Sau phút choáng váng và thuyết phục không nổi con, bố H. đã xích cô vào gầm cầu thang 19 ngày, không cho tiếp xúc với ai. Không biết vụ việc sẽ đi đến đâu, nếu chính quyền địa phương không kịp thời phát hiện, giải cứu H.

TIN BÀI KHÁC


Nhiều bậc phụ huynh choáng váng khi phát hiện con cái mình “có vấn đề” về giới tính, kèm theo đó là những sự điều chỉnh sai lệch, thậm chí tiêu cực, như dọa tự tử, ép con cái có thai, ép cưới, thậm chí đưa con vào bệnh viện tâm thần... Đó là một thực tế đau lòng, thể hiện sự thiếu hiểu biết cũng như những kỳ thị của xã hội với người đồng tính, được phân tích trong hội thảo “Bạo lực gia đình trên cơ sở xu hướng tình dục và bản dạng giới”, do Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên, mạng lưới phòng chống bạo lực gia đình… tổ chức hôm qua, tại Hà Nội.

Xích con 19 ngày tại gầm cầu thang


Với hàng chục năm nghiên cứu về vấn đề giới tính, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội và môi trường (ISEE) công bố những con số thống kê đáng buồn về tình trạng thiếu hiểu biết về giới tính. Theo tổ chức này, dù xã hội ngày càng cởi mở hơn và chấp nhận người đồng tính, lưỡng tính cũng như việc chuyển đổi giới tính, song việc những người này hòa nhập cộng đồng vẫn rất khó khăn. Một con số buồn cho thấy, hơn 67% số người đồng tính phải giữ kín câu chuyện của họ, chỉ 2,4% dám công khai danh tính. Có đến 77% các bậc phụ huynh cho rằng, họ lấy làm thất vọng nếu con cái mình là người đồng tính…
Hãy để họ sống đúng với chính mình (trong ảnh: Đám cưới của một đôi đồng tính nam được tổ chức tháng 6, tại TPHCM).

Câu chuyện một gia đình ở tỉnh Hải Dương là một ví dụ. Từ khi sinh ra, Nguyễn Thị H. đã có nhiều biểu hiện là người “có vấn đề” về giới tính. Vốn là một cô bé xinh xắn, nhưng theo thời gian, H. thường xuyên tỏ rõ quan điểm cũng như sở thích, đam mê như một người đàn ông.

Qua tuổi cập kê, H. vẫn chưa hề kết thân hoặc có tình cảm với những chàng trai theo đuổi cô. Bố mẹ H. từ nhắc nhở, nói bóng gió xa gần, rồi nói thẳng H. thu xếp chuyện lấy chồng, nhưng cô con gái yêu vẫn một mực nói “không”. Một buổi tối tháng 8/2010, H. tuyên bố với bố mẹ đang thầm thương trộm nhớ Trần Thị D. (một cô gái hàng xóm), và sẽ không lấy ai ngoài D. Sau phút choáng váng và thuyết phục không nổi con, bố H. đã xích cô vào gầm cầu thang 19 ngày, không cho tiếp xúc với ai. Không biết vụ việc sẽ đi đến đâu, nếu chính quyền địa phương không kịp thời phát hiện, giải cứu H. Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ trong hàng ngàn trường hợp kỳ thị hoặc thiếu hiểu biết, dẫn đến những hành vi sai lệch của gia đình, các bậc phụ huynh cũng như xã hội đối với người đồng tính.

Theo ông Lê Quang Bình, Viện trưởng ISEE, không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều quốc gia cũng tỏ rõ việc kỳ thị hoặc khó lòng chấp nhận các mối quan hệ đồng tính, thậm chí, nhiều nơi từng coi đó là những người có dấu hiệu tâm thần, hoặc một dạng bệnh tâm thần...

Hãy để họ sống đúng là mình

Theo bác sỹ Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số (CCIHP), kết quả nghiên cứu cho thấy các hành vi bạo lực gia đình cũng như kỳ thị người đồng tính không mang lại kết quả. Những người đồng tính cũng như bao người bình thường khác, họ không phải người bệnh.

Không những thế, việc kỳ thị và sử dụng bạo lực đối với người đồng tính còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tinh thần không thể hàn gắn. Những nghiên cứu còn cho thấy, từ những hành vi sai lệch, nhiều người trong số họ đã mất đi cơ hội được yêu, mất đi người yêu, hoặc thậm chí bị đẩy ra đường, sống không gia đình, quan hệ tình dục không an toàn... Nhiều người trong số họ rơi vào cảm giác mất niềm tin vào cuộc sống, và bị dồn vào ngõ cụt với giải pháp tìm đến cái chết.

“Hãy để người đồng tính được sống như với chính con người họ”- bác sĩ Tú Anh nói. Theo bác sĩ Tú Anh, để làm được điều này, rất cần có các chương trình truyền thông sâu rộng để cộng đồng nhìn nhận thấu đáo, công bằng hơn với người đồng tính. Xin kết bài với đoạn nhật ký của một người cha, sau khi ông mở lòng chấp nhận con trai mình là người đồng tính: “Tôi nghĩ rằng, khi nó đã cởi lòng, khi nó đã biết rõ, biết chắc chắn nó là ai, nó sẽ tự xây dựng một cuộc sống tốt hơn cho nó. Và với tôi, đó là một điều tốt, nên làm”.

“Đồ biến thái! Vừa dứt lời, bố lại dang cánh tay ra và “chát”- lại tiếng bạt tai nữa vang lên. Toàn thân nó co dúm lại, hứng chịu. “Lũ bệnh hoạn! Mày có phải là thằng bệnh hoạn không mà làm như thế hả? Mày làm tao không dám ngẩng mặt lên nhìn ai nữa”. Tiếng nói của bố cứ vang mãi trong đầu nó. Lời nói của ông như từng nhát dao cứa vào tim nó”.
(Trích nhật ký của một cậu bé 16 tuổi, ở Hà Nội)


(Theo Tiền Phong)