Vụ cháy ở Tân Dân (Hải Phòng) cướp đi 13 sinh mạng vẫn còn đó nỗi đau của người ở lại, nhưng đằng sau nỗi đau đó, một câu hỏi lớn đặt ra là trách nhiệm đồng loại ở đâu khi nhìn thấy chết mà không cứu?

TIN BÀI KHÁC
Rao bán trên chợ sung sướng online: Lỗi kỹ thuật
'Tình' giang hồ kiều nữ - đại gia Sài Gòn
TP. HCM: Một học sinh tố thầy giáo xâm hại
Hoa khôi Khánh Hòa xin lỗi vì sự cố ảnh nude


“Ngọn lửa bùng lên! Thấy hơn chục thanh niên trai tráng đứng nhìn, vừa cố gắng dập lửa, vừa cứu người, tôi gào lên van xin “các anh ơi cứu với...”. Họ vẫn đứng yên xem đám cháy bùng lên dữ dội chỉ cách đó hơn 20 mét. Họ chỉ cần giúp một tay phá mảng tường phía sau bằng gạch ba-banh thì sẽ cứu được tất cả. Sẽ không có ai bị chết... Toàn người làng với nhau cả, sao người ta không cứu..." chị Bùi Thị Thêm (39 tuổi, công nhân may mắn thoát chết) nghẹn ngào chia sẻ trên báo Tiền Phong.

Được biết, chị Bùi Thị Thêm có 2 đứa cháu bị chết thảm và một đứa bị bỏng nặng trong vụ cháy này. Chị Thêm cũng là người đầu tiên ngăn chặn không cho thợ hàn làm việc vì chị thấy muội hàn rơi xuống xưởng toàn thứ dễ cháy nên rất nguy hiểm.

Theo ý kiến của nhiều luật sư, nếu đúng như những gì chị Thêm kể thì các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ, phải xử lí nghiêm để cảnh báo chung. Gần đây, những vụ án xảy ra hậu quả nghiêm trọng do sự vô cảm của một vài người không cứu giúp đã bị pháp luật xử lí.

Theo quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự (BLHS): "Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm....".


Các nạn nhân vẫn đang được điều trị tích cực (Ảnh: VietNamNet)

Liên quan đến vụ cháy thương tâm xảy ra ở Tân Dân (Hải Phòng) khiến 13 người thiệt mạng, cơ quan công an đã khởi tố 5 bị can về hành vi vi phạm các quy định phòng cháy chữa cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5 người bị khởi tố gồm: Bùi Thị Sự (SN 1967, chủ đất cho thuê xưởng sản xuất); Bùi Thị Hiên (SN 1987) và A Phong (40 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) - những người thuê nhà xưởng để sản xuất mũi giày; Lê Văn Bảy (SN 1985) và Linh (em rể Bảy) - người hàn xì làm rơi tàn lửa gây ra vụ cháy.

Trong buổi họp báo ngày 1/8, ông Phạm Duy Đảm - PCT UBND huyện An Lão (Hải Phòng) cho biết, mỗi người tử vong đã được hỗ trợ 19 triệu đồng; 25 người bị thương, trong đó có 9 người ở khoa hồi sức cấp cứu được hỗ trợ 25 triệu đồng/người; 14 người tại các khoa khác được hỗ trợ 23 triệu đồng/người. 2 người ở bệnh viện tuyến dưới được hỗ trợ 15 triệu đồng/người. Tuy nhiên, chi phí để điều trị cho các nạn nhân còn cần hơn rất nhiều lần số tiền này (nhiều nạn nhân cần tới 5 triệu đồng/ngày).

Vụ cháy kinh hoàng đã xảy ra, những người xấu số mãi mãi ra đi về với đất mẹ, nhưng những con người ở lại, những người nhìn thấy chết mà không cứu, nếu cơ quan chức năng điều tra ra sự thật, họ sẽ bị toà án phán quyết. Tuy nhiên, có toà án mà không bao giờ phán quyết, họ sẽ sống trong nỗi day dứt cả đời mình đó chính là toà án "lương tâm".

Mẫn Chi (tổng hợp)