Khi đang thi công tại khu vực Ciputra các công nhân làm đường ở đây lại phát hiện thêm một ngôi mộ cổ rất độc đáo.

TIN BÀI KHÁC


Ngôi mộ được các công nhân thuộc tổ máy xúc của Công ty xây dựng Kumho (Hàn Quốc) làm đường tại khu vực khu đô thị Ciputra (xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện này có chiều dài mộ 4,3m, chiều ngang 0,94m. Gạch xây mộ dài 28cm, rộng 16cm và dày 4,5cm.

Mộ cổ phát hiện ở Ciputra ngày 22/8/2011 (Ảnh: Gia đình)

Trong lúc thi công, các công nhân đã vô tình phá mất phần trên của ngôi mộ nên chỉ đo được chiều dài phần còn lại là 0,7m. Hiện vật tìm thấy ở ngôi mộ này hầu hết nằm ở đầu và cuối mộ gồm có đồ gốm và đinh quan tài bằng sắt.

PGS. TS Nguyễn Lân Cường cho biết trên báo GĐ&XH: cạnh viên gạch hoàn toàn không có hoa văn "trám lồng" hay "xương cá" như ở 2 ngôi mộ khai quật hồi tháng 4/2011. Dưới đáy mộ không lát gạch như 2 ngôi mộ trước, nhưng nhận rõ độ khum ở vách phía Tây của mộ. Ở giữa các viên gạch dường như có một chất kết dính. Đây là điểm khác biệt so với 2 ngôi mộ trước đây là gạch được xếp vào nhau.Cũng theo ông Cường dựa vào cấu trúc của mộ và hiện vật thu được, thì ngôi mộ này cũng thuộc thời Lục Triều (khoảng thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI)

2 ngôi mộ cổ 2.000 tuổi phát hiện ở Ciputra hồi đầu tháng 4/2011 (Ảnh: Thể thao văn hoá)
Trước đó, đầu tháng 4/2011, các công nhân Xí nghiệp Xây dựng số 1 (thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị) khi đang thi công tại khu vực Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra đã phát hiện ra 2 ngôi mộ cổ thời Lục Triều.

Cả 2 ngôi mộ xây theo kiểu cuốn vòm, với những viên gạch múi bưởi ở phía trên. Đặc biệt khác với các ngôi mộ cổ khác là chạy dọc theo bên ngoài nóc mộ là hàng gạch khóa vòm mộ. Gạch được trang trí hoa văn hầu hết ở mặt trong của vách và trần mộ, mặt ngoài mộ rất hiếm. Mộ lớn chủ yếu là hoa văn “đồng tiền”, hoa văn “trám lồng”, còn mộ nhỏ là hoa văn “xương cá”.

Ngay khi phát hiện, đã có rất nhiều lời đồn đoán xung quanh bởi nhiều người cho rằng trong ngôi mộ cổ 2.000 năm tuổi này có rất nhiều đồ trang sức bình cổ quý hình đầu gà, những hạt thóc còn nguyên cả cuống…Và những ngôi mộ thời này, người chết thường được chôn theo rất nhiều vàng bạc châu báu hay thậm chí được chôn theo cả những mỹ nhân canh giữ mộ....

Tuy nhiên, trả lời trên báo Thể thao văn hoá, PGS. TS Nguyễn Lân Cường cho biết, cả 2 ngôi mộ đều không hề có dấu vết của gỗ quan tài và xương cốt người (có thể do thời gian lâu nên đã tiêu tán hết), không thấy trang sức châu báu mà có một hiện vật còn quý hơn cả châu báu là một bình đầu gà rất đẹp còn rõ cả mào, mắt và đuôi gà.

Mẫn Chi (tổng hợp)