Một sàn nhảy tồn tại gần 5 năm nay, người tham gia chủ yếu từ 40 tuổi trở lên làm nhiều người ở tỉnh lẻ mới nghe đã “tròn xoe mắt nai”.
TIN BÀI KHÁC


Khiêu vũ, đâu chỉ chuyện riêng của thanh niên

Quán Vườn Âm Nhạc nằm ở góc tây nam của ngã tư Trần Hưng Đạo- Phan Đình Phùng, TP.Quảng Ngãi vào đêm chủ nhật từ lâu đã được xem là “điểm hẹn” của các quý bà.

Có lẽ vì tò mò quá mức nên mới 19h tôi đã đến. "Sớm quá, phải một tiếng nữa thì buổi khiêu vũ mới bắt đầu", anh Nghị, người bạn đi cùng cho biết.

Trong lúc chờ đợi, tôi quan sát xung quanh. Quán cũng giống như bao quán cà phê khác, chỉ có điều ở tận cùng phía trong, người chủ chừa ra một khoảng trống để làm sàn nhảy. Gọi là sàn nhảy cho nó oách, chứ thật ra nó được tận dụng từ 1 phần nền nhà lót bằng gạch men đã cũ, có diện tích khoảng 8m x 12m nền, với mái được che bằng tấm nhựa tổng hợp, trang trí bằng những chùm dây đèn nháy. Và 2 bên hông kê khoảng 6 bộ bàn ghế dùng để khách ngồi nghỉ, uống nước sau khi nhảy.

Tình tứ trong điệu Tango

Tôi lân la làm quen với người chủ quán tên Ngọc. Khuôn mặt được trang điểm nhẹ nhàng, cùng với chiếc đầm chấm màu xanh, trông bà Ngọc trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 52 của mình. Mặc dù đã cùng với gia đình chuyển vào sinh sống và định cư tại TP.HCM hơn 20 năm, thế nhưng có lẽ sự quá náo nhiệt của thành phố lớn nhất nhì của đất nước không còn phù hợp với độ tuổi đã xế chiều, nên bà Ngọc đã quyết định trở về quê sinh sống.
Nói về nguyên do vì sao không chọn hình thức hoạt động khác mà là khiêu vũ, bà Ngọc tâm sự, những lần về thăm quê thấy thời gian rảnh, hầu hết bạn bè cùng lứa ở TP. Quảng Ngãi chỉ ở nhà giúp, chăm sóc con cháu, hoặc đến quán cà phê là hết. Còn nam thì gần như nhậu là chính.

Và thời điểm năm 2008, ở TP. Quảng Ngãi chưa có vũ trường và cũng không có quán nào tổ chức điểm khiêu vũ dành cho độ tuổi 40 trở lên, cho nên nếu làm được, quán sẽ đủ sự hấp dẫn để lôi cuốn mọi người đến tham gia.

Nơi khái niệm về giới hạn tuổi tác không tồn tại

Đến 20 giờ, cũng là lúc sàn nhảy bắt đầu khởi động. Sự ồn ào của tiếng người lắng dần xuống, nhường cho tiếng nhạc êm ái của điệu Waltz từ cặp loa đặt ở góc quán vang lên. Từ những bàn xung quanh một, hai, ba rồi gần cả chục cặp nắm tay đứng dậy cùng nhau ra sàn.

Điều khá thú vị là mặc dù trong quán lúc này có khá nhiều khách thuộc thế hệ 7X và 8X, nhưng sự khởi đầu cho đêm nhảy chỉ là những người đàn ông tóc lốm đốm muối tiêu, có người tóc bạc trắng và những thiếu phụ tuổi từ 40-55 nhưng trông rất trẻ và duyên dáng với những chiếc đầm dài đang “độc chiếm” trên sàn.

Sôi động trong vũ điệu Chachacha

Nhìn những cặp tuổi "U"; rồi những đôi nam “U”, nữ “Teen” tay trong tay dìu nhau điệu nghệ trên sàn, với những vũ điệu nhẹ nhàng, cho đến sôi động, trẻ trung như Rumba, Chachacha...tôi mới hiểu câu nói đầy ẩn ý của của anh bạn trẻ đi cùng: “Nơi này chỉ có âm nhạc, còn khái niệm tuổi tác không có chỗ tồn tại”.
Và cũng không như sàn nhảy ở những Thành phố lớn, bên cạnh những bộ trang phục sang trọng, với đôi giày hiệu đắt tiền, có khá nhiều những chiếc áo thun rẻ tiền, chân mang dép dép lê “hoà nhau” trên sàn nhảy. Càng ngạc nhiên hơn khi nhìn thấy trong số khách nhảy còn có một ông “Tây”.

Theo lời một khách ngồi bàn bên cạnh cho biết thì ông tây đó tên P, người Hà Lan, là khách ruột của quán hơn 1 năm nay. Và gần như các buổi khiêu vũ trong tuần (thứ 3, 5 và chủ nhật), ông Tây cùng với cô vợ Việt Nam khá xinh đẹp đều có mặt .

Lời tâm tình của người trong cuộc

Là một trong số bạn thân và cũng là người ủng hộ, giúp bà Ngọc thực hiện ý tưởng của mình, ông H. tâm sự: "Ban đầu nghe Ngọc nói ngoài bán cà phê, hàng tuần sẽ tổ chức khiêu vũ vào thứ 3, 5 và chủ nhật cho những người tuổi “U", bản thân tôi ủng hộ hoàn toàn. Vì ở thành phố tỉnh lẻ này, hoạt động cho những người từ 40 tuổi trở lên rất ít. Vì vậy việc tổ chức điểm cà phê khiêu vũ tuy “cũ người”, nhưng “mới ta” sẽ lôi cuốn nhiều người đến tham gia".

Hơn 1 năm nay, ông “Tây” tuổi “U” đã là khách ruột của quán


Khi mới khai trương, phần do lạ, bên cạnh đó không ít “lời ra tiếng vào”, thậm chí có người còn nghĩ quán tổ chức những đêm khiêu vũ chỉ là cái “cớ”, còn cái chính là để cho những người lớn tuổi đến “tìm bạn” cho nên khách chủ yếu là số bạn bè thân, giọng bà Ngọc thoáng buồn.
Còn bây giờ thì sao, tôi hỏi. "Những lời dị nghị đã là chuyện của quá khứ, khách đến quán vào những đêm có khiêu vũ đã đông hơn. Và đâu chỉ có tuổi “U”, các thế hệ 8X, 9X cũng có mặt", giọng bà Ngọc vui vẻ.

Tôi ra về khi trên sàn những những vị khách tuổi “U” vẫn đang thả mình theo điệu Tango tình tứ, mang theo cả lời tâm tình của ông K., cán bộ đương chức ở một cơ quan của tỉnh: "Cuộc sống của những người đứng tuổi sẽ vui hơn nếu như có thêm những điểm hoạt động văn hoá lành mạnh như thế này".


(Theo Bưu điện Việt Nam)