Ở nhiều bệnh viện, tuần nào cũng có một hai vụ côn đồ vào viện gây rối, đe dọa tính mạng của bác sĩ. Cứ từ 12h đêm đến sáng, 90% người cấp cứu là dân anh chị giang hồ.

TIN BÀI KHÁC


Sau vụ án bác sĩ Phạm Đức Giàu tại Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư – Thái Bình bị người nhà bệnh nhân xông vào đâm chết, cách ứng xử của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Nghề y nhận sứ mệnh thiêng liêng cứu chữa bệnh cho mọi người. Công việc của họ thật cao cả khi đem lại sự sống đến với rất nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, tính mạng đội ngũ y bác sĩ ấy lại đang bị đe dọa từng ngày, từng giờ bởi chính những bệnh nhân họ đang hết lòng cứu chữa.

Phẫu thuật khi dao kề cổ

Tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân lăng mạ, xúc phạm thậm chí tấn công các bác sĩ không phải chuyện lạ, bây giờ mới có. Tình trạng này xảy ra ở tất cả các bệnh viện lớn hay nhỏ.

Tại bệnh viện Saint Paul, là bệnh viện tuyến đầu ở Hà Nội, cũng thường hay xảy ra tình trạng lộn xộn giữa bệnh nhân, người nhà với các y bác sĩ. Đội ngũ y bác sĩ ai cũng đã từng hơn 1 lần phải chứng kiến cảnh côn đồ hung hăng, lộng hành tại bệnh viện.

Côn đồ ngày càng lộng hành trong bệnh viện. (Ảnh từ clip)

Mỗi ngày có khoảng 3 đến 5 ngàn lượt người đến bệnh viện vì vậy khó tránh khỏi những va chạm, cãi vã. Nhưng khi đêm xuống, côn đồ mang hung khí, dao kiếm xông vào viện uy hiếp, đe dọa tính mạng của các bác sĩ thì mới là lúc nguy hiểm cận kề. Hầu như tuần nào các phòng cấp cứu của các bệnh viện cũng gặp phải một đến hai vụ.

Bác sỹ Bùi Ngọc Lâm, Phó trưởng khoa khám ngoại BV Saint Paul, nơi dễ chạm trán giang hồ nhất, cho biết: "Từ 12h đêm đến sáng mà có cấp cứu thì 90% là các đàn anh, đàn chị giang hồ. Một bệnh nhân kéo theo đến cả vài chục anh em làm náo loạn, thậm chí đe dọa tính mạng của những người trực ca".

BS Bùi Hoàng Thảo (Khoa Ngoại bệnh viện Saint Paul) từng gặp một ca tương tự. Khi BS đang chuẩn bị gây mê để tiến hành phẫu thuật cấp cứu một bệnh nhân nhập viện lúc nửa đêm, thì nhóm nam thanh niên hung hăng chửi bới, tay lăm lăm dao xông vào phòng mổ. Một thanh niên vung dao loạn xạ và đe dọa: "Mày mà không cứu được người thì tao đâm mày chết".

Tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, BS Thảo khẩn khoản: "Em xin anh. Anh đâm chết em thì ai cứu người nhà của anh bây giờ. Anh cứ bình tĩnh để em cố gắng cứu người".

BS Thảo lúc đó vừa phẫu thuật vừa nơm nớp lo sợ khi con dao của kẻ côn đồ luôn kề bên cổ. Cũng may là ca phẫu thuật thành công, nếu chẳng may có vấn đề gì xấu có lẽ BS Thảo không chắc đã bảo toàn tính mạng.

Người nhà tát cả y tá đang mang thai

Theo ghi nhận của chúng tôi tại hầu hết các bệnh viện buổi sáng là thời điểm tập trung lượng người đến khám chữa nhiều nhất, do đó rất dễ xảy ra lộn xộn, cãi chửi, lăng mạ, xúc phạm đến nhân phẩm của nhân viên y tế.

Bác sỹ Trần Văn Tuấn (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) cho biết: "Ngày càng có nhiều bệnh nhân quá đáng. Họ coi bác sĩ chúng tôi chả khác gì ô sin vậy. Chưa vào đến cửa đã xẵng giọng quát nạt phải làm cái này làm cái kia cho họ. Đặc biệt là với những BN khám bảo hiểm. Các ông bà ấy cứ nghĩ là chìa bảo hiểm ra là chúng tôi phải cung phụng mọi yêu sách ấy".

Bệnh nhân đông dễ xảy ra tình trạng lộn xộn 

Bác sỹ Tuấn kể: "Khi y tá của tôi đang khám và chích thuốc cho một BN nhi, bố của BN này từ ngoài vào, nghe vợ nói con kêu la bảo bác sỹ tiêm đau, người chồng liền nhảy vào tát vào mặt cô y tá đang mang thai. Anh ta chửi bới loạn xạ và định đánh các y tá có mặt ở đó".

Chúng tôi không khỏi bức xúc khi chứng kiến tại bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cảnh một người đàn ông trạc 60 tuổi, chìa cuốn sổ khám và thẻ bảo hiểm trước mặt cô y tá, đập bàn đá ghế và quát: "Tao bằng tuổi bố chúng mày đấy. Khi chúng mày còn chưa ra đời tao đã phải đi chiến trường, thương tật đầy người đây. Chúng mày không mau giải quyết cho tao hả?". Cô y tá nhìn chúng tôi lắc đầu cười trừ: "Chuyện thường như cơm bữa rồi anh chị ạ!".

"Tình trạng lộn xộn ở các bệnh viện là không tránh khỏi. Do đó, mỗi ngày trong các buổi giao ban chúng tôi đều nhắc nhở, rút kinh nghiệm để có cách xử lý, ứng phó kịp thời, đúng đắn với các trường hợp bị người nhà bệnh nhân lăng mạ, tấn công" - BS Phạm Mạnh Thân, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Saint Paul cho biết.

Chạy là thượng sách

Tại bệnh viện Việt Đức dù có lực lượng bảo vệ thường trực canh gác khá chuyên nghiệp song cũng rất thường hay xảy ra tình trạng côn đồ vào làm náo loạn. Ban đêm, khi một đại ca phải nhập viện, vài chục đệ tử với dao kiếm, mã tấu chửi bới, đập phá cửa kính, bàn ghế, máy tính, các thiết bị y tế và tấn công bác sỹ.

Nhân viên y tế Nguyễn Thiện Đức, từng phải gánh chịu những trận đòn vô cớ của người nhà bệnh nhân, cho biết: "Khi tôi đang hướng dẫn thủ tục và các bước để tiến hành phẫu thuật thì người nhà xông vào đấm thẳng vào mặt. Chúng còn rút dao ra định đâm tôi. Trong những trường hợp quá lộn xộn và đe dọa đến tính mạng thì chúng tôi không còn cách nào tốt hơn là chạy thoát thân".

Y tá Đinh Thị Thu Nga cũng từng chứng kiến cảnh hỗn chiến ngay tại bệnh viện Việt Đức. Y tá Nga kể lại: "Cách đây độ hai tháng, sau trận hỗn chiến trên đường Quán Thánh, một hai người trong đó bị chém thương nặng phải vào viện cấp cứu. Tuy nhiên, một lúc sau khoảng hơn 30 người khác xông vào viện. Một người lôi trong túi tennis ra một đống dao kiếm chia cho đồng bọn. Chúng lục tìm hết phòng bệnh này đến phòng khác.

Khi phát hiện ra đối tượng đang được băng bó, cả đám xông đến chém tới tấp khiến bệnh nhân phải lăn khỏi giường cấp cứu bỏ chạy lên tầng 3, tầng 4 mong thoát thân. Cả bệnh viện lại được một phen hoảng loạn
".

Rất may là các bác sĩ, y tá đề cao cảnh giác và kịp thời rời khỏi hiện trường để không có sự việc đáng tiếc như trường hợp ở Thái Bình xảy ra.

Để có cách ứng phó kịp thời với các tình huống xấu, hầu hết các bệnh viện tuyến đầu đã lắp đặt hệ thống camera, thuê vệ sĩ, bảo vệ chuyên nghiệp. Đồng thời bệnh viện còn phối hợp chặt chẽ với công an quận, phường khi có trường hợp xấu xảy ra. Đặc biệt, tại các khu nhất là buồng làm việc của các bác sĩ đều có cửa hậu thoát hiểm an toàn.

(Theo VTC News)