC


Ở giữa chốn rừng xanh ngút ngàn trên đỉnh Mẫu Sơn, người Dao thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình vẫn truyền tụng cho nhau bao câu chuyện thần bí về khu linh địa cổ. Có người quả quyết trong một lần đi rừng đã nhìn thấy một con mãng xà to nằm cuộn mình bên hầm mộ, có người thì khẳng định giữa chốn rừng thiêng không có bóng dáng một ngôi nhà lại nghe những tiếng cười khanh khách dội lại từ khu đất thiêng.

Cũng có người dân nơi đây đi hái cây thuốc kể lại, khi trèo lên phần núi cao nhất, gần khu linh địa, tự nhiên lại thấy một con đường như bờm ngựa phân mao, một bên nhìn sang đất Việt, một bên là đất Trung Quốc. Con đường ấy, nhân dân quanh vùng cũng cho rằng là do thần linh tạo nên.
Khu linh địa quanh năm được bao phủ với sương dày đặc và những câu chuyện thần bí.

Chẳng biết những lời đồn đại ấy bao nhiêu phần thực, bao nhiêu phần hư, nhưng tất cả người Dao sống chênh chếch trên đỉnh Mẫu Sơn đều coi khu linh địa là mảnh đất của thần linh, tuyệt nhiên không dám xâm phạm.

Huyền tích ở khu linh địa cổ


Vẫn được nghe, đỉnh Mẫu Sơn được ví như Sapa thứ 2 của miền Bắc, nhưng khi dừng chân nghỉ tại đây trong một chuyến công tác rong ruổi Lạng Sơn, tôi mới được “mục sở thị”.

Chưa đến 7 giờ tối, cả đỉnh Mẫu Sơn bị trùm kín bởi sương mù dày đặc, chỉ cách chưa đầy 10m đã không tỏ mặt người, giữa hè mà tựa hồ như vừa lập đông. Những nhà nghỉ cheo leo, bám trên đỉnh dốc dựng đứng chỉ còn như những hộp sáng lờ mờ.

Chúng tôi co ro bên đống củi để xua đi cái lành lạnh, rờn rợn giữa cái heo hút và vắng lặng như tờ của chốn rừng thiêng, vừa ngồi nghe những câu chuyện băng rừng của ông Tạ, chủ nhà nghỉ vui tính.

“Tôi vẫn tự hào sức mình đến thanh niên còn dăm phần nể sợ, nhưng quả thật, nghĩ đến con đường dẫn đến khu linh địa cổ tôi vẫn thấy… hãi. 3 lần đưa đoàn khảo cổ lên khu linh địa, là 3 lần tôi ốm liệt giường.

Không biết có phải hành trình gian nan đến khu đất thiêng hay bị “thánh vật” nữa”, giọng ông trầm trầm, khác hẳn cái hào sảng khi kể về những cuộc đi săn làm “lác mắt” trai bản.
Khu đất thiêng nằm gối đầu lên núi "Mẹ" Mẫu Sơn (Nguồn: Internet)

Đường đến khu linh địa chỉ có một con đường mòn bám cheo leo theo sườn núi.
Theo lời ông Tạ, khu linh địa nằm vị trí khá hoàn hảo, có thể nói đó là vùng đắc địa với đầy đủ các yếu tố: Gối đầu vào núi mẹ Mẫu Sơn cao nhất, hai bên là núi khe, rừng bao bọc kiểu “Tả thanh long, hữu bạch hổ”, phía trước có án sông ngòi, phóng tầm quan sát cả vùng sông núi nước non. Chưa kể, dọc đường đi là hoa đỗ quyên nở đỏ rừng, sóc nhảy rào rào, hươu nai hoẵng quấn chân người.

Cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 24 Km rẽ trái theo đường dốc mấp mô khoảng 4km là đến thôn Lặp Pịa. Từ đây, nếu muốn tìm lên khu linh địa chỉ có cách duy nhất là bỏ lại những phương tiện giao thông hiện đại để cuốc bộ vượt núi băng đèo.

Câu chuyện “phát hiện” ra mảnh đất thiêng cũng đầy màu sắc huyền bí. Câu chuyện hiện vẫn được người dân trong vùng truyền tụng bắt đầu từ một gia đình người Dao sinh sống ở thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình về “những phiến đá thiêng rỉ máu”.

Chuyện rằng, trong một chuyến đi săn, ông chủ gia đình người Dao đã vác về một phiến đá kỳ lạ từ khu linh địa, với suy nghĩ thuần phác của người dân có thể dùng phiến đá này vào công việc cá nhân của gia đình. Thật kỳ lạ là mờ sáng hôm sau, vừa tỉnh giấc, ông chủ nhà đã tá hỏa khi tận mắt nhìn thấy phiến đá hôm qua mình mang về đang rỉ ra những giọt máu, vết máu loang đỏ cả sân nhà.

Người ông lạnh toát sống lưng và thầm nghĩ mình đã làm một việc động trời, ông vội vã cùng gia đình thành khẩn cõng phiến đá thiêng lên trả lại chỗ cũ và cầu xin thần linh tha thứ. Câu chuyện cứ lan truyền mãi trong cộng đồng người Dao, kể từ ấy, nơi có phiến đá thiêng và cả vùng phụ cận đã trở thành một “vùng lãnh địa linh thiêng”.

Giữa cái lành lạnh trong màn sương phủ trắng trời, câu chuyện của ông Tạ làm chúng tôi không khỏi “gai gai” sống lưng. Thế nhưng, chính vẻ huyền bí của vùng đất thiêng ấy lại khiến chúng tôi như bị mê hoặc.

Chúng tôi năn nỉ ông Tạ dẫn đường tìm khu đến khu linh địa, nhưng ông lắc đầu nguầy nguậy, kiên quyết từ chối: “Mùa này tốt nhất là không nên đi. Đường đi gian nan, đèo cao, vực sâu, lại dốc dựng ngược, mùa khô còn khó đi nói chi đến mùa mưa đường đất trơn trượt”.

Nhưng thấy chúng tôi vẫn một mực muốn khám phá mảnh đất đầy huyễn hoặc ấy, ông Tạ đành tặc lưỡi: “Vậy thì các anh chị đi nghỉ sớm, sáng mai tôi sẽ chỉ đường cho anh chị đến khu linh địa. Nhưng nói trước là sẽ rất vất vả gian nan, đi nhanh cũng phải mất 3, 4 giờ, nếu không đủ sức gục ngã giữa đường thì đừng bảo tôi không nói trước. Trên đường đi tôi cam đoan có đoạn đến chai nước uống anh chị cũng muốn vứt đi. Vì thế mang càng ít đồ càng tốt nhé”.

Nhân dân các dân tộc ở Mẫu Sơn có lễ hội lớn vào ngày 14 tháng giêng tại khu Linh địa mẫu Sơn. Theo các tài liệu điều tra, ghi chép gồm gia phả, thần tích và theo lời kể của nhiều cụ già cao niên trong vùng, trước đây nhân dân trong Tổng Khuất Xá (Gồm các làng Khuất Xá, Yên Khoái, Cẩm Hoa) vào các dịp lễ Tết thường lên di tích Đình chùa (khu linh địa Mẫu Sơn) làm lễ cúng tế thần núi.

Di tích được xây dựng lâu đời đến đầu những năm 20 của thế kỷ XX do di tích xuống cấp, đường đi lại khó khăn, người dân địa phương tổ chức xây dựng một ngôi đền mới dưới chân núi Mẫu Sơn thuộc địa phận bản Khoái, xã Yên Khoái hiện nay để thờ. Khu linh địa từ đó cũng dần trở nên hoang phế, không còn mang dấu ấn con người và bị bao phủ hàng trăm năm bởi những câu chuyện huyễn hoặc.
(Theo Bưu Điện Việt Nam)