Không ít người, vì rất mong muốn tìm được người thân của mình bị thất lạc đã tìm đến cầu cạnh các nhà ngoại cảm. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, mộ chưa thấy đâu mà người nhà đã phải rước bệnh vào người.

TIN BÀI KHÁC

Bị thần kinh sau khi đi tìm mộ về

Ở một số địa phương hiện nay đã xảy ra hiện tượng nhiều người sau khi đi tìm hài cốt bằng phương pháp ngoại cảm trở về đã phát bệnh tâm thần. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ đăng trên báo Dân Việt vào ngày 18/7/2011, tại tỉnh Nghệ An có 13 trường hợp đi tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm bị bệnh tâm thần phải vào viện điều trị. Ngoài ra, có thể còn nhiều trường hợp khác không vào viện điều trị nên không thể thống kê được hết.

Trên báo Nghệ An hồi tháng 6/2011 cũng đăng tải lá đơn kiến nghị của gia đình ông Phan Sửu ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An phản ánh về tình trạng bất thường của người nhà ông sau khi đến một nhà ngoại cảm nhờ tìm mộ.


Một cảnh chờ “vong” nhập (Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam)
Gia đình ông Sửu có con trai là liệt sĩ Phan Trọng Trường, hy sinh ở mặt trận Gio Linh, Quảng Trị năm 1971, nhưng gia đình chưa tìm được hài cốt. Đầu năm 2011, tại ở xóm 3, xã Hưng Đạo xuất hiện một điểm tự đặt tên là "Trung tâm điện tâm linh" tìm mộ liệt sĩ mà người "chỉ huy" là cô Phạm Thị Thương - người tự nhận được liệt sĩ Phạm Khắc Việt "nhập vong" vào cô để tìm mộ cho các liệt sĩ khác.

Gia đình ông Phan Sửu đã đến đăng ký và sau hơn 3 ngày liên tục ngồi cầu hồn tại nhà cô Thương, đến ngày 5/5/2011, gia đình ông Sửu được cô Thương cho đi bốc hài cốt liệt sĩ Phan Trọng Trường tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (mặc dù giấy báo tử ghi nơi hi sinh là ở Gio Linh, Quảng Trị).

Tuy nhiên, nhiều lần dưới sự chỉ đạo của cô Thương gia đình vẫn không tìm được mộ. Thậm chí, cô Thương còn trách là do gia đình "keo" quá, "lộc" thắp hương tại bàn thờ nơi "Trung tâm điện tâm linh" ở nhà cô Thương chỉ có mấy chục nghìn đồng thì không đủ tiền để liệt sĩ ăn sáng nên liệt sĩ không "ốp vong" vào được.

Gần một tháng ròng rã tìm hài cốt người thân ngoài việc phải chi phí tốn kém, gia đình ông Sửu còn tổn hại về sức khỏe và tâm lý. Điều đáng nói là anh trai ông Sửu (Người mà cô Thương bảo là “vong nhập”) sau nhiều lần "ốp vong" thì tâm lý hoang mang và có biểu hiện ảo tưởng.

Cũng theo báo Nghệ An, tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An hiện nay đang điều trị nhiều trường hợp phát bệnh "thần kinh" sau khi đi tìm mộ về. Bác sĩ Nguyễn Đức Toàn - Trưởng khoa bán cấp tính nữ cho biết: Số người đến xin điều trị tại nhà đông gấp nhiều lần. Như trường hợp của một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mình bị mẩy xây xát thâm tím, rơi vào hoảng loạn vì bị người nhà đánh, do trong quá trình lên đồng, vong không về nên được khuyên là: đánh cho mạnh để vong về…
Rước họa về nhà

Rất nhiều người sau khi đến nhà “cậu Hồng” (một điểm ngoại cảm ở Châu Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) "gọi vong" trở về nhà cũng rơi vào tình trạng hoảng loạn, nói nhảm. Cá biệt có những người phải nhập viện vì biểu hiện tâm thần.

Trên báo Pháp luật Việt Nam có dẫn câu chuyện đầy đau lòng của chị Nguyễn Thị H. (48 tuổi, ở xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình). Với mong muốn tìm được hài cốt của người anh đã hy sinh trong thời kháng chiến chống Mỹ, chị Nguyễn Thị H. cùng gia đình đã sang nhà “cậu” Hồng, lòng đầy hi vọng.

Chật ních người trong sân của nhà “cậu Hồng” chờ đợi đến lượt (Nguồn: Pháp luật Việt Nam)
Thời điểm đó là vào tháng 3/2010, sau buổi triệu vong, đoàn người nhà chị H. khấp khởi trở về quê nhà để chuẩn bị cho hành trình đón hài cốt đã được định sẵn ngày giờ. Tuy nhiên, sau khi về, chị H. đã có những biểu hiện không bình thường. Theo lời người thân thì chị thường xuyên rơi vào trạng thái hoang tưởng, điên loạn. Chị H. còn chào đồng chí với những người mình gặp, cách đi lại kiểu nhà binh, thỉnh thoảng lại diễn cảnh tránh bom đạn…

Tình trạng đáng ngại của chị H. kéo dài trong cả tháng trời nên cuối cùng gia đình đã quyết định đưa chị lên bệnh viện tâm thần tỉnh để điều trị. Sau 2 tháng, chị H. đã khỏi bệnh.
Sợ ngoại cảm lắm rồi!

Mặc dù đã qua cơn nguy kịch nhưng chị Nguyễn Thị Xuân ở TP Vinh (Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng. Nằm bên giường bệnh để truyền nước mà chị vẫn chưa hết sợ hãi. Nghe nói đến chuyện gọi hồn, chị bỗng rùng mình và co người lại như để tự vệ. Đó là câu chuyện được đăng tải trên báo Nông nghiệp Việt Nam vừa qua.

Chị Xuân quê ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn. Chị Xuân có người bác ruột là liệt sĩ Nguyễn Văn Nguyên, nhưng chưa tìm được phần mộ. Đầu năm nay, tại xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An có ông Hồ Xuân B. , tự xưng là nhà ngoại cảm giúp tìm mộ liệt sĩ. Mừng như bắt được vàng, cả nhà chị chầu chực ở nhà của nhà ngoại cảm này với mong mỏi tìm được phần mộ của người bác đã khuất.

“Ngồi thiền” được mấy buổi, toàn thân chị Xuân rệu rã, lả đi, không kiểm soát được hành vi của mình. Người nhà ông B. bảo, ông bác đã “nhập” vào chị Xuân. Tuy nhiên, ngay sau đó, chị Xuân đã lên cơn điên loạn. Về đến nhà, chị Xuân tiếp tục la hét, chửi bới chồng con té tát rồi lao vào đánh đập. Quá hoảng hốt, chồng chị ra báo với ông B. về tình trạng của vợ mình thì ông này “phán” rằng, đó là do “vong” nhập và ông cử đệ tử vào giải “vong” cho chị Xuân nhưng rốt cục chị Xuân vẫn trong tình trạng điên loạn.

Suốt cả tháng trời chạy chữa khắp nơi, hao tốn bao nhiêu tiền của nhưng tình trạng chị Xuân không khá khẩm gì hơn. Thân hình chị ngày càng teo tóp, tinh thần hoảng loạn. Cuối cùng, gia đình đành đưa chị đến Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Sau một thời gian chữa trị, người phụ nữ này đã qua cơn nguy kịch.

Mong muốn đưa phần mộ người thân về an nghỉ với quê hương là khát vọng chính đáng của nhiều gia đình. Tuy nhiên, những sự cố sau khi đến các nhà ngoại cảm ở nhiều địa phương đã khiến các thân nhân liệt sĩ phải khốn đốn. “Tiền mất tật mang” họ còn canh cánh nỗi đau khi niềm tin bị đánh mất với những nhà ngoại cảm “thiếu năng lực, thừa lòng tham” này.

Lan Châu (Tổng hợp)