Dù ngày 18-8-2011 UBND thành phố Hà Nội đã có thông báo các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng theo tinh thần Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng vào khoảng 9h sáng Chủ nhật 21-8, tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) vẫn có một nhóm người tụ tập trái pháp luật, mang theo một số băng rôn, biểu ngữ và hô khẩu hiệu, gây huyên náo, mất trật tự công cộng.

TIN BÀI KHÁC

Nhà thiết kế trang phục cho Minh Hằng kém cỏi?
Một nữ sinh viên bị giết dã man
VN sẽ mua máy bay huấn luyện cao cấp của Nga
Xem những con vật kỳ lạ nhất Việt Nam


Cùng lúc này, tại đây đang diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Lực lượng làm nhiệm vụ ở khu vực đã kiên trì tuyên truyền, giải thích và yêu cầu nhóm người trên giải tán. Tuy nhiên những người này không những không chấp hành mà còn có nhiều lời nói, hành động lăng mạ, chống người thi hành công vụ, cố tình tìm cách tiếp tục tụ tập tuần hành gây mất trật tự công cộng. Để thiết lập và bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực bảo vệ, chiểu theo Điều 9 Nghị định 38/2005/NĐ-CP, lực lượng làm nhiệm vụ buộc phải tổ chức cưỡng chế, đưa 47 người vi phạm về trụ sở tiếp công dân của thành phố (số 34 Lý Thái Tổ) và trụ sở đồn Công an Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) để kiểm tra giấy tờ tùy thân, phân loại, lập biên bản xử lý theo thủ tục hành chính về các hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.

Sau đó, 39 trong số 47 người vi phạm nêu trên đã được lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo. Lực lượng công an sẽ có thông báo về các đơn vị, cơ quan và khu phố để tiếp tục có biện pháp giáo dục số người này. 8 công dân còn lại đã bị cơ quan CSĐT (Công an quận Hoàn Kiếm) tạm giữ để điều tra, xử lý vì hành vi quá khích, lăng mạ, chống đối người thi hành công vụ.

Tại trụ sở Đồn Công an Mỹ Đình, trong khi lực lượng chức năng đang tiến hành giải quyết vụ việc thì một số người tiếp tục tụ tập hò hét, có những hành vi quá khích. Do vậy Công an huyện Từ Liêm đã phải tạm giữ 3 người để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, sau khi có thông báo ngày 18-8 của UBND thành phố về công tác bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, các cơ quan, đơn vị và chính quyền, đoàn thể các địa phương đã trực tiếp tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở những người từng tham gia các cuộc tuần hành, biểu tình tự phát trước đó.
Phần đông các công dân này đã nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và đã không tham gia tụ tập trái phép tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ vào sáng 21-8. Tuy nhiên, vẫn còn một số người cố tình lợi dụng các quyền tự do, dân chủ của công dân để lôi kéo, kích động tập trung đông người, gây rối trật tự và có các hành vi quá khích.
Nổi bật trong số người này là Đặng Bích Phượng, Ngô Duy Quyền, Bùi Thị Minh Hằng... Đặc biệt là ông Nguyễn Xuân Diện, công tác tại Viện Hán Nôm (Viện KHXH Việt Nam), trú tại B8 Khu tập thể Kim Liên (quận Đống Đa), dù không tham gia tụ tập trái pháp luật vào sáng 21-8, song đã lợi dụng trang blog cá nhân của mình để hô hào, kêu gọi mọi người tham gia tuần hành, biểu tình trái pháp luật. Đây là những hành vi đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định.

“Những hành động thái quá như chị Đặng Bích Phượng là không thể chấp nhận”

Ông Phạm Ngọc Ban, Tổ trưởng Tổ dân phố số 12, chung cư N06 khu tạm cư phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy: "Tôi thật sự bất ngờ với những hành động trong thời gian gần đây của chị Đặng Bích Phượng. Dù đã được tổ dân phố và các đoàn thể thuyết phục, động viên nhiều lần nhưng chị Phượng vẫn khăng khăng không nghe. Thậm chí mới đây, bà Bình là mẹ của chị Phượng quá bức xúc vì nói con không nghe, đã lạy con đừng nghe người ta xúi nữa mà ảnh hưởng đến thanh danh gia đình, chị Phượng cũng không thèm nghe. Cá nhân tôi cho rằng, những người đi tuần hành như chị Phượng không hề biết mình bị giật dây, lợi dụng. Họ cứ nghĩ rằng được tung hô là vui, là cho rằng mình đúng".

Ông Phạm Văn Hô, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 19, phường Dịch Vọng: "Tôi thấy chị Phượng có những suy nghĩ rất cảm tính. Sống trong gia đình nền nếp mà chị ấy nói những lời không thể chấp nhận được. Cả gia đình cùng hết lời khuyên răn mà chị ấy không chịu nghe. Chị Phượng cố tình không chịu hiểu lẽ phải, cố tình không tôn trọng ý kiến của những người thân trong gia đình và những người sống xung quanh mình. Những hành động thái quá như của chị Phượng là không thể chấp nhận được".

“Chúng tôi rất bức xúc về những việc làm, lời nói của anh Nguyễn Xuân Diện”
Ông Đỗ Văn Yên (Trưởng ban bảo vệ dân phố phường Kim Liên, quận Đống Đa): "Tại phường Kim Liên, tôi được biết có anh Nguyễn Xuân Diện ở tổ dân cư B8 đã tham gia, lôi kéo sinh viên và một số người khác đi biểu tình. Phường Kim Liên, các đoàn thể và tổ dân phố và bản thân tôi cũng đã gặp anh Diện để phân tích, vận động không nên đi biểu tình làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung, nhưng chỉ nhận lại thái độ bất hợp tác. Khi tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Xuân Diện còn luôn khoe khoang về kiến thức của mình, coi việc kích động biểu tình là việc làm đúng và còn lớn tiếng phản bác lại thông báo của UBND TP. Việc làm này là cố tình phớt lờ ý kiến của chính quyền, của tập thể, gây bức xúc cho dư luận trong khu vực, gây khó khăn cho nhà chức trách làm nhiệm vụ".

Ông Nguyễn Văn Luân (Tổ trưởng tổ dân cư B8 tập thể Kim Liên): "Những cuộc biểu tình vừa rồi, nếu là biểu tình yêu nước được cơ quan nhà nước tổ chức, tôi cũng sẽ tham gia để góp thêm tiếng nói của mình. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình gần đây là tự phát thì quan điểm của tôi là không nên đi vì làm mất trật tự chung, để kẻ địch lợi dụng gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị trong nước. Chúng tôi đã gặp gỡ, thuyết phục anh Diện không nên có những hành động tự phát, gây mất trật tự an ninh đường phố nhưng anh Diện bất hợp tác. Tại địa phương, anh Diện cũng rất ít tham gia các hoạt động chung của bà con nhưng lại tham gia biểu tình tự phát một cách "nhiệt tình" thái quá. Chúng tôi là người dân và chỉ muốn anh ấy sống theo Hiến pháp, pháp luật".


(Theo Hà Nội mới)